Người đàn bà “săn” bạch mã

07:00 | 02/02/2014

7,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hai lần trắng tay, một lần suýt rơi xuống miệng vực phá sản đã biến người phụ nữ nhỏ thó, gốc Hà Thành trở nên sắt đá. Cuộc đời của người phụ nữ này cũng lắm điều lạ lùng: làm kinh tế ở Đức lấy tiền về nước đi… nuôi lợn, lợn chết hết quay ra nuôi bò, bò chết hết bí quá đi… nuôi ngựa bạch. Và chính giống bạch mã đã giúp chị đổi đời. Đến tận bây giờ, dù đã ngót 60 tuổi, chị Nguyễn Thị Hằng, chủ trang trại ngựa Vạn An ở Thanh Trì, Hà Nội vẫn đều đặn lần rừng đi “săn” bạch mã.

Báo Năng lượng Mới Xuân Giáp Ngọ

 

Hai lần phá sản

Buổi chiều tà, nắng hanh hao lẫn trong sương giăng giăng như chan mật trên bãi cỏ xanh mướt mát dưới triền sông Hồng, một cảnh tượng như trong cổ tích diễn ra: bầy bạch mã lông trắng như tuyết thong dong gặm cỏ, có cả đám ngựa non hí vang rồi đùa giỡn trên triền đê. Cảnh tượng đẹp mê hồn ấy tưởng như chỉ có ở những thảo nguyên Tây Tạng hay Mông Cổ xa xôi.

Chị Nguyễn Thị Hằng có một cuộc đời đặc biệt mà nói một cách tục ngôn thì đó là “lên voi, xuống chó”. Chị sinh năm 1959. Các cụ bảo, đàn bà tuổi Kỷ Hợi, mệnh Bình Địa Mộc thì vất vả, long đong đủ bề. Có sướng, có thành nghiệp cũng chỉ về hậu. Đã đi quá nửa đời người, ngẫm lại, chị thấy cuộc đời mình đúng như cái mệnh mơ hồ vẽ sẵn.

Chị là người Hà Nội gốc, gia đình ba đời sống ở phố Hàng Bột. Vốn được gia đình hướng cho học ngành kinh tế và bố trí cho việc làm ở Cục Thuế thành phố, chị lấy chồng, sinh con và tưởng rằng cuộc sống cứ ở yên như vậy. Đi làm nhà nước được vài năm, nhưng chị lúc nào cũng thấy bí bách như người có bệnh, đứng ngồi không yên. Gặp đúng dịp cơ quan cử người đi lao động xuất khẩu ở Tiệp Khắc, chị tìm cách cạy cục xin đi. Từ Tiệp Khắc cho đến Đức, cô gái liều lĩnh ấy bung ra ngoài đi buôn hàng thùng, đồ điện tử, buôn hàng đông lạnh… Sau 11 năm lăn lộn nơi đất khách quê người, năm 2004, chị gom được số tiền kha khá rồi “bùng” về Việt Nam.

Về nhà với số tiền lận lưng không hề nhỏ, những tưởng người đàn bà từng trải này sẽ có cách “tiền đẻ ra tiền”. Nhưng oái oăm thay lại không phải như vậy. Chẳng ai tin nổi chỉ trong vài năm, chị đã “đốt” sạch số tiền được coi là bằng cả gia tài của một cự phú. Chuyện bắt đầu từ gia súc.

Chị Hằng vỗ về con ngựa quý.

Sau một thời gian ôm vốn ngồi ngắm nghía, bàn tính kế hoạch bành trướng cơ nghiệp, nhờ mối quen biết với một vị tiến sĩ đang công tác ở Hội thú y Việt Nam, chị đề ra mục tiêu đầu tiên là: sản xuất thức ăn gia súc. Suy nghĩ của chị rất đơn giản rằng, Việt Nam là đất nước nông nghiệp, nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong cán cân dân số. Trong bối cảnh người nông dân bắt đầu quan tâm đến việc chăn nuôi kiểu công nghiệp thì ngành sản xuất thức ăn gia súc là một mảnh đất màu mỡ.

