Nguồn cung dầu thô tại Nga sẽ thâm hụt?

15:26 | 18/08/2020

|
(PetroTimes) - Nhiều nhà phân tích thị trường dầu khí đã đưa ra dự báo về thời kỳ thâm hụt nguồn cung trên thị trường. Đây là thời điểm Chính phủ Nga nên tính toán tương lai của hoạt động sản xuất dầu thô tại Nga. 
nguon cung dau tho tai nga se tham hutMỹ mua một lượng dầu kỷ lục từ Nga
nguon cung dau tho tai nga se tham hutLiệu Ả rập Saudi có khơi mào một cuộc chiến giá dầu mới với Nga?
nguon cung dau tho tai nga se tham hut

Cuộc khủng hoảng kép đại dịch Covid-19 và sụp đổ giá dầu không chỉ gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận đối với các công ty dầu mỏ mà còn gây ra thiệt hại nghiêm trọng khác, đó là sụt giảm trữ lượng dự trữ. Tập đoàn dầu khí lớn đầu tiên ghi nhận thiệt hại là ExxonMobil. Trong báo cáo hoạt động mới đây, hãng này cho biết tổng trữ lượng dự trữ cho khai thác có thể sẽ giảm 20% từ mức 22,4 tỷ thùng dầu quy đổi do giá dầu sụt giảm. Thông báo của ExxonMobil rất có thể là tình trạng chung của tất các các tập đoàn dầu khí lớn khác trên thế giới khi hầu hết các nhà sản xuất ghi nhận thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2020. ExxonMobil cũng cảnh báo, nếu giá dầu được giữ nguyên trong năm 2020 và thấp kéo dài thì một lượng dầu, bitum và khí thiên nhiên đã được xác định đến cuối năm 2020 sẽ không được tính là trữ lượng đã được chứng minh. Những ước tính này của ExxonMobil dựa trên một số yếu tố, bao gồm chi tiêu vốn (CAPEX), các giai đoạn phát triển mỏ và giá năng lượng.

Cảnh báo này của ExxonMobil có thể đã được lan tỏa trong toàn ngành dầu khí. Tập đoàn Saudi Aramco cho biết, hãng dự kiến cắt giảm CAPEX từ 40-45 tỷ USD trong năm 2021 so với những dự báo trước đó. Các tập đoàn dầu khí lớn khác trên thế giới như BP, Shell, Total và ConocoPhillips cũng đã quyết định trì hoãn các khoản đầu tư quy mô lớn vào các dự án sản xuất dầu mới.

Nhiều nhà phân tích trên thị trường dầu khí và cả chính các công ty dầu khí đã đưa ra dự báo về thời kỳ thâm hụt nguồn cung. Ví dụ: Total nhận định, sự suy yếu trong đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ đã bắt đầu từ năm 2015, bị trầm trọng hơn bởi cuộc khủng hoảng giá dầu và đại dịch trong năm 2020 sẽ dẫn đến thiếu hụt năng lượng do suy giảm sản xuất dầu mỏ vào năm 2025. Theo báo cáo vừa được công bố mới đây của JPMorgan, tình trạng dư cung trên thị trường sẽ chuyển thành thâm hụt nguồn cung, dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2022. Mức thâm hụt có thể lên tới 6,8 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Các chuyên gia Nga cũng đang dự báo một sự suy giảm nghiêm trọng về đầu tư trong tương lai sẽ diễn ra. Hậu quả là suy giảm trữ lượng tài nguyên, kéo theo một chu kỳ giá dầu mới.

Đầu tư dầu khí suy giảm

Chuyên gia phân tích hàng đầu của Trung tâm năng lượng, Trường quản lý Mátxcơva Ekaterina Grushevenko nhận định, sự sụt giảm trữ lượng dầu khí có lợi nhuận liên quan đến sụt giảm giá dầu, cũng như suy giảm đầu tư trong giai đoạn 2014-2016. Nhìn chung, đầu tư dầu khí trong cả năm 2020 sẽ giảm ít nhất 20-25% và ở một số quốc qua như Mỹ, tỷ lệ này có thể đạt đến 40-60%. Điều này cũng tác động đến các nhà sản xuất Nga. Nhiều nhà sản xuất như Lukoil, Gazprom Neft, Rosneft cũng đã thông báo cắt giảm chương trình đầu tư trong năm 2020. Sự suy giảm đầu tư có thể sẽ làm trầm trọng hơn trữ lượng dự trữ dầu khí hiện nay tại Nga. Đồng thời, chuyên gia cho rằng, các công ty dầu khí tư nhân vừa và nhỏ, không có nguồn lực tài chính mạnh sẽ phải đối mặt với tình trạng sụt giảm chi tiêu vốn (CAPEX).

