Nghệ thuật và phản nghệ thuật - ranh giới mong manh

07:05 | 19/06/2017

5,698 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là nhận định của nữ diễn viên đã có hơn 20 năm làm nghệ thuật - Mai Thu Huyền khi nhắc đến ảnh nude nghệ thuật và những kẻ mượn danh “nghệ thuật” để khoe thân. Từ lâu, các nhà quản lý văn hóa và các nhiếp ảnh gia đã tốn nhiều thời gian và công sức để đưa ra “quy chuẩn” phân biệt đâu là ảnh nude nghệ thuật, đâu là ảnh dung tục. Nhưng những tranh cãi, luận bàn nhằm đưa ra quy chuẩn còn chưa được ngã ngũ thì đã có rất nhiều bộ ảnh phản cảm núp bóng ảnh nude nghệ thuật được tung ra nhằm gây chú ý, mưu cầu sự nổi tiếng bất chấp những giá trị văn hóa cơ bản.   

Dung tục “giả danh” nghệ thuật

Cách đây không lâu, studio chụp ảnh cưới TuArts ở Hà Nội - đã đăng lên facebook bộ ảnh hai thiếu nữ diện trang phục không nội y chụp tại hồ nước được gọi là “Tuyệt Tình Cốc”. Sau thời gian ngắn xuất hiện trên mạng, các bức hình này bị “ném đá” dữ dội. Phần lớn mọi người cho rằng đây không phải nghệ thuật, mà đã đi ngược truyền thống văn hóa của dân tộc.

Sau bộ ảnh này, đa số các nhiếp ảnh gia đều cho rằng, bộ ảnh mà TuArts thực hiện “quá lố” và không thể gọi đây là nghệ thuật vì không chỉ phản cảm như dư luận nhận xét mà còn nghèo nàn về ý tưởng. Thậm chí, những hình ảnh được photoshop không cẩn thận, dẫn đến sự giả tạo trong các khuôn hình và đây chỉ là trào lưu khoe thân, câu view rẻ tiền của một số bạn trẻ muốn được nổi tiếng bằng cách này. Bộ ảnh hai cô gái ở “Tuyệt Tình Cốc” đầy vẻ thô tục và khêu gợi.

nghe thuat va phan nghe thuat ranh gioi mong manh
(Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Sau “Tuyệt Tình Cốc”, ăn theo trào lưu chụp ảnh khoe thân, hai cô gái khác lại tiếp tục gây chú ý bằng việc ăn mặc hở hang, tạo dáng khêu gợi bên ông lão đang làm việc trong lò gốm trong bộ ảnh mang tên “Thôn nữ”. Trên diễn đàn về nhiếp ảnh, nhiều ý kiến nhận định loạt ảnh này phản nghệ thuật và đặc biệt gây tranh cãi về sự xuất hiện của cụ già trong các hình ảnh này.

Sau đó, lại xuất hiện hình ảnh cô gái chụp ảnh khỏa thân, khoe đường cong nóng bỏng giữa hồ sen trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội), trở thành tâm điểm chú ý. Chỉ sau ít phút đăng tải trên mạng xã hội, sản phẩm này vấp phải sự phản đối gay gắt từ cư dân mạng. Họ cho rằng bộ ảnh không phải nghệ thuật, mà là sự lố bịch, phản cảm, làm ảnh hưởng trầm trọng đến hình ảnh hoa sen Việt Nam. Tuy nhiên, người thực hiện bộ ảnh cho hay, họ không dùng những bức ảnh hở hang, khoe thân để đánh bóng tên tuổi. Mọi ý tưởng và yêu cầu đều là của mẫu ảnh, ê-kíp chỉ nhận chụp và trang điểm cho khách hàng mà thôi.

Rồi lại thêm một thiếu nữ không mảnh vải che thân tự tin thả dáng trước ống kính ở đầm sen quanh khu vực Hồ Tây (Hà Nội), đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phía công chúng. Có thể thấy, việc chụp ảnh bên hoa sen từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong bộ sưu tập ảnh của nhiều cô gái, ngay cả các nhiếp ảnh gia dù chuyên hay không chuyên cũng có cảm hứng sáng tạo theo chủ đề này. Thế nhưng vài năm trở lại đây việc nở rộ các mô hình kinh doanh cho thuê địa điểm chụp ảnh bên hoa sen đã khiến cho hình ảnh bông hoa tinh khiết đã bị biến tướng trong nhiều bộ ảnh.

Rõ ràng, không ai ngăn cấm sự sáng tạo, tuy nhiên sự sáng tạo chỉ đi đúng hướng khi nó được phát triển trên một nền tảng kiến thức có sẵn. Nghệ thuật cũng như vậy, việc chụp ảnh nghệ thuật luôn nằm trên ranh giới mong manh của sự dung tục và sự tinh tế, điều này không chỉ phụ thuộc vào trình độ, góc nhìn người chụp, mà nó còn nằm ở cái hồn cũng như nhận thức của người mẫu.

Đâu là ranh giới?

