Người bị tố đứng sau cuộc đảo chính ở Thổ nói gì?

12:47 | 17/07/2016

1,564 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà truyền giáo Fethullah Gulen, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đã đứng đằng sau để giật giây âm mưu đảo chính ở nước này, đã tố ngược rằng chính các nhà lãnh đạo Thổ đã dàn dựng một cuộc đảo chính nhằm lấy điểm chính trị.
tin nhap 20160717124506
Nhà truyền giáo Fethullah Gulen

Trong một cuộc phỏng vấn với một nhóm nhà báo quốc tế hôm thứ Bảy, Fethullah Gulen đã phản bác tất cả những lời buộc tội từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù ông thừa nhận những người tổ chức và thực hiện cuộc đảo chính (bất thành) này đều là “tín đồ” của ông, nghĩa là đi theo tư tưởng tôn giáo của ông.

"Tôi không nghĩ rằng thế giới tin vào những lời cáo buộc của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào tôi. Bản thân tôi cực lực phản đối hành động đảo chính quân sự nói chung và đặc biệt là ở chính đất nước tôi. Nhưng hành động đảo chính đã xảy ra vào đêm 15/7. Có cơ sở để tôi tin rằng chính chính quyền đã dàn dựng ra một cuộc đảo chính để thực hiện một số mưu đồ chính trị" – ông Gulen nói với các nhà báo.

Theo giải thích của nhà truyền giáo, cuộc đảo chính này có thể được bày ra trước hết là để lấy cớ đổ tội cho ông và những người đi theo lý tưởng của ông (trong phong trào Gulen, hay còn gọi phong trào Hizmet). Nhưng không chỉ có thế.

Theo Gulen, trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày càng trở nên phức tạp như hiện nay, có thể chính quyền Thổ quyết định “lấy điểm chính trị” bằng cách tạo ra một cuộc đảo chính rồi nhanh chóng dập tắt nó chỉ sau vài giờ, để chứng minh cho thế giới thấy sức mạnh chính trị và quân sự của mình.

Ngoài ra, kèm theo đó có thể là một “phép thử lòng dân” về lòng trung thành của họ đối với chính quyền. Có thể nói phép thử này đã thành công, bằng chứng là khi Tổng thống Erdogan vừa kêu gọi là hàng chục nghìn người dân trong cả nước đổ ra đường biểu tình phản đối đảo chính.

Khi được các nhà báo hỏi rằng nếu đây là cuộc đảo chính đích thực và nếu nó thành công thì ông có trở về Tổ quốc hay không, Gulen khẳng định là có.

"Tôi rất nhớ quê hương mình. Nhưng cần có một yếu tố quan trọng – đó là tự do. Tôi ở đây cách rất xa những vấn đề chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ, tôi sống với tự do của mình" – Gulen trả lời.

tin nhap 20160717124506
Cảnh thi hành án tử hình trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ

Fethullah Gulen năm nay 75 tuổi, là một nhà truyền giáo đồng thời là học giả Hồi giáo nổi tiếng và rất có uy tín khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn 5 thập niên qua. Rất nhiều chính khách cấp cao, trong đó có cả Recep Tayyip Erdogan, chịu ảnh hưởng từ ông.

Nhưng từ khi nhóm Erdogan lên nắm quyền, họ bắt đầu rời xa ảnh hưởng của Gulen và rồi sau đó thì coi ông là đối thủ chính trị. Gulen bị coi là cầm đầu phe đối lập và bị o ép đến mức phải bỏ sang Mỹ sinh sống. Tuy vậy, những tư tưởng tôn giáo của ông vẫn được truyền bá và tôn sùng trên thế giới, kể cả ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi tất cả những quốc gia ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen là kẻ thù của mình.

Trong một diễn biến khác, ngay sau khi cuộc đảo chính bị dập tắt, Hội đồng lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ quyết định xem xét việc phục hồi án tử hình để có thể áp dụng cho những kẻ chủ mưu. Được biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ án tử hình từ năm 2002. Trước đó, tử tội bị hành quyết chủ yếu bằng hình thức treo cổ.

Thiện Tâm

Tass, RIA,