Suy ngẫm từ "tọa độ nóng" (Kỳ cuối)

06:34 | 13/06/2014

7,603 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cũng phải thêm chút thông tin về CNOOC để bạn đọc hiểu.Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (tên tiếng Anh: China National Offshore Oil Corporation, tiếng Trung: Zhōngguó Háiyáng Shíyóu Zǒnggōngsī) là một công ty dầu khí quốc gia lớn của Trung Quốc. CNOOC là công ty lớn thứ ba sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia CNPC (Công ty mẹ của PetroChina) và Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec).

>>Suy ngẫm từ tọa độ nóng (Kỳ 1)

>>Suy ngẫm từ tọa độ nóng (Kỳ 2)

Năng lượng Mới số 330

(Tiếp theo và hết)

CNOOC tập trung khai thác, thăm dò dầu thô và khí đốt ngoài khơi Trung Quốc. Đây là 1 trong 116 công ty nhà nước nằm dưới quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản Nhà nước của Quốc vụ viện (SASAC).

Khi Quốc vụ viện Trung Quốc thực hiện quy định về hợp tác với các đối tác nước ngoài trong khai thác tài nguyên dầu khí ngoài khơi ngày 30-1-1982, CNOOC đã được trao toàn bộ trách nhiệm và quyền hạn hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực này, trở thành công ty độc quyền trong khai thác dầu khí ngoài khơi.

Đặt trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh, CNOOC có tới 98.750 nhân viên và 6 chi nhánh, mỗi chi nhánh lại có nhiều chi nhánh con. Bốn chi nhánh đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, trong đó có CNOOC Ltd - công ty nắm những mảng kinh doanh chủ chốt của CNOOC là khai thác và sản xuất dầu ngoài khơi. CNOOC Ltd là chi nhánh lớn nhất trong 6 chi nhánh.

Được nhà nước thành lập tháng 2-1982 với vốn trực tiếp 48 tỉ USD, CNOOC được coi là cánh tay thương mại của chính phủ trong phát triển ngành khai thác dầu ngoài khơi trong lãnh thổ Trung Quốc thông qua liên doanh với nước ngoài. CNOOC độc quyền và có đầy đủ thẩm quyền trong ngành khai thác dầu khí ngoài khơi. Tổng giám đốc đầu tiên của CNOOC là Thứ trưởng Bộ Dầu khí. Về sau, CNOOC được giao cho Bộ Năng lượng quản lý và từ năm 1999, CNOOC cùng CNPC và Sinopec do Quốc vụ viện trực tiếp quản lý.

CNOOC hoạt động rộng khắp từ khoan dầu cho đến dịch vụ tài chính, vươn “vòi” ra khắp 5 châu lục để tìm cách thỏa mãn cơn khát dầu. Sản lượng dầu hằng ngày của CNOOC là 909.000 thùng năm 2011.

Về thực chất, CNOOC được thành lập để phục vụ một chính sách, chiến lược của Chính phủ Trung Quốc trong ngành dầu khí. Đó là “ra ngoài” để kiểm soát tài nguyên toàn cầu vì mục đích an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, dù bị xếp sau CNPC và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, CNOOC vẫn là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.

Lịch sử 30 năm của CNOOC đã chứng minh rằng, công ty này luôn tìm cách thực hiện nhiệm vụ chính phủ giao. Có thể nói, CNOOC là một tập đoàn luôn theo đuổi lợi nhuận thông qua độc quyền và phục vụ chính sách của chính phủ trong lĩnh vực dầu khí, trong đó có mục đích tham vọng là bành trướng trên thị trường dầu toàn cầu.

Hiện nay, CNOOC có các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi. Giàn khoan Hải Dương 981 là một tài sản hiện đại có khả năng này.

Hải Dương 981 lần đầu vận hành ở Biển Đông ngày 9-5-2012, tại vị trí cách Hongkong 320km về phía đông nam, ở độ sâu 1.500m. Với giàn khoan này, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tiên thăm dò dầu ở vùng nước sâu Biển Đông. Khi giàn khoan mới đi vào hoạt động, Chủ tịch CNOOC Vương Dĩ Lâm đã gọi giàn khoan nước sâu này là “lãnh thổ quốc gia di động” và là vũ khí chiến lược để thúc đẩy phát triển ngành dầu khí ngoài khơi của Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài để đi trong lĩnh vực này. Ông Christ Faulkner, Tổng giám đốc Công ty Dầu khí Breitling cho biết, CNOOC đang tìm cách mua những thứ mà họ còn thiếu.