Ngược lại, các công ty dầu khí quốc gia hoặc có sự tham gia của nhà nước sẽ có triển vọng tốt hơn khi nhận được hỗ trợ nhà nước, trong đó có hỗ trợ đầu tư ở một mức độ nhất định. Theo đánh giá của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), động lực suy giảm đầu tư hiện nay giống với động lực trong giai đoạn 2015-2016. Do đó, về tổng thể trong giai đoạn 2020 - 2021, đầu tư dầu khí có thể suy giảm 45%, từ 505 tỷ USD xuống còn 280 tỷ USD (2021). Đây sẽ là mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua. Động lực suy giảm đầu tư như vậy có nghĩa là đến năm 2024, khi nhu cầu phục hồi, ngành dầu khí sẽ phải đối mặt với khủng hoảng thiếu hụt đầu tư. Điều này có thể dẫn đến một chu kỳ tăng giá mới trên thị trường.

Tất cả đều đang bị thiệt hại

Giám đốc phân tích về thăm dò và khai thác dầu khí tại VYGON Consulting Sergei Klubkov cho biết, hầu hết các công ty dầu khí trên thế giới đều công bố trữ lượng của mình phù hợp với các tiêu chuẩn của SEC và PRMS. Các tiêu chuẩn này dựa trên khái niệm lợi nhuận của trữ lượng dự trữ trong điều kiện áp dụng các công nghệ và giá hydrocarbon hiện hành. Rõ ràng, giá dầu giảm trong thời gian dài sẽ dẫn đến mất lợi nhuận một phần các nguồn dự trữ và hậu quả là suy giảm giá trị các nguồn dự trữ có lãi.

Trả lời cho câu hỏi những công ty nào và ở những khu vực nào có thể bị thiệt hại nặng nề nhất, chuyên gia Klubkov khẳng định, tất cả các công ty dầu khí đều bị thiệt hại và không có ngoại lệ. Những công ty mà trong danh mục đầu tư có tỷ trọng tài sản có chi phí sản xuất và phát triển cao sẽ phải chịu thiệt hại lớn nhất (như dầu khí đá phiến, dầu cát, dầu nặng, các dự án ngoài khơi). Những nhà sản xuất có chi phí sản xuất cao hơn giá dầu trên thị trường sẽ phải cắt giảm hoạt động của mình. Những khu vực hiện nay có chi phí khai thác cao gồm Mỹ (Vịnh Mexico, các lưu vực Bakken, Eagle Ford, Barnett, Haynesville, Fayetteville, Marcellus), Canada (Alberta), Venezuela (vành đai Orinoco), Mexico, Trung Quốc, Argentina. Còn tại Nga có thể nhấn mạnh rằng, trữ lượng dự trữ đã suy giảm từ năm này sang năm khác trước khủng hoảng. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến việc cạn kiệt tài nguyên là gì và kinh phí thăm dò địa chất trong nước còn thiếu bao nhiêu cũng như áp lực thuế quá lớn đối với ngành dầu khí.

Tính toán của các cơ quan nhà nước Nga

Hãng thông tấn Interfax dẫn nguồn từ Bộ Tài nguyên thiên nhiên liên bang Nga cho biết, trong nửa đầu năm 2020, tại Nga đã tìm kiếm và đưa vào bảng cân đối trữ lượng quốc gia 11 mỏ dầu khí mới và trữ lượng của của các mỏ này chỉ đạt 30 triệu tấn. Con số này thấp hơn 9 lần so với sản lượng sản xuất trong 6 tháng đầu năm (270 triệu tấn). Phần lớn các mỏ được có kích thước nhỏ và rất nhỏ. Chỉ có duy nhất một mỏ có kích thước trung bình theo phân loại trữ lượng A, B1 và C1. Đó là mỏ Novoognennoye ở Khu tự trị Yamalo-Nhenhetxky, được Rosneft công bố. Cần lưu ý thêm là trong năm 2019, có 59 mỏ mới được đưa vào bảng cân đối và tất cả các mỏ đó đều được xếp vào loại nhỏ.

nguon cung dau tho tai nga se tham hut

Trong báo cáo về tình hình trữ lượng khoáng sản liên bang, Cơ quan kiểm toán Liên bang Nga thông báo rằng, các phát hiện dầu khí mới chỉ có thể bù đắp không quá 25% trữ lượng dầu đã khai thác hết. Ngoài ra, một phần đáng kể các mỏ được phát hiện được các công ty dầu khí báo cáo và được đăng ký nhà nước là "giả" và không được xác nhận trong quá đánh giá lại, thăm dò và khai thác.

