Ngân hàng nhộn nhịp chốt danh sách cổ đông chia cổ tức, tăng vốn khủng

14:20 | 07/06/2023

779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong năm 2023, nhiều ngân hàng lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc bằng tiền mặt nhằm tăng vốn. Hiện tại, một loạt ngân hàng đã thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức.
Do đâu quy mô tổng tài sản một số ngân hàng giảm sau 3 tháng đầu năm?Do đâu quy mô tổng tài sản một số ngân hàng giảm sau 3 tháng đầu năm?
Nhiều ngân hàng rao bán từ xe sang đến phân bón để thu hồi nợ xấuNhiều ngân hàng rao bán từ xe sang đến phân bón để thu hồi nợ xấu

Ngân hàng dồn dập ngày chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng thông báo ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt.

Mới đây nhất, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng MB vừa có quyết định về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt. Theo đó, MB dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 15/6/2023 để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5% (1 cổ phiếu nhận được 500 đồng). Thời gian thực hiện chi trả cổ tức là ngày 10/7/2023.

Với hơn 4,5 tỷ cổ phiếu phổ thông đang lưu hành, MB dự kiến chi ra 2.267 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn có kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 6.801 tỷ đồng.

Ngân hàng nhộn nhịp chốt danh sách cổ đông chia cổ tức, tăng vốn khủng

Trước đó ít ngày, TPBank thông báo ngày đăng ký cuối cùng để chia cổ tức cho cổ đông là 12/6/2023 tới đây, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/6.

Cụ thể, TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 39,19%, từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối lũy kế đến năm 2021 là hơn 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022. Số cổ phiếu phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

Sau khi phát hành theo phương án trả cổ tức, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. Toàn bộ số vốn tăng thêm của TPBank sẽ được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống thông tin; bổ sung vốn trung dài hạn; bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng.

Ngân hàng ACB cũng vừa chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức vào ngày 2/6/2023 với tổng tỷ lệ 25%. Trong đó, ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%/cổ phiếu, tức 1 cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ngày thanh toán là 12/6/2023.

Bên cạnh đó, ACB cũng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15%, tức người sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 15 cổ phiếu mới. Số lượng phát hành dự kiến là hơn 506 triệu cổ phiếu.

Như vậy, sau 8 năm, cổ đông ACB mới được nhận được cổ tức bằng tiền mặt. Lần gần nhất ACB chi trả cổ tức bằng tiền mặt là vào năm 2015 với tỷ lệ 7% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 700 đồng). Với gần 896 triệu cổ phần lưu hành khi đó, ACB khi đó đã chi hơn 627 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014.

Ngày 30/5/2023, HDBank chốt xong danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt 10%. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/06 tới đây.

Ngoài ra, ngân hàng cũng có kế hoạch chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu trong thời gian tới.

Sau khi hoàn thành phương án nêu trên, vốn điều lệ của HDBank sẽ tăng lên 29.276 tỷ đồng.

Tương tự, ABBank cũng đã chốt danh sách cổ đông vào hôm 31/5 để tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10%.

Theo đó, tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra tháng 4/2023, ABBank xin ý kiến cổ đông về phương án phân phối lợi nhuận 2022.

Với lợi nhuận sau thuế là 1.353 tỷ đồng, Ngân hàng sẽ trích 5% cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% cho quỹ dự phòng tài chính và 2% cho quỹ khen thưởng, phúc lợi. Sau khi trích lập các quỹ, và với lợi nhuận còn lại của các năm trước chưa sử dụng, tổng lợi nhuận còn lại chưa phân phối là gần 2.483 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% theo nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 20/4/2022 là gần 940,95 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại chưa phân phối sau khi chia cổ tức là gần 1.542 tỷ đồng.

Việc được chia cổ tức bằng tiền mặt là thông tin vui cho các cổ đông khi được nhận “tiền tươi thóc thật” từ lợi nhuận mà ngân hàng làm ra.

Về bản chất, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu làm tăng số lượng cổ phiếu nhưng cũng đồng thời làm giảm mệnh giá cổ phiếu tương ứng. Về mặt kế toán, phần vốn sẽ chuyển từ phần lợi nhuận chưa phân phối sang vốn tự có, tổng vốn chủ sở hữu vẫn giữ nguyên.

Do đó, không xét trong dài hạn, thì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu không đem lại lợi ích gì đối với các cổ đông. Mặt khác, các cổ đông vẫn phải chịu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi bán số cổ phần này, bất kể là lãi hay lỗ. Thực tế là khi doanh nghiệp chia cổ tức bằng cổ phiếu, bản thân các chỉ số tài chính của doanh nghiệp như quy mô vốn, tài sản không thay đổi, chỉ có số lượng cổ phiếu lưu hành tăng thêm tuy nhiên giá trị giảm đi.

Những ngân hàng nói không với cổ tức

Ngân hàng nhộn nhịp chốt danh sách cổ đông chia cổ tức, tăng vốn khủng

Trái ngược với không khí sôi động trên, nhiều ngân hàng tiếp tục giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức trong nhiều năm nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn và phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Đơn cử tại PG Bank, trong năm 2023, ngân hàng tiếp tục không có kế hoạch tăng vốn điều lệ. Đây là năm thứ 13 liên tiếp PG Bank không tăng vốn điều lệ và năm thứ 11 liên tiếp không chia cổ tức. Trong năm 2010, ngân hàng từng thực hiện tăng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Đặc biệt hơn cả là trường hợp của Sacombank khi nhà băng này không thể chia cổ tức cho cổ đồng do đề án tái cơ cấu. Từ năm 2019 đến nay, ngân hàng vẫn liên tục trình phương án sử dụng lợi nhuận giữ lại và hiện đang chờ sự phê duyệt của ngân hàng nhà nước để triển khai thực hiện.

Hay tại Techcombank ghi nhận năm thứ 12 không chia cổ tức bằng tiền mặt. Ngân hàng cho biết lợi nhuận được giữ lại nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Lần gần đây nhất ngân hàng này phân phối lợi nhuận cho cổ đông là năm 2018, dưới hình thức cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 1:2.

Đặc biệt, ngân hàng MSB cho biết hiện không có kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu thưởng trong năm 2023. Ban lãnh đạo ngân hàng nhận định, tình hình thị trường cổ phiếu nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực từ xu thế lãi suất, yêu cầu chú trọng quản trị rủi ro cao từ cơ quan quản lý. Vì vậy, ngân hàng muốn giữ nguyên phần vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ như hiện tại để tạo nguồn vốn đệm vững chắc cho ngân hàng.

Bên cạnh các ngân hàng đã thông báo ngày chốt danh sách cổ đông, một loạt ngân hàng khác cũng mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận phương án tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, thưởng. Đây là thủ tục cuối cùng để các ngân hàng tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Mới đây nhất, NHNN có văn bản cho phép ngân hàng OCB tăng vốn điều lệ thêm 6.849 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Hồi cuối tháng 5/2023, NHNN đã chấp thuận việcVietcombank tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Tương tự, SeABank cũng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 5.500 tỷ đồng. Trong đó, SeABank sẽ tăng vốn thêm tối đa 2.952 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ xấp xỉ 14,5%.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Huy Tùng - Hoàng Long