Tiêu biểu cho các hoạt động ấy là việc CNOOC mua Nexen - một tập đoàn năng lượng của Canada - với giá 15,1 tỉ USD vào đầu năm 2013. Đây là thương vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc và cũng là một vụ mua bán gây nhiều tranh cãi ở Canada. Trong thương vụ này, có người trong giới phân tích cho rằng, ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở Biển Ðông.

Trước đó, năm 2005, tập đoàn này đề nghị mua Unocal - công ty dầu lớn thứ 8 tại Mỹ - nhưng đã thất bại vì Hạ viện Mỹ không tán thành việc mua bán đó bởi họ e ngại nó sẽ tác động xấu đến an ninh Mỹ dù Unocal chỉ chiếm 0,8% số lượng dầu sản xuất tại đây. Unocal sau đó đã được bán cho Chevron, công ty dầu khí lớn thứ hai tại Mỹ, với giá 17,1 tỉ USD - ít hơn giá mà CNOOC đề nghị là 18,5 tỉ USD.

Có người trong giới phân tích cho rằng, ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc trong cơn khát dầu, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở Biển Ðông.

Hiện nay, CNOOC được trang bị các phương tiện, kỹ thuật hiện đại có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi mà giàn khoan Hải Dương 981 là một ví dụ.

Thấy tôi làm báo của ngành Dầu khí, một số anh em trên tàu rất vui, đặc biệt là Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng. Anh kể rằng, năm 2012, tàu của anh là tàu 2007 đã đi bảo vệ tàu Bình Minh 02, tàu Viking thực hiện các chuyến khảo sát thăm dò về dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Chuyến đi đó kéo dài 5 tháng.

Đại úy, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng là con nhà nòi. Thân phụ anh là thuyền trưởng tàu không số, Hưng là Thuyền trưởng tàu 8003, còn em trai là thủy thủ tàu ngầm mới đi học ở Nga về và hiện nay đang là thủy thủ trên một trong hai chiếc tàu ngầm mới của hải quân ta.

Những ngày vừa qua, trên tàu 8003 lúc nào cũng có phóng viên. Thuyền trưởng Hưng, Chính trị viên Trung và một số anh em khác đã được phóng viên phỏng vấn, quay phim. Tôi nói đùa với anh, sau những chuyến đi này, anh em trên tàu có khi trở thành diễn viên truyền hình chuyên nghiệp.

Tàu 8003 là tàu của Cảnh sát biển vùng 1. Thuyền trưởng Hưng kể rằng, các anh nhận lệnh ra đấu tranh ở nơi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép này vào lúc 11 giờ trưa và hơn 15 giờ đã nhổ neo. Anh em chỉ có gần 4 tiếng đồng hồ để chất lên tàu dầu cả trăm tấn nước, lương thực, thực phẩm đủ cho hàng chục người ăn trong nhiều ngày. Mọi người đúng là phải “vắt chân lên cổ” chạy cho kịp. Chỉ sau 4 tiếng đồng hồ từ khi nhận lệnh, tàu 8003 đã nhổ neo.

Thuyền trưởng Hưng tiết lộ cho tôi biết, số lương thực trên tàu đã gần cạn kiệt vì số lượng khách là phóng viên, nhà báo, các đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển nên tàu đã tăng gấp đôi quân số. Nghe anh nói vậy, tôi rất ngạc nhiên vì tôi thấy ngay sau khi lên tàu, Chính trị viên Nguyễn Huy Trung đã mời các nhà báo đi tắm, rồi nhận phòng để nghỉ ngơi. Nhưng đến chiều hôm ấy, thấy Thuyền trưởng Hưng thông báo: Đúng 17 giờ 30, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ trên tàu đi tắm thì khi ấy tôi mới ngã ngửa ra rằng, trên tàu đang thực hiện tiết kiệm nước. Cán bộ, chiến sĩ phải 3 ngày mới được tắm giặt một lần và cũng chiều hôm đó, các “tay kéo vàng” của tàu 8003 đã cắt tóc cho hàng chục người, trong đó có 6 phóng viên. Một người được anh em phong cho biệt danh “Tri tôn đệ nhất kéo” là Thượng úy Nguyễn Đình Thường thì cắt tóc cho tôi...

