Người “bước qua lời nguyền” đã thành tỉ phú

06:00 | 09/02/2016

998 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tạ Duy Anh là nhà văn hiếm hoi trong văn đàn Việt Nam không chỉ bởi tài năng, sự độc đáo trong văn chương mà còn bởi anh nằm trong số ít những nhà văn sống, nuôi vợ con và làm giàu nhờ ngòi bút.

Bài báo bằng bàn tay, kiếm cả tạ thóc

Tạ Duy Anh viết rất khỏe. Có năm như 2005, anh vừa xuất bản mới, vừa tái bản cỡ 20 đầu sách. Trung bình mỗi cuốn được 5-7 triệu đồng (giá tiền khi đó), anh đã thu về trên trăm triệu đồng, cộng với lương biên chế ở NXB Hội Nhà văn và lương cộng tác viên cho vài tờ báo ruột, mỗi tháng Tạ Duy Anh thu không dưới 20 triệu đồng.

Rủng rỉnh tiền, Tạ Duy Anh mua đất, xây nhà, sắm ôtô và đầu tư vào doanh nghiệp bè bạn. Giờ đây, lão Tạ có biệt thự xây theo kiểu Pháp to nhất nhì Hội Nhà văn, to hơn cả biệt thự của nhà thơ Vũ Quần Phương chút đỉnh trên mảnh đất mấy trăm mét vuông và chiếc ôtô đẹp nhất nhì làng Đồng - quê anh.

- Thiên hạ đồn ông giàu lắm? - Cách đây mấy hôm, tôi hỏi.

- Lời đồn thì không hoàn toàn vô cớ nhưng cũng không hoàn toàn chính xác. Tất nhiên là tôi cũng có nhiều nhuận bút sách, nhuận bút báo nhưng bản thân tôi có quái gì đâu mà giàu. Xưa nay thiên hạ thường coi đám nhà văn, nhà thơ là tầng lớp “cùng đinh” về mặt kinh tế. Ngay ở quê tôi, khi biết tôi là nhà văn có người chẹp miệng bảo: “Thế thì nghèo lắm nhỉ”. Vì vậy, khi thấy tôi có cái nhà, cái xe thì cho là giàu, chứ tôi chỉ đủ ăn thôi! Làm văn chương ở ta xưa nay có ai giàu bao giờ - lão Tạ cãi.

- Nhìn nhà ông to thế, cao thế, rộng thế mà nói không giàu kể cũng khó tin?

- Người ta nhìn vào cái nhà tôi mới xây cứ nghĩ mình làm ra nhưng thực tế là giời cho đấy, vì khi mua, tôi mua với giá rất rẻ (có 200 ngàn đồng/m2), chỉ mất một phần mười thôi, chín phần mười còn lại là giời cho mà có.

Nói là giời cho nhưng thật ra giời có cho không ai cái gì bao giờ đâu. Mồ hôi, nước mắt cả đấy. Tạ Duy Anh là người cần mẫn. Không thích đàn đúm, tụ tập hay bàn chuyện, chém gió. Tạ chăm chỉ cày cấy trên cánh đồng văn chương giống như gã nhà quê say mê mảnh ruộng.

- Mình viết bài báo bằng cái bàn tay được những bốn, năm trăm ngàn đồng, bằng tạ thóc, ngang với nông dân phơi mặt cả vụ, ông ạ.

- Bọn mình lao động trí óc, phải khác chứ - Tôi bảo.

- Khác là khác thế nào. Ông tưởng chỉ mỗi chúng ta “có óc” chắc. Để kiếm được hạt thóc, người ta cũng lao tâm khổ tứ lắm ông ạ - Tạ nổi xung với tôi.

Văn chương khác hàng hóa, ai biết thì biết…

- Gần đây, một số nhà văn thích lăng xê tác phẩm của mình nhưng anh lại im lặng. Phải chăng ông chưa đủ sức để vượt qua tính sĩ cố hữu của nhà văn?

