Ngành điện góp phần xóa đói giảm nghèo

07:05 | 23/05/2014

582 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ năm 1998-2013, trên tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, với nỗ lực, quyết tâm cao nhất, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn dành gần 50 ngàn tỉ đồng để triển khai các dự án điện theo Chương trình điện khí hóa nông thôn. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thông qua các dự án này, chất lượng hệ thống lưới điện đã được cải thiện đáng kể, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, xóa đói giảm nghèo... ở khu vực nông thôn. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy nỗ lực vượt khó của EVN!

Năng lượng Mới số 323

Thấy “lỗ” vẫn làm

Báo cáo đánh giá 15 năm thực hiện Chương trình điện khí hóa nông thôn của EVN cho thấy, cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, công cuộc điện khí hóa nông thôn Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ một hệ thống điện cũ nát, cung cấp điện thiếu hụt cho 87% số hộ dân, đến năm 2013, nhờ nỗ lực của EVN, trên 98% hộ dân, trong đó có 97% hộ dân sống ở nông thôn đã được sử dụng điện lưới quốc gia, với chất lượng ổn định, độ an toàn cao.

Đây có thể xem là kết quả rất đáng tự hào, đáng ghi nhận và điều này đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết 15 năm chương trình điện khí hóa nông thôn rằng: Điện khí hóa nông thôn đã phát triển vượt bậc, đặc biệt trong 15 năm gần đây. Tính đến năm 2013, nông thôn có điện hơn 97%, đây là thành tựu to lớn được quốc tế và nhà tài trợ đánh giá cao, góp phần phát triển đất nước, xóa đói giảm nghèo. Cụ thể: Giá trị sản xuất nông nghiệp từ năm 1998 đến 2013 đã tăng 6,6 lần; công nghiệp chế biến tăng 3,5 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng 8 lần…

Thi công kéo cáp điện ra đảo Phú Quốc

Cũng tại Hội nghị trên, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, thành công của Việt Nam đã được thế giới công nhận và rất nhiều nước mong muốn được học hỏi kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, các dự án cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đảm bảo trật tự an ninh quốc phòng, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nông dân nông thôn. Dự án cũng góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế các địa phương và tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn.

Đó chính là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của ngành điện, nhưng theo ông Nguyễn Tấn Lộc, Phó tổng giám đốc EVN, để đạt được kết quả như trên là chuyện không hề đơn giản, nó đòi hỏi ở ngành điện nói chung và EVN nói riêng phải nỗ lực, hy sinh rất nhiều. Ví dụ như Dự án Năng lượng nông thôn Việt Nam (RE1), Ngân hàng Thế giới đã khuyến cáo, nếu triển khai dự án, chỉ sau 2 năm, EVN sẽ lỗ tới 50 triệu USD. Nhưng với quyết tâm đưa điện về nông thôn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội tại một số địa phương, chuyện lỗ lãi đã không phải vấn đề ưu tiên hàng đầu. Dự án vẫn được thực hiện và kết quả thu về đã vượt xa mục tiêu cũng như kỳ vọng ban đầu mà dự án đề ra với 976 xã đã có điện, vượt 365 xã với hơn 550.000 hộ dân và được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những dự án thành công nhất mà tổ chức tài chính này tài trợ vốn.

Được biết, trong những năm gần đây, bên cạnh các dự án kéo điện về các xã vùng sâu, vùng xa, miền núi, EVN còn triển khai nhiều dự án đưa điện ra các xã, huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Có thể kể đến: Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô với tổng mức đầu tư gần 1.106 tỉ đồng; Dự án cấp điện cho huyện đảo Phú Quốc có tổng vốn đầu tư gần 2.339 tỉ đồng; Dự án cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm với tổng mức đầu tư 652 tỉ đồng... Đây đều là những dự án có vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả thu về lại rất thấp, thậm chí là tiền điện tiêu thụ hằng tháng không đủ trang trải chi phí quản lý và khấu hao tài sản.