Quản Trọng Dương, Thuyền trưởng tàu 2016

Trong đoàn phóng viên có một phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam đã ra đây gần 20 ngày. Anh tên là Thắng, anh có bộ râu rất nghệ sĩ nên mọi người gọi là Thắng “râu”.

Thắng kể rằng, ít hôm trước anh đi tàu kiểm ngư, thiếu nước đến mức 6 ngày mới được tắm. Đến khi sang tàu 8003, được tắm thôi mà anh thấy mình trẻ hơn cả chục tuổi.

Đúng là với người đi biển, đói ăn thì có thể chịu được, nhưng thiếu nước uống thì quả thực là cực hình.

Mặc dù, trên tàu 8003 có hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt nhưng với số lượng người quá đông, anh em vẫn phải dè sẻn, thủy thủ, cán bộ, chiến sĩ trên tàu vẫn phải “nhịn… tắm đãi khách”.

Có ra đến đây, nhìn cảnh tàu Trung Quốc bao vây, chèn ép tàu ta tầng tầng lớp lớp, sẵn sàng ủi, va, húc, dùng vòi rồng tấn công thì mới thấy hóa ra các cụ có câu “thâm như Tàu” thật chẳng sai chút nào. Tất cả các tàu cá, tàu hải giám, hải cảnh, ngư chính của Trung Quốc đều được chế tạo để tham gia những cuộc chiến không tiếng súng trên biển như thế này. Hầu hết các tàu Trung Quốc đều có động cơ mạnh hơn, vỏ thép dày hơn, kết cấu chắc hơn và kể cả tàu cá cũng được trang bị những thứ để sẵn sàng gây thương tích cho tàu ta. Nhìn những con tàu kiểm ngư Việt Nam cũ kỹ, ì ạch chạy trên biển, khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, rồi phun vòi rồng thì mới thấy anh em kiểm ngư quả thật là vô cùng dũng cảm. Các tàu cảnh sát biển thì trang bị khá hơn, khả năng luồn lách tốt hơn và có sự phối hợp tác chiến trên biển tốt nên có thể tránh được tàu Trung Quốc.

Ở trên tàu, chúng tôi được anh em thủy thủ chăm sóc cho từng ly, từng tý và tạo mọi điều kiện để anh em tác nghiệp. Nhưng điều khổ nhất là anh em phóng viên có ảnh, có tin mà không gửi về được, rồi khi gửi về rồi thì lại phải qua các khâu biên tập. Mỗi tin, bài viết xong đều được một cán bộ chính trị của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đi theo tàu duyệt, khi gửi về lại phải duyệt một lần nữa, rồi mới gọi cho nhân viên tòa soạn đến lấy tin. Nhiều khi một bức ảnh, một đoạn clip gửi về đến tòa soạn chậm đến 1, 2 ngày.

Lúc đầu nghe chuyện đó thì anh em phóng viên có khó chịu, vì bây giờ, chuyện làm báo chỉ hơn nhau ở tốc độ, cứ chậm rề rề như thế này thì còn gì là tính thời sự, tin “hot”, nữa. Nhưng đến khi nghe anh em phân tích, chúng tôi mới thấy rằng, quả thật là không làm vậy không được. Anh em phóng viên báo chí nhiều khi cũng viết vội, viết không đúng thuật ngữ chuyên môn, rồi nhiều khi lên cabin nghe lỏm cán bộ chỉ huy trao đổi câu được, câu chăng, rồi lại phóng bút viết.

Có lẽ lao động vất vả nhất trong số các phóng viên trên tàu những ngày qua là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam. Không những phải bám sát sự kiện ở các mũi mà họ còn phải tổng hợp thông tin, rồi lại dựng phim, chuyển về cho kịp các chương trình thời sự. Có thể nói, mỗi dòng tin tường thuật từ vùng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có giá trị vô cùng lớn.

Cán bộ, chiến sĩ trên tàu hầu hết là sĩ quan đã tốt nghiệp các trường hải quân. Số anh em đã có gia đình cũng rất nhiều. Nhưng hỏi ra mới biết, đúng là quá nhiều những trường hợp có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Nỗi lo lớn nhất của các anh là di chuyển địa bàn, có khi đang ở phía bắc lại chuyển vào nam, có khi đóng quân ở một nơi, gia đình ở một nơi, vợ theo chồng vào nơi ở mới không nhà, không cửa, không công ăn việc làm. Có rất nhiều anh em có hoàn cảnh khó khăn nhưng không nói ra. Người duy nhất có thể tiết lộ cho chúng tôi biết những khó khăn ấy là chính trị viên của các tàu.

