Người dân sẽ quyết định trong trận chiến chống Covid-19

07:00 | 18/08/2021

396 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Người dân sẽ làm chủ, quyết định trong trận chiến chống Covid-19. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi con hẻm, mỗi tổ dân phố phải thực sự là pháo đài ngăn chặn virus bằng cách thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch...” - ông Huỳnh Đức Thơ, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, chia sẻ.

PV: Cuối năm 2020, Đà Nẵng đã vượt qua dịch Covid-19 trong vòng chưa đầy 1 tháng. Theo ông, những bài học kinh nghiệm nào còn có giá trị áp dụng trong tình hình dịch bệnh hiện nay?

Người dân sẽ quyết định trong trận chiến chống Covid-19

Nguyên Chủ tịch UBND

TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ

Ông Huỳnh Đức Thơ: Có câu tục ngữ về thời cơ: “Một đồng sợ tốn, bốn đồng không đủ”. Dập dịch là thời cơ cũng như đánh giặc. Dịch Covid-19 âm thầm nhưng lan nhanh như đám cháy. Cần có biện pháp phát hiện sớm nhất ca nhiễm của ổ dịch đầu tiên để tập trung “hỏa lực” dập tắt, đó là lập tức khoanh vùng, truy vết, cách ly yếu tố mầm bệnh, giãn cách cộng đồng sớm trước khi dịch có cơ hội lây lan. Mặc dù phải dùng nhiều nguồn lực vào một thời điểm ngắn để chống dịch, nhưng sẽ được lợi hơn rất nhiều nếu để dịch lan rộng. Vì khi dịch đã lan rộng, chúng ta buộc phải chạy theo, vét hết nguồn lực, rồi đuối sức. Cuối cùng, bằng mọi cách, mọi giá cũng phải dập dịch cho bằng được, nhưng lúc đó chúng ta đánh đổi quá lớn.

Thời cơ chống dịch phụ thuộc vào tính kịp thời, tốc độ, chủ động, sáng tạo, sự quyết liệt và quyết đoán trong chỉ đạo và triển khai. Các thủ tục, mệnh lệnh hành chính đều rút gọn, đi tắt, giảm quy trình để tăng tốc.

PV: Ông là người đã đề xuất áp dụng hình thức xét nghiệm mẫu gộp, lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam. Ông có thể nói thêm về sáng kiến này?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Năng lực xét nghiệm là một trong những yếu tố để dập dịch thành công. Năng lực xét nghiệm lúc đó còn hạn chế, giá thành xét nghiệm cao, ngân sách chống dịch hạn chế, số ca nhiễm cộng đồng tăng nhanh. Phải làm sao đủ “lưới” để giăng thật rộng, không chỉ xét nghiệm nhanh các F1, F2 mà còn “quét” nhanh không những các khu vực có nguy cơ cao mà cả khu nguy cơ hoặc quét xác suất khu nguy cơ thấp để truy vết hoặc thăm dò các ca nhiễm, làm sao nhanh nhất và rẻ nhất.

Bây giờ nhìn lại, tôi thấy đó là một sáng kiến lớn, áp dụng táo bạo, trong nước chưa ai làm, chưa có hướng dẫn mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và ngành y tế chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng, triển khai trong vòng 2-3 ngày là rất nhanh, rất đáng biểu dương. Tôi được biết, kết quả đó đã được nhiều cơ quan tổng hợp rồi đăng tải trên tạp chí nổi tiếng thế giới về y khoa - The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene - vào tháng 1-2021.

Người dân sẽ quyết định trong trận chiến chống Covid-19

Ông Huỳnh Đức Thơ theo dõi công tác xét nghiệm tại CDC Đà Nẵng sáng 26-9-2020, thời điểm còn là Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng

PV: Ông có tính đến rủi ro khi đưa ra quyết định xét nghiệm mẫu gộp?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Dù quyết liệt yêu cầu áp dụng nhưng tôi vẫn thảo luận và được sự đồng thuận của các cơ quan chuyên môn.