Là người làm nghệ thuật hơn 20 năm qua, diễn viên Mai Thu Huyền cho rằng: “Chính vì sự mong manh đó mà nhiều người đã nhân danh nghệ thuật, vin vào cái cớ “vì nghệ thuật” để tự biện minh cho sự lố bịch, phản cảm, phi nghệ thuật của mình. Và một cách trực tiếp hay gián tiếp, những bức hình đó lại đang “vẽ đường cho hươu chạy”, cổ súy cho một bộ phận giới trẻ đi ngược lại những giá trị thuần phong mỹ tục, bất chấp mọi chiêu trò để nổi tiếng”.

Còn nhớ, vào năm 2016, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch từng ban hành Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL, trong đó cấm người đẹp đạt danh hiệu, người mẫu không được chụp ảnh, ghi hình cá nhân không có trang phục hoặc cố ý phổ biến trên mạng viễn thông. Nhưng vào tháng 11-2016, Bộ lại ban hành Thông tư 10/2016/TT-BVHTTDL (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017) sửa đổi và bãi bỏ một số điều của Thông tư 01/2016/TT-BVHTTDL, trong đó bãi bỏ điều 3 này.

Tuy nhiên, đối với nhiều bộ ảnh đang “khoác áo” nghệ thuật để khoe thân, có thể thấy ranh giới giữa nghệ thuật với sự dung tục, phản cảm khá mong manh, khó có một quy định cụ thể nào mà hoàn toàn chỉ do từng cá nhân cảm nhận. Đối với người này là đẹp, là nghệ thuật, nhưng với người khác thì ngược lại hoàn toàn. Thế nhưng, giữa ranh giới tưởng như mong manh khó phân biệt ấy, vẫn tồn tại một quy định, bất di bất dịch đó chính là cái tâm và trình độ của các nhiếp ảnh gia.

Nhiếp ảnh gia, nhà báo Trần Việt Văn, người đạt nhiều giải thưởng ảnh quốc tế từng chia sẻ: “Nói đến nude người ta hay nhắc là đề tài nhạy cảm, cá nhân tôi không thích từ đó. Ranh giới giữa nude nghệ thuật và sự dung tục rất mong manh, mà bản thân người chụp phải xác định rất rõ ràng mục đích: Bức ảnh đó để làm gì, thể hiện câu chuyện, ý tưởng gì về cuộc sống.

Với tôi, ảnh nude chỉ đóng vai trò là phương tiện truyền tải. Mỗi bức ảnh không đặt nặng về vẻ đẹp cơ thể mà dùng đường nét đó để nói câu chuyện phía sau mới là quan trọng. Bức ảnh chứa đựng câu chuyện ấy phải gợi cảm xúc, gợi sự thú vị, gợi mở một chút để người ta muốn can thiệp, muốn suy nghĩ, tìm hiểu về nó”.

Còn nhiếp ảnh gia Thái Phiên - tác giả nổi tiếng của những bộ ảnh nude tỏ ra băn khoăn: “Nhiều cô trong giới showbiz tung ra những bức ảnh không mặc áo quần và sau đó họ “nổi tiếng” ngay, được mời nhiều show diễn hơn, cát-xê cao hơn, mà chẳng cần phải dày công khổ luyện tài năng như các nghệ sĩ đích thực khác. Tiếc thay, cách làm đó lại được truyền thông vô tình tiếp tay và điều này kéo theo hệ lụy làm cho nhiều đàn em bắt chước theo lối của đàn chị, đây là một cách PR rẻ tiền mà lại hiệu quả. Phải chăng, những nhân vật này không phân biệt được thế nào là nude nghệ thuật hay phi nghệ thuật, họ nghĩ là cứ chụp ảnh không mặc đồ đều là khỏa thân nghệ thuật cả? Khi các nhà quản lý văn hóa lên tiếng, nhưng chưa kịp xử lý cô A thì cô B lại nổi lên…”.

Nói về vai trò đặc biệt quan trọng của tác giả trong sáng tác ảnh nude nghệ thuật, NSND Doãn Hoàng Giang (Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật - Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam) cũng nhấn mạnh, một nghệ sĩ nhiếp ảnh giỏi là khi chụp nude nghệ thuật thì bức ảnh ấy phải khiến cho người thưởng thức cảm nhận được vẻ đẹp một cách đầy phấn chấn, thăng hoa nhưng không tầm thường và dung tục. Ảnh nude nghệ thuật với chụp ảnh khỏa thân bình thường chỉ cách nhau một tích tắc.

Ở tích tắc này là nghệ thuật, sang tích tắc kia là dung tục, phản cảm. Vậy thì phải đòi hỏi mục đích của bộ ảnh đấy, nhà nhiếp ảnh và diễn viên, người mẫu, tất cả ê-kíp phải là những nghệ sĩ đích thực. Đứng trước một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật đích thực, ta sẽ rung động với nhiều cảm xúc nghệ thuật, mang đến cho ta những giá trị về mỹ cảm, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, hướng thiện, hướng mỹ... khác xa với những khao khát dục tính theo bản năng khi xem ảnh núp bóng nghệ thuật để khoe thân, mưu cầu sự nổi tiếng.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.