Cơ quan Kiểm toán liên bang tính toán rằng, thống kê từ năm 2016 đến nay cho thấy có 2,278 tỷ tấn dầu và condensate (gần bằng sản lượng 5 năm khai thác) không được công nhận tồn tại trên thực địa. Trong giai đoạn 2016 đến nay ghi nhận 6,041 nghìn tỷ m3 khí thiên nhiên bị xóa sổ (bằng tổng sản lượng 9 năm khai thác khí). Cơ quan này cũng cho biết thêm, hiệu quả thăm dò địa chất được thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước được đánh giá cao một cách bất hợp lý. Các nguồn tài nguyên được phát hiện được dự báo là có tính kinh tế chỉ có xác suất từ 25-35% trở xuống.

Cần lưu ý rằng, trong năm 2019, Nga đã tiến hành kiểm kê tại 609/2.700 mỏ đang khai thác với tổng trữ lượng đạt 17/28,9 tỷ tấn, chiếm gần 60% tổng trữ lượng có thể thu hồi tại Nga. Các mỏ được thống kê đều có trữ lượng trên 5 triệu tấn. Một số mỏ lớn, có giá trị chiến lược như mỏ Samotlorsk và một số lô được áp dụng chế độ thuế và ưu đãi đặc biệt lại không được tính. Kết quả sơ bộ được tính toán trên cơ sở giá dầu Urals ở mức 69 USD/thùng và tỷ giá USD/rúp là 63. Theo đó, chỉ có 11,5 tỷ tấn, tương đương 67% tổng trữ trữ lượng thu hồi là mang lại hiệu quả kinh tế khi khai thác.

Theo như báo "Rossiyskaya Gazeta" đưa tin, Bộ Tài nguyên thiên nhiên sẽ phối hợp với Bộ Năng lượng tiến hành kiểm kê giai đoạn hai, có tính đến sự thay đổi cục diện của thị trường. Theo "Chiến lược phát triển trữ lượng khoáng sản LB Nga" thì chỉ còn 7 năm nữa, trữ lượng khoáng sản sẽ bước vào giai đoạn suy giảm nghiêm trọng. Theo Bộ Năng lượng Nga, đến năm 2035, sản lượng khai thác có thể sụt giảm gần 50% từ 553 triệu tấn (11,4 triệu thùng/ngày) xuống còn 310 triệu tấn (6,3 triệu thùng/ngày).

Cần nguồn lực để thiết lập sự cân bằng

Chuyên gia Ekaterina Grushevenko tính toán rằng, trữ lượng dự trữ dầu thô chất lượng cao tại Nga đang giảm dần trong những năm gần đây. Điều này cũng được chỉ ra bởi thành phần của trữ lượng đã được chứng minh. Trong số 15 tỷ tấn trữ lượng, có 2/3 (10 tỷ tấn) được xếp vào loại trữ lượng khó thu hồi (dầu có độ nhớt cao, dầu tại thềm lục địa Bắc Cực và các khu vực nước sâu). Phần lớn các mỏ mới có kích thước nhỏ và nằm xa hệ thống cơ sở hạ tầng khai thác. Vì vậy, lợi nhuận khi khai thác, nhất là đối với các trữ lượng nhỏ có thể sẽ bị âm. Chuyên gia Grushevenko cho biết thêm, thiết lập cân bằng các nguồn trữ lượng mới đòi hỏi phải đầu tư bổ sung. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu hiện nay, điều này trở nên rất khó khăn. Vì vậy, vào năm 2019, lần đầu tiên sau 14 năm, ngành dầu khí Nga ghi nhận dự trữ khai thác rơi xuống mức âm 2,2 triệu tấn.