Tôi luôn nhấn mạnh khẩu hiệu “Xét nghiệm, xét nghiệm và xét nghiệm” tại các cuộc họp, chỉ đạo xét nghiệm tất cả những ai có tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng, các khu dân cư có ca nhiễm, toàn bộ các chợ truyền thống, cả người bán lẫn người mua, các công nhân của một số nhà máy lớn, toàn bộ học sinh và đội ngũ phục vụ liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhờ đó chủ động phát hiện sớm các F0 trong cộng đồng, giảm nhanh số ca nhiễm ngay trong nửa tháng đầu tiên áp dụng Chỉ thị 16.

Tuy vậy, chúng tôi không chủ quan, vẫn siết chặt các biện pháp giãn cách, đẩy mạnh xét nghiệm tới gần như tất cả các hộ dân (lấy mẫu đại diện hộ gia đình).

Từ 28-7 đến 30-8-2020, khoảng 33 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Bệnh viện C, chúng tôi vui mừng tuyên bố khống chế được dịch.

PV: Hiện nay, số ca nhiễm Covid-19 ở các tỉnh phía Nam đang rất lớn. Theo ông, điều cần làm cấp bách nhất lúc này là gì?

Ông Huỳnh Đức Thơ: Thật khó để nói rằng điều gì là cấp bách nhất. Tuy vậy, tôi đang nghĩ đến hai điều.

Trước hết, người dân sẽ làm chủ, quyết định trong trận chiến chống Covid-19. Tôi hiểu họ đã chịu đựng quá nhiều, nhưng họ phải tiếp tục vượt qua một lần nữa. Mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi con hẻm, mỗi tổ dân phố phải thực sự là pháo đài ngăn chặn virus bằng cách phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch, triệt để giãn cách, cách ly xã hội.

Virus không tự vào nhà gây bệnh cho người, nó sẽ biến mất nếu không được tạo cơ hội lây lan. Tôi thấy nhiều nơi rào chắn các tuyến phố lớn, các chốt lập ra dày đặc để kiểm soát giấy đi đường, nhưng trong các khu phố, ngõ hẻm, có nơi người dân vẫn tiếp xúc với nhau, một bộ phận người dân vẫn ra đường lúc không thật sự cần thiết..., vô tình bắc cầu cho dịch lây lan. Thời điểm mà người dân thực hiện nghiêm 5K, thực hiện tốt người cách ly với người, nhà cách ly với nhà ở khu có dịch, sẽ lập tức ngăn chặn các ca nhiễm tăng thêm ở khu vực đó. Nhờ đó, chúng ta sẽ thuận lợi hơn để truy tìm các F0, cắt nguồn lây, tách khỏi cộng đồng để điều trị, các chu kỳ tiếp theo số F0 sẽ giảm xuống nhanh chóng, hệ thống y tế sẽ giảm tải và đẩy lùi được dịch. Phải làm đồng bộ ở tất cả các khu vực, các địa phương, để không xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Điều này ai cũng hiểu, nhưng thực tế nhiều nơi, người dân và chính quyền chưa làm tốt trong lúc nguy cấp.

Còn về phía chính quyền và bộ máy chống dịch ở các địa phương, trong bối cảnh này, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc đương đầu. Họ chỉ có một đến vài chu kỳ tận dụng giãn cách xã hội để kéo giảm, tiến tới làm sạch số ca nhiễm. Để đạt được điều đó, họ có quá nhiều việc phải làm và phải làm tốt hơn, thực chất, hiệu quả và sáng tạo hơn, với quyết tâm, tốc độ, cường độ gấp nhiều lần so với trước, mới mong có được kết quả như mong đợi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Sông Hàn

Thủ tướng: Khắc phục ngay tình trạng kén chọn, chờ đợi vắc xin
Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19
Thủ tướng: Trong tháng 9 này, chúng ta có thể có vắc xin sản xuất trong nước
Xử lý dứt điểm những "điểm nghẽn", vướng mắc, tồn tại để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn
Tổng Bí thư chỉ đạo những định hướng lớn, chia sẻ sâu sắc, kỳ vọng và tin tưởng vào Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026
Phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công chiến lược vắc xin
Thủ tướng: Chúng ta phải có niềm tin chiến thắng, phải có bản lĩnh để vượt qua
Thủ tướng: Đây là thời điểm “lửa thử vàng- gian nan thử sức’, ‘chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”
Thủ tướng yêu cầu thực hiện quyết liệt hơn, hiệu quả hơn các biện pháp phòng, chống dịch

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc