Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên: Chụp ảnh khỏa thân như xiếc đi trên dây
NSNA Thái Phiên: Chụp ảnh nude là một nhu cầu có thật của nhiều cô gái trẻ hiện nay và tôi luôn cho rằng đó là nhu cầu chính đáng, không có gì xấu xa tội lỗi cả. Nó cũng gần giống như khi ta đứng trước một cảnh đẹp ta cũng có nhu cầu chụp để lưu giữ lại cái khoảnh khắc thời gian và không gian đó. Phụ nữ cũng vậy, họ cũng có nhu cầu lưu lại khoảnh khắc của một thời thanh xuân, son trẻ của họ chứ! Thời gian trôi nhanh lắm và nó đã trôi qua rồi thì vĩnh viễn không bao giờ trở lại nữa…
Tuy nhiên, tâm lý chung của người Việt vẫn hay nghĩ khỏa thân tức là trần truồng, là cái gì bậy bạ không được trong sáng, lành mạnh. Nhưng ảnh nude nghệ thuật không phải vậy, nó thanh thoát, thuần khiết và cao đẹp lắm. Giữa ảnh nude nghệ thuật và ảnh trần truồng, dung tục có một ranh giới rất mong manh, thậm chí là vô hình và người nghệ sĩ giống như diễn viên xiếc đi trên dây vậy, nếu chụp không khéo thì dễ gây phản cảm. Hơn nữa, ảnh khỏa thân cũng ít nhiều phụ thuộc vào con mắt, cái đầu, phụ thuộc vào trình độ thẩm mỹ, văn hóa của người xem nữa! Thể loại này không những kén tác giả, nhân vật mà còn kén cả khán giả nữa, gần như là nhạc giao hưởng vậy!
Nghệ thuật và sự dung tục: Ranh giới mong manh
PV: Theo văn hóa Á Đông, nói đến khỏa thân thì ai đó cũng nghĩ đến vấn đề về dung tục, là người chuyên nguyên cứu về nude và ảnh nude nghệ thuật, xin anh cho biết nên có cái nhìn về nude như thế nào là đúng đắng và nhân văn?
NSNA Thái Phiên: Khỏa thân có từ trong truyền thuyết Chử Đồng Tử với nàng Tiên Dung, tức là nó đã có từ xa xưa, nằm trong cổ tích rồi. Rồi trên thạp đồng Đào Thịnh thì cũng đã khắc những cặp nam nữ đang ân ái. Trong tranh Đông Hồ cũng có những cảnh khỏa thân gợi cảm, giống như tranh “Hứng dừa”, tranh “Đánh ghen”… Trong tôn giáo thì dọc theo miền Trung có những cái tháp mà trong đó họ thờ Linga và Yoni, đó là những sinh thực khí của đàn ông và đàn bà. Đến những mùa lễ hội người ta lấy nước tưới lên Linga để cho chảy xuống cái Yoni rồi người ta hứng nước dưới Yoni đó đem về bỏ vào giếng cho giếng nước trong, người ta vẩy ra ruộng đồng cho cây trồng đâm hoa kết trái. Văn hóa Chăm quan niệm rằng, không có cái dương, cái âm thì vạn vật sẽ không sinh sôi nảy nở. Tín ngưỡng người Chăm là thế. Rồi đến những người không có con, người ta lên tháp cầu tự, tức cầu có con, người ta vào tháp xin được xoa vào Linga để cầu mong có con.
Còn trong thơ ca thì cụ Nguyễn Du đã từng tả Thúy Kiều tắm, một thời “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được gọi là dâm thư. Tóm lại, cái khỏa thân này đã có từ ngàn xưa rồi. Không có cái dương, cái âm thì làm gì có chúng ta. Tâm lý người tiếp cận với khỏa thân nghệ thuật rất dè chừng. Họ cho rằng, không mặc đồ là dung tục. Tuy nhiên, sen thì mọc trong bùn nhưng dù bùn có hôi tanh thì sen vẫn tỏa hương thơm. Khỏa thân thường là dung tục nhưng không phải hoàn toàn như vậy, cũng có một góc nhìn nào đó để nó là nghệ thuật, đó là hướng đến cái chân, thiện, mỹ.
PV: Một bức ảnh khỏa thân là nghệ thuật hay dung tục còn tùy thuộc vào cảm nhận của người xem. Song, cũng có những tiêu chí cụ thể để một bức ảnh nude là nghệ thuật chứ, thưa anh?