- Tôi quan niệm hơi bị “phản động” về mặt thị trường, nghĩa là người ta cho rằng văn chương là phải quảng cáo, lăng xê thì mới nhiều người biết đến. Tôi thì không có nhu cầu quảng cáo, vì theo tôi văn chương khác hàng hóa nên ai biết thì biết, chẳng biết thì thôi. Biết thì tốt nhưng không biết cũng không sao. Thực ra, một nghìn người đọc hay một vạn người đọc, đối với người viết đôi khi cũng không phải là cái gì quan trọng. Cuốn sách của tôi ra đời mà thấy ồn ào quá, tôi cũng sợ.

- Tại sao vậy?

- Vì thực tế, tôi thấy trong lịch sử văn chương nước nhà, tác giả nào mà được tung hô một cách rầm rộ thì thường sau đó bị chìm đi. Thời trước, ông Lê Văn Trương nổi tiếng hơn ông Nam Cao nhiều. Thậm chí lúc ấy chẳng mấy ai biết đến ông Nam Cao là ai. Nhưng qua thời gian, giá trị nghệ thuật và tài năng lặng lẽ chinh phục nhiều thế hệ chứ không chỉ một lớp độc giả. Một thế hệ độc giả nhiều khi cũng chỉ là thời thượng thôi.

Có những cuốn viết ra nhiều năm sau mới có người đọc và người ta thấy tiếc vì mấy năm trước không đọc. Ngược lại, có cuốn khi mới ra đời rất “hoành tráng” nhưng chỉ vài năm sau đọc lại thấy thật vớ vẩn và tiếc vì đã trót đọc. Thế nên, thà rằng sách của mình vài năm sau mới có người đọc còn sung sướng hơn là người ta đổ xô đọc và tung hô để rồi vài năm sau, chính họ lại tự chửi mình ngu vì đã đọc cuốn sách đó.

Ba gã “Lò Nguyễn Du”

Viết văn như… cày ruộng

Cái lò “Viết văn Nguyễn Du - Trường Viết văn Nguyễn Du” đẻ ra một đám viết báo rất “mả”. Trong đó nổi bật ở thể loại phóng sự xã hội với các nhà văn: Vũ Hữu Sự, Hoàng Hữu Các và Tạ Duy Anh.

Vũ Hữu Sự đã ngồi vào bàn thì không mấy khi viết dưới ba phóng sự. Một nắm bút, một tập giấy và một chiếc điếu cày. Khi nào bí, ngửa cổ rít một hơi, nhắp một ngụm trà đặc cắm tăm là mạch văn lại rào rào như mưa mùa hạ.

Hoàng Hữu Các trước khi ngồi vào bàn bao giờ cũng uống một ly cà phê, hút một điếu 555, vuốt tóc sang bên phải. Cứ khi nào thấy mái tóc lật sang bên trái là bài phóng sự đã xong kỳ I. Khi nào bí vừa vừa, Hoàng Hữu Các gãi gãi một tay lên gáy. Bí hơn chút nữa, Hoàng dùng cả hai tay cào cào vào hai bên thái dương. Khi mạch văn bị tắc, tiên sinh vươn vai đi xuống phòng phát hành của tòa soạn hoặc ra quán tào lao một lát. Khi nào thấy Hoàng Hữu Các tóc tai bóng mượt, tay cuộn cuộn tập giấy là lúc đó bài phóng sự ba, bốn kỳ đã viết xong.