Nga cần những nguồn tài nguyên mang lại hiệu quả kinh tế

Không đồng tình với quan điểm nêu trên, Giám đốc điều hành Ủy ban Dự trữ khoáng sản nhà nước FBU "GKZ" Igor Shpurov cho rằng có sự bổ sung trữ lượng dự trữ dầu thô trong năm 2019 và đạt kết quả tốt. Tổng trữ lượng dầu trên phạm vi cả nước ở mức 29 tỷ tấn. Các công ty dầu khí đang cố gắng gia tăng trữ lượng và hoàn toàn sản lượng khai thác của mình.

Ông Shpurov cũng nhắc lại rằng, dầu là nguồn tài không không tái tạo. Do đó để hỗ trợ khai thác dầu trên phạm vi cả nước ở mức như hiện nay cần tìm kiếm những mỏ dầu mới có quy mô lớn. Để làm được điều này, Nga cần những công nghệ thăm dò địa chất hiện đại để ứng dụng tại các khu vực sâu, xa. Tất cả điều này cần sự đầu tư lớn. Các công ty dầu khí cần những nguồn dự trữ có thể đem lại lợi nhuận khi khai thác, có nghĩa là cần những trữ lượng có hiệu quả kinh tế. Gia tăng trữ lượng bằng bất kỳ giá nào không phải là mục tiêu mà các công ty và nhà nước hướng đến.

Chuyên gia Shpurov cũng giải thích thêm, mục đích của công tác thăm dò địa chất không chỉ đơn giản là khám phá các mỏ mới vì mục đích khám phá mà là vì nhu cầu gia tăng trữ lượng thực sự. Để trả lời cho câu hỏi tại sao số liệu của Cơ quan kiểm toán liên bang xác nhận rằng, phần lớn những khám phá không được thừa nhận trong quá trình đánh giá lại, thăm dò và khai thác, chuyên gia Shpurov cho rằng, trữ lượng có những mức độ xác nhận khác nhau. Đối với đánh giá trữ lượng được chứng minh theo phân loại A1, B1, C1, khả năng xác nhận đạt ít nhất 90%. Ngoài ra, có đánh giá trữ lượng sơ bộ theo phân loại B2, C2. Theo thống kê, khả năng xác nhận của chúng xấp xỉ 50%. Khi nói về các trữ lượng được chứng minh đã được xác nhận, có lẽ chúng ta đang nói về trữ lượng ước tính sơ bộ, được xác định trong quá trình khoan.

nguon cung dau tho tai nga se tham hut

Về thông tin những khám phá trữ lượng mới của Nga chỉ có thể bù đắp không quá 25% sản lượng đã khai thác, chuyên gia Shpurov nhận định, điều này là đúng nếu kết quả được tính trong 1 năm. Vì phần lớn trữ lượng tăng hàng năm là do hoạt động thăm dò địa chất cung cấp đối với các mỏ đã được phát hiện từ một đến 12 năm về trước. Đây là phương pháp sử dụng lòng đất hiệu quả trong quá trình nghiên cứu về trầm tích theo giai đoạn (tìm kiếm, phát hiện, thăm dò, khai thác) đã hình thành trong nhiều thập kỷ. Có những mỏ mới kèm theo rủi ro lớn. Xác suất rủi ro giao động từ 25-75%. Trong một nửa số trường hợp, giếng thăm dò bị khô và không được xác nhận về trữ lượng. Nhưng khi bước vào giai đoạn phát triển mỏ, nguy cơ về trữ lượng giảm đáng kể. Ở giai đoạn thăm dò, rủi ro là 30-50%. Và nếu tiến hành tận thăm dò tại tất cả các mỏ đã được đưa vào khai thác, thì tỷ lệ thành công đạt tới 75%.

Công tác thăm dò địa chất từ góc nhìn lạc quan

Chuyên gia Sergei Klubkov nhận định, các công ty dầu khí Nga không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Do đó, sự sụt giảm giá dầu sẽ dẫn đến sụt giảm lợi nhuận khai thác. Tuy nhiên sự sụt giảm này sẽ không quá nghiêm trọng. Vì khi giá dầu thay đổi, tỷ giá đồng rúp được điều chỉnh tương ứng. Điều này cho phép duy trì sự cân bằng giữa mặt bằng giá và chi phí sản xuất. Trong tình huống có dự trữ bổ sung, chế độ thuế dưới mức tối ưu đối với sản xuất dầu cho phép nhà nước thu được trung bình 60% giá bán. Tỷ lệ trữ lượng có lãi giảm khi giá dầu thấp.