Ngay lập tức, chị mở đại lý cung cấp thức ăn gia súc cho bà con. Thức ăn gia súc được vận chuyển từ miền Nam ra. Tuy nhiên, do đường sá xa xôi, khí hậu miền Bắc lại khắc nghiệt, nóng ẩm, nên việc bảo quản thức ăn gia súc rất khó. Nhiều lô hàng nhập về được một thời gian đã mốc xanh mốc đỏ, không bán được, hoặc bán tống bán tháo, chịu lỗ nặng.

Không chịu thừa nhận thất bại này, chị Hằng mạnh dạn đổ tiền mua hẳn một dây chuyền sản xuất cám trị giá hàng tỉ đồng. Chị thuê nhà xưởng, lập nhà máy lấy tên là nhà máy sản xuất cám Vạn An, đặt tại Gia Lâm; thuê chuyên gia và đội ngũ công nhân đông đảo để đi vào hoạt động ngay. Điều trớ trêu là, hàng sản xuất ra không tiêu thụ được do các đại lý chưa biết đến dây chuyền của chị. Chị liền thay đổi chiến thuật là nhận cung cấp thức ăn cho bà con nông dân ở các tỉnh thành trong cả nước, đến khi nào bà con xuất chuồng được gia súc, gia cầm thì chị mới thu hồi vốn.

Mọi việc có vẻ êm xuôi, hợp đồng ùn ùn đổ về, máy móc chạy hết tốc lực, ai cũng phấn khởi hy vọng. Thế nhưng, người tính không bằng giời tính, năm ấy dịch bệnh liên miên. Bà con nông dân thua lỗ, phá sản, mất cả vốn lẫn lãi, chị không đòi được nợ. Nhiều bà con bán được gia súc, gia cầm, có tiền trong tay thì mua sắm này nọ, trong khi vẫn nợ các đại lý, còn các đại lý thì nợ chị. Chị mất cả vốn lẫn lãi. Càng làm càng lỗ vì không thu hồi được nợ, chị buộc phải nghiến răng đóng cửa nhà máy.

Số vốn tích cóp mang từ Đức về có mười thì nay chỉ còn phân nửa. Chị chỉ biết thốt lên: “Ở Việt Nam quả thực làm ăn không dễ bởi lý thuyết khoa học và thực tế là một khoảng cách xa vời”.

Dây chuyền sản xuất thức ăn thì vẫn còn đó, nếu thanh lý thì chịu lỗ quá nặng. Sau vài ngày suy nghĩ, chị Hằng đưa ra một quyết định táo bạo: không bán được hàng cho người khác thì bán cho chính mình. Nghĩa là, chị sẽ mở một đại trang trại chăn nuôi gia súc và dùng hệ thống sản xuất thức ăn của mình để cung cấp cho đàn gia súc của chính mình.

Nghĩ là làm, chị mò mẫm khắp các khu ngoại thành Hà Nội để tìm thuê đất mở trang trại. Đất tốt, gần trung tâm thì người ta đã thuê hoặc mua hết rồi, chỉ còn lại đó những bãi sình lầy, cách thành phố vài chục cây số. Bước chân chị đã dừng ở cánh đồng hoang rộng mênh mông ngoài đê sông Hồng thuộc xã Yên Mỹ (Thanh Trì). Mảnh đất 5ha này đã bỏ hoang cả trăm năm nay, cỏ gianh cổ thụ ngập lút đầu người, thân cứng như thân tre. Thấy mảnh đất có triển vọng lập trang trại, vả lại, trong nhiều năm nữa mảnh đất này sẽ không nằm trong diện quy hoạch gì, nên chị Hằng đã gặp lãnh đạo xã Yên Mỹ hỏi thuê. Nhiều năm nay lãnh đạo xã động viên nhân dân cải tạo khu đất để trồng trọt, chăn nuôi, song chả ai thèm ngó ngàng, nên khi chị Hằng đề xuất thuê đất lập trang trại, đã nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của chính quyền địa phương.