NSNA Thái Phiên: Một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật phải đáp ứng được những yêu cầu về kỹ thuật lẫn mỹ thuật từ khi bấm máy: tốc độ, khẩu độ, góc độ, nguồn sáng, bố cục, ý tưởng… Tiếp theo là khâu xử lý ảnh tỉ mỉ, công đoạn này là tận dụng những kỹ năng hậu kỳ để làm bật ra được cái thông điệp cần chuyển tải của bức ảnh đến với người xem qua sắc độ đậm nhạt, tương phản của từng chi tiết trong ảnh. Đứng trước một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật đích thực, ta sẽ rung động với nhiều cảm xúc nghệ thuật, mang đến cho ta những giá trị về mỹ cảm, tâm hồn ta sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư thái, hướng thiện, hướng mỹ… khác xa với những khao khát dục tính theo bản năng khi xem ảnh sex.
PV: Trước khi quyết định nhận thực hiện bộ ảnh nude nghệ thuật cho một thiếu nữ nào đó, anh có quan tâm đến mục đích chụp của cô ta?
NSNA Thái Phiên: Mục đích của tôi chụp là để công bố, nên tôi luôn luôn quan tâm đến điều đó. Trước khi nhận lời chụp cho một ai đó, tôi luôn mời họ đi uống cà phê để tìm hiểu mục đích chụp của họ. Tôi chủ động nêu ra những tình huống có thể sẽ xảy ra và những gian nan, vất vả, trong quá trình chụp để làm nản lòng họ. Thí dụ như nếu sau khi công bố, người thân hoặc người yêu phát hiện ra việc cô từng chụp ảnh nude thì sao? Đó là chưa kể bố mẹ chồng liệu sẽ nghĩ gì khi đứa con dâu mình từng trần truồng cho người khác chụp hình rồi đăng tràn lan trên báo chí, Internet… Cô có chấp nhận, vượt lên được những điều này không? Nếu cô ta vẫn quyết tâm và nhận thức rõ công việc thì chúng tôi sẽ phác thảo ý tưởng cho bức ảnh, địa điểm chụp và kèm theo những thỏa thuận rõ ràng, cụ thể như chụp rõ hay không rõ mặt, thời gian và phương thức công bố…
Có những cô muốn chụp với mục đích lưu niệm và chỉ cất trong ngăn tủ riêng thì tôi sẽ từ chối ngay. Cái đẹp là phải đến với công chúng chứ, tôi làm nghệ thuật, không chụp dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng cho nên tôi cũng chưa bao giờ lấy tiền của ai cả, cho dù cũng có những cô gái đề nghị trả tiền cho tôi.
PV: Anh nhận xét gì về việc ảnh khỏa thân ngày nay được sử dụng như một “chiêu bài” trong con đường mưu cầu danh vọng của không ít những cô gái trẻ thừa tham vọng nhưng lại thiếu khả năng trong giới showbiz hiện nay?
NSNA Thái Phiên: Thực tế là trong giới showbiz ngày nay có một số cô tung ra những bức ảnh không mặc áo quần và sau đó họ nổi tiếng ngay, được mời nhiều show diễn hơn, cát-xê cao hơn, mà chẳng cần phải dày công khổ luyện tài năng như các nghệ sĩ đích thực khác. Tiếc thay, cách làm đó lại được truyền thông vô tình tiếp tay và điều này kéo theo hệ lụy làm cho nhiều đàn em bắt chước theo lối của đàn chị, vì đây là một cách PR rẻ tiền mà lại hiệu quả. Phải chăng, những nhân vật này không phân biệt được thế nào là nude nghệ thuật hay phi nghệ thuật, họ nghĩ là cứ chụp ảnh không mặc đồ đều là khỏa thân nghệ thuật cả? Khi các nhà quản lý văn hóa lên tiếng, nhưng chưa kịp xử lý cô A thì cô B lại nổi lên…
Theo tôi, xét theo góc độ quản lý vĩ mô thì biện pháp hành chính phải song hành với biện pháp giáo dục. Tôi không tin có văn bản nào có thể chấn chỉnh được loại ảnh “lộ hàng” này. Vì tôi quan điểm rằng: Nếu muốn hạn chế cỏ dại thì hãy trồng thật nhiều hoa! Nhưng khi chúng ta không dám mạnh dạn đưa hoa ra trồng và khuyến khích người trồng hoa, chăm bón, tưới tắm cho hoa, thì cỏ dại nó sẽ mọc tràn lan, thế thôi! Tôi cho là đây cũng là cái lúng túng của người làm công tác quản lý văn hóa, họ chưa tạo điều kiện cho những nghệ sĩ công bố những bức ảnh khỏa thân nghệ thuật đích thực đến với công chúng, nhằm định hướng và nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của mọi người, đồng thời phục vụ tốt hơn nhu cầu văn hóa phong phú, đa dạng của quần chúng.