Trả lời cho câu hỏi về nguyên nhân sụt giảm trữ lượng thăm dò dầu thô tại Nga, chuyên gia Klubkov nhận định, cần lưu ý một số yếu tố sau: thứ nhất, công tác thăm dò các khu vực dầu khí của Nga đang ở mức cao và phần lớn trữ lượng gia tăng thêm liên quan đến việc thăm dò bổ sung các mỏ đã được phát hiện trước đó. Thứ hai, trong điều kiện giá dầu thấp, cắt giảm chi phí và các chương trình thăm dò được các nhà sản xuất ưu tiên hàng đầu. Thứ ba, việc giảm đáng kể sản lượng khai thác dầu thô trong giai đoạn 2020-2021 theo thỏa thuận OPEC+ sẽ dẫn đến giảm tốc độ tăng trưởng dự trữ để đảm bảo tỷ lệ bổ sung trữ lượng (ít nhất ở mức 100%).

Tóm lại tất cả những phân tích trên, có thể nhấn mạnh rằng, Chính phủ Nga vốn thường xuyên gia tăng áp lực thuế lên ngành dầu khí cần phải xác định xem tương lai của hoạt động sản xuất dầu khí của Nga. Gánh nặng tài khóa ngày càng tăng không thể cải thiện cơ cấu dự trữ, nhưng sẽ dẫn đến suy giảm nguồn thu thuế khi sản lượng khai thác giảm.

Nhận định

Qua các ý kiến phân tích chuyên gia có thể thấy rằng, khủng hoảng kép Covid-19 và sụp đổ giá dầu tác động đến tất cả các nhà sản xuất dầu khí toàn cầu, trong đó có hoạt động đầu tư gia tăng trữ lượng khai thác. Trong bối cảnh giá dầu thấp kéo dài thì bài toán gia tăng trữ lượng không chỉ dừng lại về mặt số lượng mà còn về mặt gia tăng trữ lượng bổ sung (trữ lượng có triển vọng lợi nhuận đối với các nhà sản xuất hay không). Do đó, có thể thấy hai xu hướng chung của giới đầu tư dầu khí toàn cầu và các công ty dầu khí hiện nay là mở rộng, chuyển đổi mô hình hoạt động sang mô hình công ty năng lượng, gia tăng khai thác các nguồn năng lượng sạch hoặc là thận trọng, chờ cơ hội đầu tư vào các dự án mới khi giá dầu đạt mức cao hơn. Việc đại dịch Covid-19 kéo dài, giá dầu duy trì ở mức thấp đang đe dọa đến triển vọng CAPEX trong ngắn và trung hạn, nhất là đối với các nhà sản xuất vừa và nhỏ khi mà hầu hết các công ty dầu khí ghi nhận thua lỗ trong 6 tháng đầu năm. Do đó, chi phí CAPEX cho công tác tìm kiếm thăm dò khó tránh khỏi sự suy giảm trong một vài năm tới.

Tại Nga, theo số liệu nêu trên thì phần lớn trữ lượng bổ sung xuất phát từ việc tận thăm dò các mỏ dầu đang khai thác trong vòng 1-12 năm qua. Một số mỏ mới phát hiện trong năm 2020 chủ yếu có quy mô nhỏ. Với sản lượng khai thác dầu thô của Nga tăng kỷ lục trong những năm gần đây thì việc tìm kiếm những mỏ dầu mới có trữ lượng lớn đang là bài toán cấp bách nhằm đảm bảo tỷ lệ khai thác - gia tăng trữ lượng và phát triển bền vững. Để giải quyết bài toán này, ngành công nghiệp dầu khí Nga cần hai điều kiện chính là vốn đầu tư bổ sung và công nghệ tiên tiến cho hoạt động thăm dò. Xét về tình hình kinh tế trong nước và hạn chế tiếp cận công nghệ tiên tiến của Mỹ/phương Tây do cấm vận có thể thấy khả năng nhà nước Nga đáp ứng hai điều kiện trên là khá thấp. Suy giảm sâu sản lượng đã được Bộ Năng lượng Nga dự liệu trong vòng 1 thập kỷ tới. Rất có thể sản lượng khai thác dầu thô tại Nga đã đạt đỉnh trong năm 2019.

Nguyễn Anh Phương