Lạm dụng kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh:

Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế!

07:15 | 20/12/2015

1,985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sự xuất hiện của các kỹ thuật cao trong y tế đem lại những bước tiến mạnh mẽ trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Với việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại như CT scan, MRI, nội soi siêu âm ba chiều v.v… giúp cho việc chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác và đương nhiên, giúp cho công tác điều trị hiệu quả hơn rất nhiều.

Không chỉ thế, các kỹ thuật cao còn góp phần hạn chế những biến chứng trong điều trị, rút ngắn thời gian nằm viện cho người bệnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay còn khá phổ biến tình trạng việc các bệnh viện lạm dụng chỉ định các xét nghiệm không cần thiết, nhất là với bệnh nhân bảo hiểm y tế (BHYT). Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từng chỉ ra các hình thức lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT bằng các xét nghiệm kỹ thuật cao không cần thiết chính là một nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân đối Quỹ BHYT, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia.

nguy co vo quy bao hiem y te
Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Tình trạng lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật bất hợp lý đang phổ biến ở nhiều bệnh viện, như việc chụp các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền như MRI, ST scanner được chỉ định như là quy trình khám và chẩn đoán. Nhiều dịch vụ chồng chéo, gây lãng phí như chụp X-quang nhiều tư thế, hay đã chụp X-quang nhưng lại còn chỉ định chụp CT dù kết quả như nhau, hay đã cho siêu âm ổ bụng, lại còn cho chụp CT ổ bụng. Các dịch vụ kỹ thuật được thực hiện nhiều lần nhưng kết quả không khác biệt, không có tác dụng theo dõi, không có tác dụng phục vụ điều trị, chẩn đoán hoặc kiểm soát, gây lãng phí.

Đáng nói nữa là trong khi việc lạm dụng siêu âm khá phổ biến ở các bệnh viện, thì phần lớn cán bộ y tế lại chưa có bằng cấp chuyên khoa về chẩn đoán hình ảnh, nhưng vẫn thực hiện dịch vụ và đọc kết quả. Với cách thức và trình độ như vậy, việc các kết quả giống nhau, dù là người lớn hay trẻ em, hoặc mô tả chung chung không có giá trị phục vụ điều trị là điều không có gì ngạc nhiên. Ở nhiều bệnh viện, các xét nghiệm sinh hóa và xét nghiệm cận lâm sàng được làm cho gần như tất cả các bệnh nhân, dù là bệnh gì. Các chỉ số sinh hóa máu được chỉ định như những xét nghiệm cơ bản ngay khi người bệnh vào viện.

Có những trường hợp các kết quả xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường, nhưng vẫn được chỉ định làm lại chỉ trong một thời gian ngắn, vừa gây tốn kém cho BHYT, vừa mất thời gian của bệnh nhân, đồng thời tạo áp lực tâm lý cho người bệnh. Một con số thống kê ngẫu nhiên đã chỉ ra, thông thường, các bệnh nhân BHYT bị lạm dụng làm các xét nghiệm nhiều hơn: Theo một khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thì trong 442 ca MRI, có tới 435 đối tượng BHYT, đối tượng sử dụng dịch vụ chỉ có 7 ca.

Khảo sát của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho thấy, tình trạng bác sĩ chỉ định thuốc “vung tay” nên tốn kém và bất hợp lý, không hiệu quả. Việc lạm dụng kháng sinh đắt tiền trong điều trị dự phòng rất phổ biến, đặc biệt trong sản khoa, dù chỉ là đẻ thường. Theo quy định của Bộ Y tế, các thuốc kháng sinh không dấu (*) là thuốc hạn chế sử dụng, khi sử dụng phải hội chẩn, nhưng ở nhiều nơi, loại thuốc này vẫn sử dụng không đúng quy định. Chính việc sử dụng kháng sinh vừa bãi chỉ nhằm đạt hiệu quả tức thời mà không nghĩ lâu dài cho người bệnh, khiến cho không chỉ tổn hại Quỹ BHYT, mà còn khiến cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, việc điều trị cho bệnh nhân ngày càng khó khăn vì “nhờn thuốc”.

Không chỉ thế, nhiều bác sĩ còn cố tình tăng cường chỉ định thuốc ngoại nhập, biệt dược đắt tiền vì lý do cá nhân. Nhiều trường hợp xét nghiệm không có vấn đề gì cũng được chỉ định sử dụng đạm truyền. Con số mà Bảo hiểm Xã hội Việt Nam từng kiểm tra đã cho thấy: Tại  một bệnh viện đa khoa huyện, có tới 90,48% bệnh nhân điều trị nội trú được chỉ định truyền đạm, bất kể bệnh gì.