PV: Anh nghĩ gì khi nhiều người mẫu tung ảnh khỏa thân của mình lên mạng còn kèm theo những phát ngôn to tát kiểu “bảo vệ môi trường”, “bảo vệ biển”… Chúng tôi cho rằng, đó chỉ là cái cớ để các cô ấy cởi đồ khoe thân để được nổi tiếng, còn anh thì nghĩ sao?
NSNA Thái Phiên: Thể loại ảnh khỏa thân nghệ thuật là một thể loại rất nhân bản. Chụp ảnh khỏa thân chính là khám phá, ca ngợi và tôn vinh vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện mà tạo hóa đã ban tặng riêng cho con người, đặc biệt là phụ nữ. Từ tác phẩm đã toát lên những thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến người xem, không cần thiết phải hô hào với những ngôn từ gán ghép, ngụy biện để làm gì. Nếu thực sự có ý đồ chụp vì một mục tiêu xã hội nào đó thì cũng tốt thôi, ở nước ngoài người ta đã làm thế từ lâu rồi, nhưng thông điệp từ những bức ảnh của họ rất rõ ràng, cụ thể và được chụp bởi một ê-kíp dày dặn kinh nghiệm chứ không phải chỉ là dạng “thể nghiệm” như những bộ ảnh “lộ hàng” được tung lên mạng vừa qua.
Thật ra, trong nhiều ảnh của tôi cũng thể hiện sự hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, tôi cũng đã mượn nude để ca tụng từng dòng sông, con suối. Nhưng những mỹ từ cao quý như “bảo vệ môi trường” hay “bảo vệ biển” nghe đao to búa lớn quá, tôi không dám dùng đâu.
“Không có phụ nữ thì không có Thái Phiên”
PV: 20 năm trước, anh đến và say mê với ảnh khỏa thân nghệ thuật, phải chăng vì anh cũng rất say mê với đường cong của phụ nữ?
NSNA Thái Phiên: Trên đời này có nhiều cái đẹp, nhưng đẹp nhất vẫn là con người, mà đặc biệt là phái nữ. Con người mà say mê và ca ngợi vẻ đẹp uyên nguyên, thánh thiện của tạo hóa đã ban tặng cho con người thì đó là một điều rất nhân bản, nhân văn chứ? Đó là kiệt tác của tạo hóa thì tại sao ta không say sưa, ca ngợi cái vẻ đẹp thiêng liêng ấy? Và thế là tôi chụp, cố làm nổi bật những đường nét để ca ngợi, tôn vinh những đường cong huyền hoặc ấy mà thôi, chứ không bao giờ làm xấu đi hay hạ thấp. Nhiều người nói tên tuổi tôi gắn liền với phụ nữ, nổi tiếng nhờ phụ nữ qua những bức ảnh “Xuân thì” khoe những đường cong tuyệt mỹ. Tôi cũng thừa nhận là “Không có phụ nữ thì không có Thái Phiên”! (Cười lớn).
PV: Anh nói đứng trước người phụ nữ khỏa thân, anh thấy hết sức bình thường. Như thế chẳng khác nào anh đã vô cảm trước đường cong người phụ nữ đang “minh bạch” trước mắt mình. Phải chăng anh đang nói dối?
NSNA Thái Phiên: Tôi xin giải thích hai chữ “bình thường” ấy như sau. Để ra được một tác phẩm đẹp, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có sự rung động đẹp, tâm hồn đẹp, tức là rung động trước những đường nét ấy theo hướng nghệ thuật, hướng thiện, mỹ chứ không phải rung động theo dục tính. Tôi cũng là Trư Bát Giới chứ không phải Đường Tăng. Tôi cũng có những hỉ, nộ, ái, ố, bi, lạc, dục như những con người bình thường khác. Nhưng đã làm việc, phần “con” biến mất đi chỉ còn phần “người” mà thôi. Đây là sự chuyển biến rất tự nhiên, không có gì gượng ép cả. Nếu lúc chụp, trong đầu bạn nghĩ cái gì thì bạn sẽ cho ra một bức ảnh như thế mà thôi. Ngày xưa các cụ bảo “văn là người”, đối với nhiếp ảnh cũng vậy “ảnh là người”. Bạn xem ảnh thì có thể đoán được tác giả đang nghĩ gì khi chụp ảnh. Tôi có thể nói dối, nhưng những bức ảnh của tôi thì không!
PV: Tôi hỏi anh câu hơi tế nhị, là trong “thuận cảnh hữu tình” thì cám dỗ dễ xảy ra, làm sao mà anh tránh được?
