Người Việt đến chùa trong 'cơn say… thuốc lắc'!

15:58 | 21/02/2016

4,000 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày nay, nhiều người đến chùa chiền, miếu mạo không khác gì những người đang trong cơn say thuốc lắc… Họ chen lấn, giẫm đạp lên đầu nhau, họ lao vào đánh nhau để tranh cướp lộc, cướp ấn.

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa lễ hội sau tết thì cả đất nước như sôi lên sùng sục. Người ta đổ xô đến chùa chiền, miếu mạo, đến các lễ hội để cúng bái, cầu khấn.

Công bằng mà nói, đây là một hoạt động văn hóa tâm linh mang tính truyền thống. Song, nếu như trước đây người ta đến chùa chiền, lễ hội trong không khí bình dị, trang nghiêm và thanh tịnh, họ thấp những nén hương để cầu mong sự tốt đẹp cho đất nước, cho người thân họ thì bây giờ mọi thứ đã khác!

Bây giờ, người ta đến những nơi được coi là linh thiêng với thái độ hối hả, với nỗi ám ảnh phải có được lộc, phải cướp được phết, được ấn để về cầu may mắn, cầu tương lai rộng mở trên con đường quan lộ.

nguoi viet den chua trong con say thuoc lac
Nhiều người chen chúc nhau để khấn vái

Và, để đạt được mục đích đó, họ sẵn sàng dùng bạo lực, họ sẵn sàng từ chối lòng tự trọng của bản thân, họ chen lấn, giẫm đạp lên đầu nhau, họ vung gậy và lao vào đánh nhau như những kẻ du thủ, du thực.

Lễ hội ở đâu trên thế giới này cũng có thể là rất đông đúc, nhưng bát nháo như ở nước ta thì quả là hiếm thấy.

Thật khó tưởng tượng khi các lễ hội văn hóa truyền thống thiêng liêng ngày xưa như lễ phát ấn đền Trần, lễ hội đền Gióng… nay đã dần dần biến tướng thành những cuộc tranh cướp cái ước mơ thăng quan tiến chức, ước mơ may mắn, tài lộc trong năm mới. Nhưng không chỉ là những dân thường, trong số họ còn có những tri thức, thậm chí là những người đã, đang và sẽ làm quan.

Bằng chứng là không ít quan chức đã dùng xe công để mang lễ vật đến đền chùa, miếu mạo cúng bái mà không hề biết xấu hổ.

Tất cả  những điều đó chính là biểu hiện của trạng thái tâm thần lễ hội của chúng ta. Nhiều người cứ lao đến chùa chiền, miếu mạo không khác gì những người đang trong cơn say thuốc lắc… Họ không kiểm soát được hành vi của mình ở chốn trang nghiêm này.

Giành giật, giẫm đạp lên nhau để cướp ấn với niềm tin may mắn, thăng quan, đó là một niềm tin thảm hại nhất trong xã hội hiện nay! Người ta đang bỏ tiền của, công sức, thời gian, thậm chí bỏ luôn cả lòng tự trọng để đi cầu khấn, cúng bái thánh thần với hy vọng được ban cho những thứ mà lẽ ra họ cần phải nỗ lực lao động mới có được.

Khi mà người ta càng ngày càng phải dựa dẫm vào thánh thần để đi tới tương lai thì đó quả thật là một xu hướng đáng báo động. Bởi khi đó, hệ quả của các lễ hội không chỉ dừng lại ở sự bát nháo như hiện tại mà nó còn có nguy cơ đẩy xã hội đến chỗ yếu đuối. Người ta sẽ chỉ nghĩ đến chuyện cầu xin thánh thần khi gặp khó khăn thay vì phải phấn đấu để vượt qua.

Vậy thì nguồn cơn của hiện tượng này là gì?

Đó là do sự mê muội dị đoan, là niềm tin bệnh hoạn đang sôi sục thức dậy trong nhiều người, mặt khác sâu xa hơn là do một số tín điều được xác lập cho xã hội này đã không còn đáng tin nữa!

Người ta nói, xã hội muốn phát triển thì cần phải thoát khỏi nhiều thứ, nhưng có lẽ điều cần thoát nhất lúc này đó chính là phải thoát khỏi việc dựa dẫm, vòi vĩnh mua bán với thánh thần!

Lê Trúc