Chị Nguyễn Thị Hằng bên đàn ngựa bạch ở trại Yên Mỹ (Thanh Trì, Hà Nội).

Thế nhưng, điều khó khăn mà chị Hằng không lường trước được là khu đất mà chị định lập trang trại một năm có đến 2 lần bị lụt, nước ngập lên quá đầu gối. Đây chính là khu vực trũng nhất của cả vùng, điện nước không có. Để cải tạo mảnh đất này, chị phải thuê máy xúc vào múc đất tạo thành những quả đồi nhỏ cho gia súc chạy lụt. Chị dựng những khu lều thấp để nuôi hàng nghìn con lợn. Xong lợn lại mua bò giống về nuôi lấy sữa. Cả năm giời chị Hằng ngụp lặn ngoài bãi, người lúc nào cũng hôi rình phân bò, lợn, tóc tai thì lúc nào cũng rối bù, móng chân tay vàng khè. Chẳng ai còn nhận ra vẻ ngoài của một bà giám đốc, từng là Việt kiều ở Đức ấy nữa.

Vất vả là thế nhưng có vẻ như vận đen chưa chịu buông tha chị. Lứa lợn hàng nghìn con đầu tiên chuẩn bị xuất chuồng để thu hồi vốn thì chị gặp đúng đợt đại dịch H5N1, kế đó lại là dịch tai xanh. Hàng trăm con lợn phải đem chôn, số lợn thành phẩm phải bán tống, bán tháo do người dân tẩy chay thịt lợn. Hết lợn rồi đến tin đồn bò điên. Sữa vắt ra từ hàng trăm bò sữa mỗi ngày bị đổ xuống cống. Khó khăn chồng lên khó khăn, số vốn ban đầu hết sạch, hai ngôi nhà ở nội thành Hà Nội cũng đội nón ra đi. Chị Hằng tuyên bố phá sản.

Săn tìm giống ngựa quý

Việc chị Nguyễn Thị Hằng tiếp xúc với ngựa bạch và tạo nên một câu chuyện cổ tích về ngựa bạch ở Việt Nam như là định mệnh. Thời điểm khó khăn nhất về kinh tế, chị Hằng gần như mất tinh thần hoàn toàn và định buông xuôi không làm gì nữa. Nhưng một hôm, ngồi ở lề đường uống nước, chị trông thấy một xe ngựa thồ hàng đi qua, trong đầu chị liền nảy ra câu hỏi: “Tại sao lại không nuôi ngựa nhỉ?”.

Nghĩ là làm, chị Hằng đem ý tưởng của mình trình bày với các chú, các bác là những giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư hàng đầu của Hội Thú y Việt Nam. Người nâng đỡ chị nhiều nhất là bác sĩ Hoàng Triều - Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Thú y Việt Nam. Ông đã cung cấp nhiều tài liệu về ngựa cho chị, rồi trực tiếp giúp chị từ việc chọn con giống, kỹ thuật nuôi dưỡng, trị bệnh, thậm chí là nấu cao.

Rồi một mình chị bắt xe khách lên tận Cao Bằng, Lạng Sơn để tìm mua ngựa bạch. Thế nhưng, giống ngựa bạch thuần chủng của Việt Nam vóc dáng quá nhỏ, chị quyết định tìm sang tận Tây Tạng (Trung Quốc) để đem giống ngựa ở đó về. Mục đích của chị là phối giống ngựa bạch Tây Tạng với giống ngựa bạch Việt Nam.

