Y tế cơ sở

"Người gác cổng" yếu thế

10:00 | 14/07/2018

327 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hiện cả nước có hơn 12.000 trạm y tế xã, trong đó có 9.821 trạm y tế xã thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) với 21,5 triệu thẻ BHYT. Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp với vai trò “người gác cổng”, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân lại đang… yếu thế, bị xem nhẹ.

Vừa yếu, vừa thiếu

Tại cuộc họp giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam mới đây, Thứ trưởng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT nước ta chiếm 86,9% dân số, 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg. Với 81,59 triệu người dân tham gia BHYT, nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dịch vụ y tế của người dân ngày càng cao, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu.

nguoi gac cong yeu the
Khám cho bệnh nhân tại một trạm y tế ở tỉnh Điện Biên

“Y tế cơ sở là nơi gần nhất với dân, là nơi người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế. Y tế cơ sở ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, từ chỗ chỉ là tuyến dưới trở thành trung tâm và giữ vai trò là “người gác cổng”, là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh, góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ y tế” - Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh nhận định. Thế nhưng, so với các tuyến điều trị khám chữa bệnh khác, y tế cơ sở lại đang bị thờ ơ, xem nhẹ.

Chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng phải thừa nhận, người dân chưa tin tưởng vào tuyến y tế cơ sở do chất lượng chưa cao, đội ngũ cán bộ y tế mỏng, năng lực hạn chế. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, các dịch vụ chuyên môn trong KCB còn hạn chế, danh mục thuốc ít...

Một nghiên cứu năm 2012 tại một số TYT khu vực miền núi cho thấy, có đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào được chẩn đoán là tăng huyết áp; 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở...

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho hay: Có những trạm y tế (TYT) trung bình một ngày chỉ khám 10-15 người, có nơi chỉ một vài người. TYT thiếu trang thiết bị y tế. Ngay cả các thiết bị tối thiểu như máy đo huyết áp, máy khí dung, xét nghiệm đường huyết máu mao mạch... cũng thiếu. Có trạm có siêu âm xách tay, máy điện tim nhưng sử dụng rất hạn chế.

Một cuộc khảo sát năm 2010 cho thấy, chỉ có khoảng 26% TYT có đủ trang thiết bị y tế, gần 43% ở mức chấp nhận được, 31% thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Ngoài ra, hầu hết các TYT đều thiếu các loại thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, bệnh thông thường. Đáng nói, số lượng cán bộ y tế cơ bản đủ, nhưng chất lượng còn hạn chế. Một nghiên cứu năm 2012 tại một số TYT khu vực miền núi cho thấy, có đến 50% cán bộ y tế không nắm được chính xác huyết áp ở mức nào được chẩn đoán là tăng huyết áp; 90% không biết cách sơ cấp cứu dị vật đường thở...

Ông Lê Văn Phúc, phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT của BHXH Việt Nam, bổ sung: Có TYT có 2 bác sĩ “cắm chốt”, nhưng có trạm lại chẳng có bác sĩ nào.

Với những yếu kém cả về chuyên môn và trang thiết bị y tế đó, y tế cơ sở trở nên lãng phí, bị xem nhẹ, không được sử dụng đúng vai trò, trọng trách như ngành y tế kỳ vọng là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Nâng chất lượng TYT

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, số lượt KCB tại tuyến y tế cơ sở chiếm trên 70% tổng số lượt KCB BHYT nhưng chỉ chiếm khoảng 30% tổng chi phí KCB BHYT. Ngược lại, số lượt KCB tại tuyến tỉnh, tuyến Trung ương chiếm chưa đến 30% tổng số lượt KCB BHYT nhưng lại chiếm gần 70% tổng chi phí KCB BHYT.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói: “Cần bỏ quy định khống chế tỷ lệ chi 20% chi phí khám chữa bệnh cho y tế tuyến xã. Sắp tới, Bộ Y tế quy định tất cả các bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch đã ổn định, có phác đồ chuyển về tuyến xã điều trị. Tôi đã từng hỏi nhiều bệnh nhân đi xe buýt từ 4 giờ để lên bệnh viện Trung ương khám táo bón, đau đầu, tức ngực. Chỉ những bệnh đơn giản mà phải lên tận bệnh viện Trung ương chiếu chụp là không cần thiết. Những bệnh đó có thể khám ở y tế cơ sở”.

Cùng đề cập đến những hạn chế của y tế cơ sở, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh cho rằng, việc người dân không lựa chọn TXT xã là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu, KCB BHYT phần nào còn do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015 theo quy định của Luật BHYT, người bệnh BHYT được quyền lựa chọn KCB tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến TYT.

Để giải quyết những hạn chế ở y tế cơ sở đồng thời “trả lại” đúng vị thế là “người gác cổng” chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các địa phương phối hợp với Sở Y tế rà soát, lựa chọn ký hợp đồng KCB BHYT với các TYT xã, các phòng khám đa khoa. Trong đó, ưu tiên lựa chọn ký hợp đồng KCB với các phòng khám có đầy đủ các chuyên khoa cơ bản, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm thực hiện trong giờ hành chính để đáp ứng nhu cầu KCB của người bệnh; nâng cao năng lực, chất lượng giám định BHYT bảo đảm khách quan, minh bạch; thực thi các giải pháp chống lạm dụng, trục lợi, bảo đảm cân đối quỹ BHYT; yêu cầu cơ sở KCB bảo đảm quyền lợi cho người bệnh BHYT, không để người bệnh phải tự túc thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật trong phạm vi thanh toán của quỹ BHYT; chủ động, tham gia có hiệu quả vào toàn bộ các khâu của quá trình đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo quy định của pháp luật nhằm đưa giá thuốc về đúng giá trị.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Phát triển y tế cơ sở là con đường đúng để chăm sóc sức khỏe toàn dân. Trong đó, BHYT là một nguồn lực quan trọng, là cơ chế tài chính bền vững trong việc bảo đảm nguồn kinh phí cho công tác KCB. Một trong những yếu tố để đạt được mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân là việc bảo đảm người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng tại tuyến y tế cơ sở.

6 giải pháp nâng cao chất lượng y tế cơ sở

1. Đổi mới cơ chế chi trả KCB BHYT tại TYT tuyến xã.

2. Ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã để đáp ứng nhu cầu KCB và chất lượng KCB của nhân dân.

3. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mãn tính tại TYT xã, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị.

4. Đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của TYT xã theo mô hình chuẩn, đáp ứng được đầy đủ chức năng, các nhiệm vụ của TYT xã.

5. Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế.

6. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý triển khai y tế cơ sở: Xây dựng phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân và phần mềm quản lý TYT xã, bảo đảm quản lý thông tin của các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe để nâng cao hiệu quả hoạt động của TYT xã và giảm tải khối lượng công việc hành chính cho cán bộ y tế.

Nguyễn Anh