Lý giải về một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm dụng dịch vụ kỹ thuật đắt tiền, TS Nguyễn Hoài Nam (Trường đại học Y dược TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Do chưa hiểu biết đầy đủ, người bệnh và thân nhân thường có áp lực về tâm lý, ảo tưởng về phương pháp chẩn đoán và điều trị mới. Cũng chịu không ít áp lực, người thầy thuốc sẵn sàng cho làm những xét nghiệm, hay giới thiệu bệnh nhân đi làm các phương pháp điều trị mang tính kỹ thuật cao, dù thâm tâm họ biết chỉ định chưa thật hoàn hảo do ngại bị kiện cáo.

Một nguyên nhân nữa là, ở phòng khám một số bệnh viện thường xuyên quá tải, nên bác sĩ đã chỉ định nhiều loại cận lâm sàng để “giải phóng” nhanh số người khám bệnh khỏi khu vực, cho dù có những dịch vụ y tế không thật sự cần thiết. Hoặc chỉ định sử dụng dịch vụ xã hội hóa để nhận hoa hồng chênh lệch, hay có những bệnh viện khoán thu cho từng khoa, nên các bác sĩ cũng tăng cường chỉ định các dịch vụ chưa thật sự cần thiết để đảm bảo mức khoán. 

Tuy nhiên, còn một lý do nữa được ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho hay: Nhiều bệnh viện đầu tư máy móc hiện đại theo phương thức xã hội hóa nên đã tăng cường chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật để vừa tăng nguồn thu, vừa nhanh khấu hao máy móc, dẫn đến tình trạng chỉ định nhiều xét nghiệm quá mức cần thiết, nhất là các dịch vụ kỹ thuật như: siêu âm màu, chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, điện não đồ, nội soi tai mũi họng...

TS Nguyễn Hoài Nam cũng đưa ra thêm những nguyên nhân lý giải cho việc lạm dụng kỹ thuật cao trong các bệnh viện là, hiện đang hình thành một khuynh hướng chạy đua kỹ thuật giữa các bệnh viện. Nhiều bệnh viện coi kỹ thuật cao là bộ mặt, là niềm tự hào, mặc dù công suất sử dụng có khi chỉ chưa đến 1/4. Áp lực về việc phải chẩn đoán đúng, điều trị đúng và dư luận đè nặng lên vai của người thầy thuốc, trong khi việc chẩn đoán và điều trị bệnh cần phải có thời gian để theo dõi sát và nắm các diễn tiến của bệnh. Sự hiểu biết về các phương tiện chẩn đoán và điều trị mới của người dân còn hạn chế, nhất là về chỉ định và đối tượng áp dụng. Vì thế, người bệnh và thân nhân họ thường có áp lực về tâm lý, ảo tưởng về phương pháp chẩn đoán và điều trị mới.

Tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật không chỉ tạo nên nguy cơ vỡ Quỹ BHYT, đồng thời còn khiến người bệnh mất nhiều thời gian, tiền bạc (nếu phải đồng chi trả BHYT) khi phải làm nhiều xét nghiệm không cần thiết. Ngành y tế đã có những biện pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao bằng việc xây dựng hướng dẫn điều trị chuẩn và quy trình chuyên môn, các bệnh viện đều có hội đồng chuyên môn, hội đồng thuốc và điều trị, đơn vị giám sát để kiểm soát, bình bệnh án. Song, để chống lạm dụng trong điều trị, vấn đề căn cốt là phải thay đổi cơ chế chi trả BHYT theo hình thức trọn gói và theo nhóm bệnh, đi kèm với việc xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, để BHYT chỉ giám sát quy trình kỹ thuật điều trị thay vì giám sát việc chi đúng hay sai như hiện nay.

Phương thức thanh toán định suất là một giải pháp nhằm bảo toàn Quỹ BHYT và tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh, đồng thời với phương thức giám định hồ sơ theo tỷ lệ xác suất. Một vấn đề cũng được các nhà quản lý quan tâm trong việc chống lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao là người dân cũng cần có những kiến thức y học tối thiểu, để hiểu biết và không gây áp lực tâm lý cho thầy thuốc. Có kiến thức tối thiểu, bệnh nhân có thể đề nghị thầy thuốc giải thích rõ ưu, nhược điểm và giá thành khi được giới thiệu một phương pháp chẩn đoán và điều trị mới, để có sự thông cảm giữa thầy thuốc và bệnh nhân, tránh lam dụng trong chẩn đoán và điều trị.

Năng lượng Mới 484