Ngân hàng số đường dài gian truân

10:45 | 15/04/2021

573 lượt xem
|
(PetroTimes) - Số hóa giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết kiệm 60-70% chi phí đồng thời tiếp cận sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số. Tuy nhiên, để trở thành ngân hàng số là cả một chặng đường dài gian truân. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới lược ghi ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia tại Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam” mới tổ chức tại Hà Nội.
Ngân hàng số đường dài gian truân

Bà Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Fintech, Hiệp hội Ngân hàng: Quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm

Kết quả khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Việt Nam cho thấy, 42% NHTM đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% NHTM đã và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh; 11% NHTM đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng; 70% các tổ chức tín dụng (TCTD) có mức độ sẵn sàng triển khai từ mức trung bình trở lên với các công nghệ: Thiết bị di động, kết nối dữ liệu mở theo giao diện chương trình ứng dụng; phân tích dữ liệu, chuẩn hóa tin điện theo chuẩn tin điện tử tài chính quốc tế ISO 20022; hỗ trợ khách hàng (chatbot, trợ lý ảo...). Trong đó phân tích dữ liệu là công nghệ được ứng dụng rộng rãi nhất trong nghiệp vụ tín dụng (trên 53% các TCTD).

Trong thời đại công nghệ số, mọi TCTD cần phải suy nghĩ như một nhà chiến lược, đổi mới như một công ty khởi nghiệp, thiết kế như một tập đoàn công nghệ, quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm.

Ngân hàng số đường dài gian truân

Ông Phạm Xuân Hùng - Trưởng ban Nghiên cứu và điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Còn nhiều khoảng trống pháp lý

Việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang gặp một số hạn chế, khó khăn như: Khoảng trống pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn nhiều; các cơ sở pháp lý mới chỉ tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính; bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng. Khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ.

Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập. Còn nhiều hạn chế về nguồn lực công nghệ thông tin trong phát triển ngân hàng số; công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (giữa các vùng miền) chưa được đẩy mạnh.

Ngân hàng số đường dài gian truân
Toàn cảnh Diễn đàn “Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam”

Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về các lĩnh vực: Định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng số.

Các NHTM cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi số; phân bổ nguồn lực phù hợp cho đầu tư công nghệ mới; đẩy mạnh quá trình số hóa ngân hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy.

Ngân hàng số đường dài gian truân

Ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng: Quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật

Công nghệ số đang dần thay đổi hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính - ngân hàng. Số hóa giúp các NHTM tiết kiệm từ 60-70% chi phí và tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.

Số hóa tạo ra thay đổi lớn trong ngành ngân hàng về trải nghiệm khách hàng, ngân hàng khó tính hơn, ít trung thành hơn; sự gia tăng các hoạt động phi trung gian, nói cách khác, vai trò trung gian của NHTM sẽ không còn là thế độc tôn trên thị trường mà được thay thế bởi cung ứng trực tuyến trên nền tảng công nghệ (platform của P2P lending hay P2P payment).

Sự xuất hiện các nguồn dữ liệu khổng lồ và được tích hợp xử lý thu thập tự động, phân tích bởi công nghệ Bigdata sẽ tạo ra bước ngoặt về phát triển doanh thu trên quy mô lớn. Công nghệ phát triển đòi hỏi sự thay đổi về môi trường pháp lý (quan điểm cởi mở) để hỗ trợ hợp lý cho sự phát triển của các mô hình hoạt động kinh doanh tài chính - ngân hàng mới.

Các NHTM Việt Nam hầu hết đang ở giai đoạn thứ 2 (chuyển đổi kỹ thuật số), đã triển khai ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số NHTM tiên phong. Để phát triển ngân hàng số trong tương lai, cần có quan điểm mở và cân bằng khuyến khích sáng tạo đổi mới trong hoạch định chính sách; cơ sở dữ liệu quốc gia và kết nối là nền tảng cho dịch vụ tài chính số.

Các NHTM cần thực hiện nghiêm ngặt các giải pháp về quản trị rủi ro, an ninh, bảo mật, bảo đảm dữ liệu người tiêu dùng; tận dụng công nghệ về đào tạo và đánh giá năng lực để giữ chân nhân tài; cần có chiến lược về cơ sở dữ liệu. Ngoài ra, sự hỗ trợ của Chính phủ về chính sách là điều không thể thiếu.

Kết quả khảo sát về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng Việt Nam cho thấy, 42% NHTM đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% NHTM đã và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh; 11% NHTM đã phê duyệt và đang triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng...

Xuân Phương

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc