Nga và Ả Rập Xê-út phản đối đề xuất năng lượng xanh của G20

11:06 | 23/07/2023

2,238 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo 3 nguồn tin xác nhận với Reuters hôm 21/7, những quốc gia khai thác nhiên liệu hóa thạch lớn, bao gồm Ả Rập Xê-út và Nga, đã phản đối đề xuất mới cho năm 2030 - yêu cầu những nước G20 nâng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo hiện có.
Nga và Ả Rập Xê-út phản đối đề xuất năng lượng xanh của G20
Bộ trưởng Năng lượng Nga và Ả Rập Xê-út trong một cuộc họp báo năm 2020

Trung Quốc, nước thải khí CO2 lớn nhất thế giới, cũng như những nước xuất khẩu than đá như Nam Phi và Indonesia, cũng phản đối kế hoạch này. Theo hai nguồn tin tham dự cuộc họp G20, Ấn Độ - Chủ tịch hiện tại của G20, đã đứng trung lập trong vấn đề này.

Cả ba nguồn tin đều từ chối tiết lộ danh tính vì nội dung đàm phán là bí mật.

Những cơ quan đối ngoại và quan hệ quốc tế của Ấn Độ đã không trả lời yêu cầu bình luận từ Reuters.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải hứng chịu tình trạng nắng nóng kỷ lục. Giới khoa học khẳng định đây là hậu quả của việc đốt nhiên liệu hóa thạch, gây biến đổi khí hậu.

Theo hai nguồn tin tham dự cuộc họp, các nước G7 đã đề xuất những mục tiêu năng lượng tái tạo này tại cuộc họp cấp bộ trưởng G20 ở Goa (Ấn Độ), dựa trên báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Một trong những nguồn tin đó cho biết, Nga và Ả Rập Xê-út đã từ chối chấp nhận mục tiêu nâng công suất của những loại năng lượng không có nguồn gốc hóa thạch, cũng như thời hạn bổ sung năng lượng tái tạo. Theo những quốc gia này, khí đốt tự nhiên là một phần quan trọng trong cơ cấu năng lượng của đất nước họ.

Một cuộc thảo luận về việc sản xuất hydro nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch khỏi nhiên liệu hóa thạch cũng đã nổ ra tranh cãi. Theo các nguồn tin, một số quốc gia thành viên đã kiến nghị đặt ra mục tiêu "hydro carbon thấp" thay vì "hydro xanh".

Trong khi hydro xanh được sản xuất bằng năng lượng tái tạo, thì "hydro carbon thấp" bao hàm loại hydro được sản xuất bằng khí đốt - nhiên liệu thải ít carbon hơn than đá.

Những bộ trưởng năng lượng đại diện cho các quốc gia thành viên của Nhóm 20 nền kinh tế lớn (G20) sẽ họp mặt lần cuối trước khi các nhà lãnh đạo đưa ra tuyên bố vào tháng 9 tại New Delhi.

Được biết, tại cuộc họp, những bộ trưởng này cũng đã thể hiện bất đồng quan điểm về cuộc chiến ở Ukraine.

Theo hai quan chức tham dự cuộc họp, sau nhiều giờ thảo luận về cách mô tả cuộc chiến tranh này, nước Nga - quốc gia gọi cuộc chiến trên là “một chiến dịch quân sự đặc biệt”, đã đề cập đến sự cố phá hoại hệ thống đường ống Nord Stream, lần đầu tiên tại buổi họp của G20.

Trong một cuộc tranh luận kéo dài 2 ngày, Liên minh châu Âu và Mỹ đã "tìm cách chỉ trích Nga" và nêu bật vấn đề mất an ninh năng lượng vì cuộc chiến ở Ukraine, theo một trong những nguồn tin.

Vị quan chức này cho biết: “Nga đã đáp trả. Họ nói rằng dòng chảy dầu toàn cầu đã thay đổi vì những biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt, đồng thời yêu cầu mở một cuộc điều tra quốc tế về vụ phá hoại đường ống”.

Theo cả ba nguồn tin, nếu thiếu sự đồng thuận, G20 có khả năng sẽ không đưa ra tuyên bố chung nào sau khi bế mạc kỳ họp vào ngày 22/7. Thay vào đó, họ sẽ công bố một bản tóm tắt những nội dung đối thoại quan trọng và điểm bất đồng.

“Nước cờ” sai lầm của Đức khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân“Nước cờ” sai lầm của Đức khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân
Chuyển sang năng lượng xanh: Thách thức lớn của IndonesiaChuyển sang năng lượng xanh: Thách thức lớn của Indonesia
Vì sao Nam Phi “chùn bước” trước năng lượng xanh?Vì sao Nam Phi “chùn bước” trước năng lượng xanh?

Ngọc Duyên

AFP