NSNA Thái Phiên: Các cụ nhà ta từng nói rằng: “Làm đĩ mười phương thì hãy chừa một phương để mà lấy chồng”. Lời khuyên ấy cũng rất ý nghĩa trong công việc của tôi. Bước vào lĩnh vực nhạy cảm này cần phải xác định tư tưởng rõ ràng ngay từ đầu, dính dáng đến tình cảm thì phiền hà lắm. Khi ánh mắt mình trong sáng và tạo ra được một không gian làm việc nghiêm túc, thân thiện thì người mẫu càng tự nhiên, thoải mái để cộng tác với mình hơn. Tôi rất tôn trọng các người mẫu và nhờ vậy cũng nhận lại từ họ sự tôn trọng rất đúng mực. Tôi không phải là gỗ đá, nhưng làm việc là làm việc, không thể “nhập nhằng” được. Cái tâm mà không tĩnh thì cái hồn sẽ không mỹ, dứt khoát thế!
Vả lại, tình yêu của người nhiếp ảnh đối với người mẫu cũng giống như tình ruột thịt vậy, họ đã dám đồng cam cộng khổ với mình cùng đến những nơi xa xôi hẻo lánh, chấp nhận gian nan vất vả, dám vượt qua thành trì định kiến của xã hội để cùng nhau làm nghệ thuật. Với tình cảm chân thành ấy, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình nam nữ như ẩn ý trong câu hỏi của nhà báo đâu.
PV: Xem những bộ ảnh nude nghệ thuật của anh, hiếm khi nào tôi thấy rõ được mặt người mẫu trong ảnh. Điều đó cho thấy chính bản thân anh cũng chưa thể vượt qua được những định kiến của xã hội về ảnh nude?
NSNA Thái Phiên: Không ai trên đời này có thể biết được người trong ảnh của tôi là ai cả, ngoại trừ tôi, mẫu và người phụ việc trong ê-kíp. Nếu như có ai khác ngoài ê-kíp biết thì chỉ có thể là do người mẫu nói mà thôi. Tôi cũng đang cố tạo một lớp sương mờ huyền bí xung quanh bức ảnh của mình chứ cũng không muốn minh bạch nhân vật ra. Thường thì trong ảnh nude của tôi không mô tả một vẻ đẹp cá nhân cụ thể nào cả, mà là cái đẹp chung cho tất cả phụ nữ, ai cũng có thể thấy mình ẩn hiện thấp thoáng trong đó. Tôi không thể nào nói với mọi người trong tác phẩm “Thiên sứ” (tên một bức ảnh nude của NSNA Thái Phiên – PV) chính là cô A kia. Khi đó bạn nhìn cô A và bạn sẽ mất đi cái cảm hứng trong tưởng tượng, mất sự thăng hoa trong suy nghĩ của bạn về nhân vật trong bức ảnh. Hơn nữa, tôi không muốn chụp rõ mặt là vấn đề nhân thân của họ nữa, tôi lo nghĩ cho họ hơn là tôi sợ định kiến xã hội. Tuy nhiên, thỉnh thoảng một số cô gái yêu cầu chụp rõ mặt, tôi vẫn làm đấy thôi!
PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Lê Trúc
Báo Năng lượng Mới số 111 ra ngày 13/4/2012
-
[VIDEO] Lực lượng CAND "vượt nắng, thắng mưa" chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại
-
Lực lượng Công an hợp luyện chuẩn bị cho lễ diễu binh mừng Quốc khánh 2/9
-
Bão số 2 (Danas) mạnh lên, dự báo đạt cường độ mạnh nhất trong 24 giờ tới
-
Tử vi tháng 7/2025: Tuổi Dần không ngại thử thách, tuổi Hợi vận may tài lộc
-
Từ ngày 1/7/2025, đăng ký xe như thế nào?
- Tử vi tháng 7/2025: Tuổi Dần không ngại thử thách, tuổi Hợi vận may tài lộc
- Tử vi tuần mới (30/6-6/7/2025): Tuổi Mão mở rộng ngoại giao, tuổi Tuất vận may tài lộc
- Tử vi tuần mới (23-29/6/2025): Tuổi Ngọ sự nghiệp phát triển, tuổi Thân nhân duyên khởi sắc
- Tử vi tuần mới (16-22/6/2025): Tuổi Thìn cơ hội bứt phá, tuổi Tỵ công danh dễ thành
- Tử vi tuần mới (9-15/6/2025): Tuổi Hợi tài lộc hanh thông, tuổi Dần quý nhân nâng đỡ
- Tử vi tuần mới (2-8/6/2025): Tuổi Thìn thành tích xuất sắc, tuổi Thân khả năng nổi bật
- Tử vi tháng 6/2025: Tuổi Tý cơ hội thăng tiến, tuổi Dậu tình duyên may mắn
- Bà Rịa - Vũng Tàu: Tôn vinh văn hóa đọc, kết nối cộng đồng