Với lão Tạ thì xin kể một câu chuyện để khái quát. Ngày còn ở Tương Mai cách đây hơn hai chục năm, ngõ vào nhà lão Tạ cứ động mưa là ngập. Hôm ấy, Tạ quyết định mua 3 xe ôtô cát để tôn cao ngõ. Lúc đầu tiếc tiền, Tạ thuê xe về để tự chở. Khổ, cái thân Tạ còm nhom nên chở được 2-3 chuyến thì không thở được nữa bèn nghiến răng ra “chợ người” thuê mấy anh làm nghề cửu vạn. Thuê nhưng vẫn tiếc tiền, lão bèn nghĩ cách gỡ gạc lại. Thế là lão ngồi tỉ mẩn chuyện trò. Mấy hôm sau, đã thấy phóng sự ba kỳ “Mồ hôi trên bánh xe thồ” đăng trên báo. Hỏi nhuận bút, bảo trừ công chở cát, còn “dôi” ra được cả trăm ngàn bạc.

Tạ là người khá thầm lặng trong công việc văn chương. Làm được gì thì cứ lẳng lặng mà làm. Không ồn ào, nói trước. Mà thiên hạ rất lạ. Khi lão viết như phát rồ thì ai cũng bảo dạo này chẳng thấy viết lách gì cả. Thực ra lúc người ta bảo không viết gì cả là Tạ viết nhưng chưa in hoặc chưa được in. Đến lúc ồ ạt xuất bản thì lại là lúc chẳng viết gì cả vì đều là những cuốn viết từ trước đó.

- Đấy, sự đời khó thế đấy. Làm được đến đâu thì làm, chứ việc viết lách của nhà văn cũng giống như của nhặt được ấy. Lúc thì câu được con cá to, lúc thì nhặt được con cá chết, lúc trượt mất thì cá bé cứ tưởng là cá to. Thôi thì sức mình có vậy, tâm mình, tài mình có vậy, được đến đâu hay đến đó. Ai khen, chê cũng mặc! Tạ than thở!

Cứ cái gì mất đi thì lúc ấy mới tiếc, mới ca ngợi

Cách đây mấy hôm, tôi hỏi lão Tạ rằng văn học năm nay có gì mới. Vẫn cái giọng cười cợt sự đời nhưng đầy triết lý, Tạ nói:

- Câu hỏi của ông khiến tôi nhớ đến bài thơ “Gọi hạc” rất “quái” của cố nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc: “Những con chưa chết thì chưa sinh ra/ Những con sinh ra là những con đã chết”. Có tiếp cận bài thơ này theo hai cách. Cách thứ nhất giống như một lời than cay nghiệt của tác giả về hiện tại, rằng cái gì tử tế (tử tế nhất là sự sống) còn cứ phải chờ, còn chưa ra đời hoặc có thể không bao giờ ra đời.

Tức là nếu theo cách hiểu này mà vận vào câu hỏi của ông thì là xin mời ông chờ thêm để đến năm sau hỏi tôi văn học 2016 có gì mới? Khi đó tôi sẽ trả lời nhất định năm 2017 sẽ có thứ mới cho ông.

Nhưng còn cách tiếp cận thứ hai, theo đó bài thơ cũng giống như lời than nhưng là than cho sự cay nghiệt, bất công (cũng có thể cả hẹp hòi) của người đời. Lúc còn sống sờ sờ với nhau thì tìm đủ cách để dìm nhau sủi bong bóng mũi. Nhưng khi chết đi thì lại thống thiết thương tiếc bằng những lời điếu văn đẫm nước mắt. Cứ cái gì mất đi thì lúc ấy mới luyến tiếc, mới ca ngợi. Hiện tại thì chẳng có gì mới cả. Nhưng cũng cái hiện tại đó, khi thành quá khứ thì lại mất bao nhiêu công sức để khám phá, gọi tên bằng những thuật ngữ “hậu hiện tại” (chứ không phải là hậu hiện đại).

Nếu theo cách hiểu này thì hiện tượng mới nhất trong văn học 2015 chính là cuốn thơ tái bản của cố nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc (In lại nguyên xi cuốn “Nguyễn Lương Ngọc, thơ và người” đã in năm 2006). Không tin, ông cứ đọc lại mà xem.

 

Bùi Hoàng Tám

Số Xuân 2016

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.