Cần có chính sách khuyến khích người lao động trở lại làm việc

19:20 | 12/10/2021

327 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để thu hút người lao động trở lại làm việc, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng chưa từng thấy

Tại họp báo về tình hình lao động việc làm quý III/2021 và 9 tháng năm 2021, Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) thông tin, so với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người, lên hơn 28,2 triệu người do bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Cần có chính sách khuyến khích người lao động trở lại làm việc
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý II/2021 và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh họa)

Trong số trên, có 4,7 triệu người bị mất việc (chiếm 16,5%); 14,7 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất kinh doanh (chiếm 51,1%); 12 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên (chiếm 42,7%) và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập (chiếm 67,2%).

Đáng chú ý, khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là 2 vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, lần lượt là 59,1% và 44,7%.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng, so với các quý trước và so với cùng kỳ năm ngoái sụt giảm nghiêm trọng. So với quý 2/2020 (quý đã từng chứng kiến mức thu nhập bình quân “bắt đáy” do thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16), mức thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý III năm nay thậm chí còn thấp hơn nhiều và trở thành mức thu nhập thấp nhất được ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây.

Đáng chú ý, so với quý trước và so với cùng kỳ năm ngoái, biến thể Delta của Covid-19 đã cuốn đi khoảng 1/4 mức thu nhập bình quân tính theo tháng của người lao động vùng Đông Nam Bộ.

Theo đó, thu nhập bình quân của lao động vùng này là 5,7 triệu đồng, giảm 2,4 triệu đồng (-29,8%) so với quý trước và giảm 1,9 triệu đồng (-24,9%) so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thu nhập bình quân tháng của người lao động TP HCM chỉ đạt 5,8 triệu đồng, thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Thời gian giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều địa phương để phòng Covid-19 suốt mấy tháng qua đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp quý III/2021 vượt xa con số 2% như thường thấy. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 5,54%, tăng 2,18% so với quý trước và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2021, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động hơn 1,7 triệu người, tăng 532,2 nghìn người so với quý 2/2021 và tăng 449,6 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2021 là 3,98%, tăng 1,36% so với quý II/2021 và tăng 1,25% so với cùng kỳ năm trước.

"Tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động nói trên là mức tăng cao nhất chưa từng thấy, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động càng khó khăn hơn", ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến khu vực chính thức làm số lao động trong khu vực này giảm mà còn lan rộng sang cả khu vực phi chính thức khiến người lao động không còn cơ hội tìm được việc làm phi chính thức như thường thấy trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều người lao động không thể tìm được việc làm, kể cả việc làm tạm thời trong giai đoạn này.

Trong quý III, số lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản là 18 triệu người, giảm 2,9 triệu người so với quý trước và giảm 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Số lao động trong ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.

Doanh nghiệp thiếu hụt lao động

Ở chiều ngược lại, nguồn cung lao động cho thị trường quý III đã giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê (Tổng Cục Thống kê) cho biết, kết quả khảo sát đánh giá tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc trong số 22.764 doanh nghiệp thì có 17,8% doanh nghiệp bị thiếu lao động.

Tỷ lệ doanh nghiệp thiếu hụt lao động cao nhất được ghi nhận ở vùng Đông Nam Bộ với 30,6%, trong đó, những tỉnh thiếu hụt cao là Bình Dương (36,9%), Bình Phước (34,4%) và TP HCM là (31,8%).

Một số ngành có sự thiếu hụt nhiều lao động nhất là ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (55,6%), sản xuất da và các sản phẩm liên quan (51,7%), sản xuất trang phục (49,2%), sản xuất thiết bị điện (44,5%), ngành dệt (39,5%).

Theo số liệu tổng hợp nhanh của Tổng Cục Thống kê, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch tính từ tháng 7 đến ngày 15/9. Trong số này, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam.

Cần xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động

Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, nguy cơ thiếu hụt lao động trầm trọng trước tình trạng công dân ồ ạt về quê trong quý IV và đầu năm 2022 có thể không xảy ra vì doanh nghiệp chưa thể ồ ạt sản xuất.

Tuy nhiên, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cũng nhận định, để thu hút ngược lao động về lại trung tâm công nghiệp, thành phố lớn trong thời gian tới sẽ là bài toán khá nan giải, bởi tâm lý lưỡng lự, nghi ngờ của người dân.

Tương tự, các doanh nghiệp cũng mong chờ chính quyền địa phương có kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể. Thực tế này đòi hỏi cần có giải pháp chống dịch đồng bộ giữa các địa phương, thống nhất từ trên xuống.

Ông Phạm Hoài Nam cho rằng, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các địa phương thiết lập các kênh thông tin chính thống, chuyên ngành để cập nhật cho doanh nghiệp và người lao động về chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách hỗ trợ lao động và thu hút lao động, các kế hoạch về xét nghiệm, kiểm soát bệnh dịch của địa phương để họ xây dựng và thực hiện các kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất.

Trước đó, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho sản xuất xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra, ngày 29/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nghị quyết 84/NQ-CP đã đề ra một loạt các nhiệm vụ, nhóm giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Triển khai Nghị quyết 84/NQ-CP, một loạt các chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi sản xuất đã được Chính phủ, các bộ, ngành thực hiện.

Về vấn đề người lao động, ông Nguyễn Trung Tiến cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần quyết liệt thực hiện biện pháp kiểm soát Covid-19, nhất là tại thành phố lớn, các địa phương có nhiều khu công nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh chiến lược tiêm vắc xin, sử dụng nguồn lực tổng hợp để sớm tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 cho người dân để tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Đồng thời các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nên phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động phục hồi sau đại dịch; xây dựng các chương trình, chính sách khuyến khích người lao động, đặc biệt thanh niên tích cực học tập nâng cao trình độ để có các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

H.T