Người lao động đang quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc

10:53 | 19/10/2021

361 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong những ngày qua, lượng người di chuyển từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Tây Nguyên về lại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương để làm việc tăng cao. Lời hẹn sẽ quay trở lại của dòng người rời các tỉnh thành phía Nam về quê sau những ngày khó khăn vì dịch bệnh đang được thực hiện.

Trong khi các tỉnh thành phía miền Trung và miền Bắc tiếp tục đón người dân từ các tỉnh vùng dịch phía Nam trở về địa phương, ở chiều ngược lại, dòng người di chuyển trở lại các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ để làm việc cũng đã bắt đầu. Phần lớn người lao động trở lại làm việc xuất phát từ các tỉnh Tây Nguyên như Đắk Nông, Đắk Lắk; từ miền Tây Nam Bộ như Vĩnh Long, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp...

Người lao động đang quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc
Mỗi ngày có khoảng 100 lượt người dân đi xe máy đồ đạc cá nhân đi qua tỉnh Đắk Nông về các tỉnh phía Nam làm việc (ảnh: TTXVN)

Chia sẻ với báo chí, hầu hết người lao động cho biết đã lên đường về lại các tỉnh thành ngay sau khi nhận được thông báo doanh nghiệp hoạt động trở lại và nhận được lời mời quay lại làm việc.

Đối với doanh nghiệp và chính quyền địa phương, để kêu gọi, khuyến khích người lao động quay trở lại làm việc nhằm ổn định đời sống và sản xuất, nhiều biện pháp đã được nhanh chóng thực hiện.

Ở một số tỉnh Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ, địa phương sẽ hỗ trợ xét nghiệm Covid-19, giúp hoàn thiện các hồ sơ liên quan, tạo điều kiện đi lại thuận lợi... nếu người lao động muốn trở lại TP HCM, hay các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An làm việc.

Trong đó, tỉnh Đắk Nông thời gian qua, có khoảng gần 20.000 lao động từ các tỉnh, thành phía Nam trở về địa phương. Tỉnh đã có văn bản đề nghị các đơn vị khuyến khích người lao động trở lại nơi làm việc... Đồng thời Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đang thống kê và dự kiến sẽ có phương án cụ thể hỗ trợ người ở lại tỉnh cũng như người quay trở lại các tỉnh phía Nam làm việc.

Tỉnh Đắk Lắk ước tính có khoảng 130.000 người về từ các tỉnh phía Nam tính từ tháng 4 đến nay. Hiện nay, tỉnh này đã chi hơn 34 tỉ đồng thuộc các gói hỗ trợ người lao động. Nhiều người dân cũng đã chủ động trở lại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương làm việc và tỉnh đang thống kê để lên phương án hỗ trợ.

Còn các doanh nghiệp đã thực hiện các biện pháp như cam kết tiêm đủ vắc xin, bố trí nơi ăn ở, trả lương cao, Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức xe đón công nhân, người lao động quay trở lại làm việc và thưởng nóng cho người lao động khi quay trở lại làm việc.

Theo Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội TP HCM Lê Minh Tấn, thời gian qua có khoảng 143.000 công nhân các tỉnh đã quay lại địa bàn làm việc. Tuy nhiên, TP HCM vẫn thiếu gần 60.000 lao động trong các khu công nghệ cao.

Trong khi đó ở Đồng Nai, Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh này cho biết đã có hơn 80% doanh nghiệp tại 31 khu công nghiệp hoạt động trở lại. Trong số này, có hơn 54% người lao động đã quay trở lại. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cũng cho biết qua nắm sơ bộ tại một số doanh nghiệp quy mô lớn trên địa bàn, có khoảng 60-65% lao động đã quay trở lại sản xuất.

Để khuyến khích người lao động trở lại tỉnh làm việc, HĐND tỉnh Đồng Nai đã thông qua gói hỗ trợ người lao động: hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân và hỗ trợ 1 lần với mức hỗ trợ 300.000 đồng/người. Dự kiến có 176.000 phòng trọ được hỗ trợ, công nhân sẽ đăng ký theo xã, phường, chủ nhà trọ để nhận hỗ trợ.

Trước đó, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra, ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP, một loạt các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất cũng như hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19 đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.
Khắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhânKhắc phục đứt gãy thị trường lao động, cần các giải pháp căn cơ để phát triển nhà ở cho công nhân
Cần có chính sách khuyến khích người lao động trở lại làm việcCần có chính sách khuyến khích người lao động trở lại làm việc