Lý do của việc phối giống này cũng thật thông minh. Chị bảo: Giống ngựa của Việt Nam tuy nhỏ nhưng nó đã quen với khí hậu nước ta và đặc biệt nó sinh đẻ rất đều. Còn giống ngựa bạch Tây Tạng là loài động vật quý hiếm. Theo các tài liệu cổ của Trung Quốc, xưa kia, con ngựa bạch Tây Tạng là thứ dùng để cống nạp triều đình, là món ăn bổ dưỡng của vua chúa. Ngựa bạch Tây Tạng sống trên độ cao trên 3.000m, ăn các loại thảo dược quý, trong đó có loại cỏ sinh đông trùng hạ thảo, nên thịt, xương đều có giá trị cực cao. Cao xương ngựa bạch là thực phẩm cực tốt, chỉ đứng sau cao hổ. Huyết thanh ngựa bạch là phương thuốc quý, phổi ngựa bạch là thần được trị ho, hen suyễn. Thậm chí, những viên sỏi trong dạ dày ngựa bạch cũng có tác dụng chữa co giật, điên cuồng, động kinh… Nhưng loài ngựa này rất khó nuôi. Nếu phối được hai giống ngựa này để cho ra một giống ngựa tối ưu, phù hợp với khí hậu Việt Nam thì quả thật không còn gì để nói.

Thế nhưng, ngựa bạch Tây Tạng cũng không ít lần cho chị nếm trái đắng.

Số là một lần, chị sang Tây Tạng chọn được 10 con ngựa bạch tuyệt đẹp và đem về trang trại. Những năm 2006-2007, ngựa đỏ, ngựa kim chỉ vài triệu đồng một con, song ngựa bạch Tây Tạng có giá 50-60 triệu đồng. Chị phải cầm cố nhà cửa, vay nợ khắp nơi để săn lùng loài ngựa này. Số tiền bỏ ra mua ngựa, vận chuyển về cũng ngót tỉ bạc. Chị nhập ngựa về theo đường tiểu ngạch và không hề biết một chút gì về chế độ ăn uống, thói quen cũng như sức chịu đựng của giống ngựa này. Thế nên, cách chăm sóc ngựa cũng do chị hoàn toàn nghĩ ra. Hậu quả là, 10 con chị vất vả đem về thì 9 con lần lượt chết, chỉ còn lại duy nhất 1 con. Loài ngựa bạch Tây Tạng rất khỏe mạnh và dũng mãnh, cao đến 1,5m nhưng khi gặp vấn đề, chúng chết rất nhanh. Khi ốm, chúng vùng vẫy ghê gớm, cứ húc đầu vào tường và nếu không phát hiện kịp thời, chỉ khoảng 3 tiếng sau là chúng tắt thở. Có đêm, 4 con ngựa quý của chị đồng loạt lăn ra chết.

Biết chuyện này, không ít người đã cười nhạo chị. Nuôi con gà, con vịt còn chẳng thành công, nói gì nuôi loài ngựa có xuất xứ từ tận đẩu tận đâu. Loài ngựa vốn sống trên độ cao 3.000-5.000m, ở vùng quanh năm lạnh giá, lại ăn những cây cỏ đặc trưng như những vị thuốc, thì làm sao có thể phù hợp với khí hậu nóng ẩm, đồng bằng như ở bãi sông Hồng?

Ở nước ta đã có không ít gương thất bại khi nuôi loài ngựa này. Một thời, người nổi tiếng và đình đám nhất là Bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng. Ông đã lập dự án, xin cả ngàn ha rừng trên vùng Yên Lập (Phú Thọ) để nuôi ngựa bạch Tây Tạng. Vùng đất này có độ dốc cao, khí hậu lạnh, nhiều cây cỏ quý làm nguồn thức ăn. Tuy nhiên, dự án đã không thành công khi việc nhân giống thất bại, loài ngựa bạch rất chậm lớn.

Trang trại ngựa bạch của chị Nguyễn Thị Hằng.

