Người lao động lao đao vì dịch Covid-19

14:55 | 23/04/2020

331 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trước sự tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế bị sụt giảm đã làm nhiều người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn - thất nghiệp, thu nhập không đủ sống…    
nguoi lao dong lao dao vi dich covid 19Những lao động lay lắt trong đại dịch
nguoi lao dong lao dao vi dich covid 19Người lao động Dầu khí đồng cam cộng khổ vượt gian khó
nguoi lao dong lao dao vi dich covid 19Người lao động mất việc sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng mỗi tháng

Thất nghiệp và đối mặt với đói nghèo

Theo sự phân tích của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hoạt động kinh tế sụt giảm mạnh tạo nên một tác động chưa từng có đối với vấn đề lao động việc làm của Việt Nam, đặc biệt là trong quá trình thực hiện quy định cách ly xã hội. Nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ hoặc một số cấu phần kinh doanh dịch vụ thuộc mọi quy mô và lĩnh vực phải tạm dừng hoạt động trong hơn 20 ngày, làm ảnh hưởng đến doanh thu của người lao động (NLĐ) thuộc các dịch vụ đó.

Các nhà máy phục vụ thị trường nội địa đang phải cắt giảm thời giờ làm việc và đề nghị giảm mức lương hay tạm dừng mọi hoạt động sản xuất cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới NLĐ. Lao động làm việc trong các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đối mặt với hoàn cảnh này. Một đánh giá mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện trên 46 tỉnh thành cho thấy, 76% doanh nghiệp được khảo sát đã giảm số giờ làm của NLĐ theo nhiều cách khác nhau, từ việc áp dụng thời giờ làm việc linh hoạt cho tới biện pháp cuối cùng là sa thải lao động.

nguoi lao dong lao dao vi dich covid 19
Nhiều người lao động thất nghiệp phải nhận đồ cứu tế

Dự kiến tác động toàn diện của các biện pháp giãn cách xã hội sẽ được thể hiện đầy đủ trong số liệu thống kê công bố vào cuối quý II. Mức độ suy giảm này phụ thuộc vào mức độ dễ bị tổn thương của mỗi lĩnh vực trước ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp hay cả hai của các biện pháp kiểm soát Covid-19.

Theo đánh giá, khoảng 25,8 triệu lao động tại Việt Nam hiện đang làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ phải đối diện với sự suy giảm đáng kể về sản lượng kinh tế (mức trung bình hoặc cao). Toàn bộ lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống nói chung đang phải hứng chịu tác động nghiêm trọng, sự giảm mạnh về quy mô đã thể hiện rất rõ trong quý I. Các hoạt động kinh tế liên quan đến du lịch (bao gồm các dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận tải, cũng như các hoạt động nghệ thuật và vui chơi giải trí) đã bị đóng băng.

Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất cũng là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Như đã nêu, các lĩnh vực công nghiệp có liên kết với chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, lắp ráp ô tô và sản xuất đồ gỗ nội thất đang bị cắt giảm hoạt động nghiêm trọng và phải ngừng hoạt động sản xuất của các nhà máy trên diện rộng do các đơn hàng từ thị trường nội địa và quốc tế đã bị hủy. Không chỉ có lĩnh vực sản xuất, ngành vận tải hàng không là một phân ngành trong lĩnh vực vận tải, kho bãi và truyền thông cũng gần như hoàn toàn đình trệ. Một số các hoạt động khác trong lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi, giải trí cũng trong tình trạng tương tự.

Theo ILO, tác động của khủng hoảng đến việc làm phụ thuộc vào mức độ gián đoạn kinh tế và quy mô việc làm trong mỗi lĩnh vực bị ảnh hưởng. Dựa trên đánh giá về mức độ suy giảm hiệu suất kinh tế, ILO cho rằng, có thể ước tính tỷ lệ lao động có nguy cơ mất việc hoàn toàn hay bị cắt giảm số giờ làm việc hoặc giảm lương hay vừa giảm số giờ làm việc vừa giảm lương.

Hai kịch bản tác động tới người lao động

ILO đưa ra 2 kịch bản: Kịch bản 1 là mức độ tác động thấp hơn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng trong quý II và kịch bản còn lại là mức độ tác động lớn hơn khi phần lớn các biện pháp kiểm soát dịch bệnh vẫn được áp dụng.

nguoi lao dong lao dao vi dich covid 19
Nới lỏng cách ly xã hội sẽ giúp nhiều người lao động đỡ lao đao vì dịch Covid-19

Với 2 kịch bản này, ILO ước tính đến cuối quý II năm nay, cuộc khủng hoảng có thể tác động tới sinh kế của 4,6-10,3 triệu lao động thông qua giảm số giờ làm việc, giảm lương hoặc mất việc làm. Theo kịch bản có mức tác động lớn hơn, sẽ có 3,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 2,6 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ, sửa chữa xe gắn máy và xe máy và 1,4 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống bị ảnh hưởng.

Kịch bản có mức tác động thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến 1,8 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất, 0,9 triệu lao động trong lĩnh vực thương mại bán buôn và bán lẻ và 0,9 triệu lao động làm các dịch vụ lưu trú và ăn uống. Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp hiện đang sử dụng tổng cộng 18,9 triệu lao động được đánh giá là lĩnh vực có nguy cơ thấp, nhưng các phân ngành phục vụ xuất khẩu cũng có thể phải đối diện với nhiều thách thức.

Hiện nay, Chính phủ đã nới lỏng giãn cách ly, ILO cho rằng điều này sẽ giảm nhẹ đôi chút tác động kinh tế từ kênh trực tiếp. Tuy nhiên, các nước đối tác thương mại của Việt Nam vẫn đang trong tâm điểm cuộc chiến chống Covid-19, một số đối tác xuất khẩu hàng đầu đã gia tăng mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kể từ đầu tháng 4, cho nên khó có thể dự báo được khi nào tác động kinh tế từ kênh gián tiếp sẽ được giảm nhẹ.

Trong trung hạn, ngay cả khi Việt Nam lựa chọn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn quốc, cuộc khủng hoảng (bất kể là trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nền kinh tế) có thể sẽ tác động đến tổng mức tiêu dùng do phương diện tài chính của người dân đã bị suy giảm, từ đó kéo theo tác động đến khả năng của cầu trong nước để duy trì nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã dự báo hơn 170 quốc gia sẽ chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế âm trong năm 2020 và sẽ được khôi phục phần nào trong năm 2021. Tuy nhiên, các quốc gia trên thế giới đều đang hành động quyết liệt để hỗ trợ nền kinh tế. Ở Việt Nam, Chính phủ đang đưa ra một loạt các giải pháp tiền tệ và tài khóa nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động và bảo vệ thu nhập trong ngắn hạn. Các đề án để thúc đẩy khôi phục kinh tế trong trung hạn và dài hạn cũng đang định hình.

Khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát, Chính phủ sẽ chuyển trọng tâm sang giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế cũng theo cách quyết liệt như trên mặt trận y tế. Nhiệm vụ này mang phạm vi rất rộng, nên ILO cho rằng, Việt Nam phải có sự đồng bộ về giải pháp chính sách, bao gồm: Các biện pháp kích thích nền kinh tế và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập trong những tháng tới; bảo vệ người lao động tại nơi làm việc; và đưa ra giải pháp dựa vào đối thoại xã hội.

Tú Anh