Thách thức còn ở phía trước

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm chương trình điện khí hóa nông thôn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: Phát triển điện đi trước một bước, bảo đảm điều kiện cơ bản cải thiện đời sống nhân dân, an sinh xã hội chuyển dịch kinh tế nông thôn là một mục tiêu, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước từ khi đất nước thống nhất đến nay. Thực hiện chủ trương đó, trong mỗi bản kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các giai đoạn của Trung ương, của từng địa phương đều đưa mục tiêu điện khí hóa nông thôn là một mục quan trọng. Với nỗ lực to lớn của hệ thống chính trị, của toàn dân, chương trình điện khí hóa nông thôn đã đạt nhiều thành tựu, đặc biệt sau 15 năm triển khai, 97,5% số hộ dân đã có điện. Qua đó, ngành điện đã góp phần tích cực thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cải thiện đời sống người dân, đóng góp tới 30-40% vào phát triển kinh tế -  xã hội khu vực nông thôn...

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho rằng, thách thức với ngành điện khi thực hiện chương trình điện khí hóa nông thôn giai đoạn trước mắt còn rất lớn. Hiện cả nước còn 91 xã chưa được nối điện quốc gia, trong đó có 57 xã trắng về điện, có khoảng 550.000 hộ gia đình chưa được tiếp cận với điện. Mục tiêu chính phủ đề ra là đến năm 2015, 98% hộ gia đình nông thôn có điện, phấn đấu đến năm 2020, cơ bản 100% hộ dân nông thôn có điện. Tổng mức đầu tư lên tới gần 30.000 tỉ đồng. Bên cạnh việc đầu tư cấp điện mới cho các vùng chưa có điện, từ nay đến năm 2020, ngành điện còn cần khoảng 2,5-3 tỉ USD để cải tạo lưới điện trung, hạ áp nông thôn để giảm tỷ lệ tổn thất điện năng. Bởi hệ thống mạng lưới này được đầu tư từ những năm 90 của thế kỷ trước đến nay đã cũ nát và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao.

Trước những khó khăn này, Phó thủ tướng cảnh báo: “Việt Nam vẫn là nước thiếu năng lượng, khẩu hiệu “điện đi trước một bước” không bao giờ cũ. Ngày nào còn để thiếu điện cho nền kinh tế là còn có lỗi”.

Khó khăn, thách thức mà EVN phải đối diện khi thực hiện các dự án điện khí hóa nông thôn là vậy nhưng ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN khẳng định: Thời gian tới, EVN sẽ tiếp tục đưa điện đến các xã, thôn, bản và hộ dân chưa có điện, cùng với đó sẽ tiếp tục nâng cao năng lực cung cấp và đảm bảo chất lượng điện phục vụ chuyển đổi, phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp.

Trong thời gian 15 năm qua từ 1998-2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tập trung nhiều nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển lưới điện nông thôn từ các nguồn vốn KHCB của EVN, vốn vay thương mại, vốn vay ODA, vốn ngân sách trung ương với tổng số vốn đầu tư khoảng 50.000 tỉ trên địa bàn 62 tỉnh/thành phố (trừ TP Hồ Chí Minh). Trong đó riêng vốn vay ODA của các tổ chức quốc tế là hơn 2.500 triệu USD.

Là Tập đoàn kinh tế Nhà nước, EVN đã hoàn thành xuất sắc vai trò chủ đạo trong việc đầu tư lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, nâng tỷ lệ số xã, hộ dân có điện lưới từ 6.673/8.885 xã, đạt tỷ lệ 75,1% và 7,111/ 11,384 triệu hộ dân nông thôn, đạt tỷ lệ 62,5% (năm 1998) lên 9.002/9.086 xã có điện lưới, đạt tỷ lệ 99,08% và có 16,225/16,620 triệu hộ dân nông thôn có điện lưới, đạt tỷ lệ 97,62% (năm 2003)...


Thanh Ngọc