Rồi một doanh nghiệp có tên V.C., kinh doanh cao nổi tiếng ở Việt Nam, mà nhắc đến tên hầu như ai cũng biết, cũng đã thất bại trong việc nhân giống, nuôi dưỡng loài ngựa này. Để có cao bán ra thị trường, doanh nghiệp này phải săn lùng từng con ngựa trong các làng bản, đặt mua từ Trung Quốc. Không có trại nuôi ngựa, ai mà biết được nguồn gốc của loại cao quảng cáo rùm beng này từ đâu đến.

Thậm chí, trại ngựa Bá Vân ở Thái Nguyên của Nhà nước, nơi các “chuyên gia ngựa” hàng đầu Việt Nam đã dày tâm nghiên cứu, nuôi dưỡng theo phương pháp rất khoa học mà còn thất bại nữa là chị. Sau 5 năm nghiên cứu, thực nghiệm bằng ngân sách Nhà nước, các nhà khoa học đã kết luận tỷ lệ sinh sản thành công của ngựa cái chỉ đạt 20%. Như vậy là thất bại nặng nề rồi.

Mặc dù bị mọi người can ngăn, song chị Hằng vẫn có niềm tin son sắt vào con ngựa bạch Tây Tạng. Chị quyết tâm giữ mạng sống cho con ngựa bạch Tây Tạng cuối cùng. Qua quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, chị thấy loài ngựa tuy rất khỏe, song đã mắc bệnh là rất dễ chết. Vì chúng rất khỏe, nên khi mắc bệnh, chúng vẫn ăn uống, đi lại, chạy nhảy bình thường, do đó người nuôi không phát hiện ra. Khi bệnh nặng, chúng sẽ đột ngột ngã quỵ và chết.

Vì loài ngựa ruột thẳng, nên căn bệnh đau bụng là nguy hiểm nhất. Khi nó đau bụng thì việc đơn giản nhất là ngừng cho ăn, tiêm thuốc liều cao. Đợi đến khi nó khỏe hẳn mới cho ăn từ từ. Phần lớn người nuôi ngựa lầm tưởng bệnh đau bụng của ngựa là cảm, nên càng bồi dưỡng cho ăn nhiều hơn. Khi con ngựa đang đau bụng mà ăn vào, bụng càng trướng to và chết càng nhanh.

Ngoài ra, con ngựa hay mắc bệnh nhiễm trùng máu. Da ngựa mỏng, nếu xước là bị dòi bọ tấn công dẫn đến nhiễm trùng máu, rất dễ chết. Mỗi năm chỉ cần tiêm phòng 1-2 lần là đảm bảo an toàn. Khắc phục được 2 căn bệnh là đau bụng và nhiễm trùng máu, việc nuôi ngựa bạch rất dễ dàng. Thế nên, chú ngựa bạch Tây Tạng quý giá kia vẫn sống khỏe mạnh đến tận bây giờ.

Thành công nhất của chị là đã phối giống và tạo ra giống ngựa bạch mới. Giống này vóc dáng cao to tương đương với ngựa bạch Tây Tạng và lại hợp với khí hậu Việt Nam. Nó lớn nhanh và sinh đẻ rất đều đặn. Cho đến nay, trang trại ngựa của chị có hàng trăm con và là nơi xuất giống ngựa bạch đi khắp cả nước. Những con ngựa già thì chị nấu cao và đem về doanh thu lớn.

Từ một người không biết gì về nông nghiệp, chăn nuôi, trải qua nhiều lần thất bại cay đắng, giờ đây chị Nguyễn Thị Hằng đã là chuyên gia trong lĩnh vực này. Đến bây giờ, dù đã qua ngưỡng 50 nhưng như có điều gì thôi thúc, hằng tháng, chị vẫn bỏ cả tuần lang thang khắp các nẻo đường để săn giống ngựa tốt như săn tìm báu vật. Chị sang Tây Tạng, qua Thái Lan, tìm đến tất cả các nông trại ngựa để tìm kiếm giống ngựa thật ưng ý. Chị quả quyết: “Thời gian sắp tới, tôi sẽ lại tiếp tục với giống ngựa vằn Thái Lan”.

Vũ Minh Tiến