Một cán bộ chính trị của Cảnh sát biển Vùng 2 kể cho tôi nghe rằng, trên tàu 2016 có Chính trị viên Nguyễn Quốc Huy, quê ở Lệ Thủy, Quảng Bình. Khi anh nhận lệnh ra Hoàng Sa thì cũng là lúc vợ anh phải vào viện để chữa bệnh ung thư giai đoạn 2. Chị mới sinh cháu thứ hai thì phát hiện ra khối u ung thư, thế là phải mổ cắt bỏ. Rồi vừa lành vết mổ thì phải ra Viện K ở Hà Nội để điều trị bằng hóa chất. Chi phí cho cuộc mổ và điều trị hóa chất ngót nghét gần 200 triệu, bảo hiểm thanh toán được một phần ba. Hai đứa con, một cháu lên ba, một cháu mới sinh do ông bà nội chăm sóc.

Tôi hỏi anh Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển rằng, tại sao trên tàu nào cũng có cán bộ chính trị của Bộ Tư lệnh đi cùng, có phải lần này công tác Đảng, công tác chính trị được quan tâm đặc biệt. Anh nói: Thực ra trong lực lượng vũ trang, công tác Đảng, công tác chính trị luôn được coi trọng và chính lúc này, người cán bộ chính trị càng phải theo sát anh em.

Không chỉ riêng cán bộ chính trị, trong những ngày này, các tàu Cảnh sát biển thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền ở vùng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan đều được tăng cường các cán bộ từ Bộ Tư lệnh, Ban Chỉ huy vùng và tăng cường thêm cả bác sĩ, cán bộ tuyên huấn.

Ở trên tàu 8003 được 3 ngày, chúng tôi lại chuyển sang tàu 8001. Đây là con tàu hiện đại nhất của Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu được đóng theo thiết kế và giám sát thi công của Hà Lan. Đây là một con tàu cứu hộ đa năng, làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, chở hàng và còn có một bệnh viện nhỏ với trang thiết bị đủ để các bác sĩ trên tàu có thể thực hiện các ca trung phẫu hoặc thực hiện các ca mổ do bác sĩ trong đất liền chỉ huy qua truyền hình vệ tinh.

Quả thật, khi lên tàu 8001, chúng tôi có cảm giác như đi vào một khách sạn. Tàu chạy nhanh, êm, toàn bộ khoang tàu có điều hòa nhiệt độ mát rượi, một hạt bụi cũng không chui được vào. Đối với anh em phóng viên thì nhiều khi sự sướng quá cũng cản trở việc viết lách. Anh em phóng viên chỉ muốn vào tận nơi để chứng kiến những hành động ngang ngược, côn đồ của Trung Quốc. Nhưng vì chức năng, nhiệm vụ của tàu 8001 lại không phải như vậy nên suốt mấy ngày trên tàu 8001, anh em phóng viên ít được chứng kiến các cảnh đó.

Anh em phóng viên nói đùa rằng, ở trên tàu 8001 như là được một chuyến đi nghỉ dưỡng, du lịch. Nghĩ thật chẳng công bằng! Trong khi các anh em trên tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển khác luồn lách, len lỏi, áp sát vào giàn khoan để gọi loa tuyên truyền, khẳng định chủ quyền biển đảo của ta thì chúng tôi lại ở tận ngoài này, chứng kiến mọi thứ từ khoảng cách xa tít. Rồi cũng từ tàu này, chúng tôi chứng kiến cảnh các tàu của Trung Quốc vây ép, dồn tàu của ta và tấn công bằng vòi rồng, bằng những cú “cắn, đớp” với sức mạnh của động cơ và độ rắn chắc của sắt thép.

Và trong lúc chúng tôi đang được làm việc trên con tàu hiện đại thì tại nhiều con tàu của Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cán bộ, chiến sĩ và anh em phóng viên đang phải chịu đựng rất nhiều thiếu thốn, gian khổ. Có đơn vị như tàu 2016, anh em phải hứng nước thải của điều hòa nhiệt độ để sinh hoạt, phải lấy cả phòng bếp vừa làm buồng ngủ, vừa nấu ăn… Nhưng con tàu loại này chỉ trên  dưới 200 tấn nên khi sóng biển cấp 3 cấp 4 là tàu bị lắc như lên đồng. Bữa cơm nào cũng nhão nhoét, nhiều khi anh em phải ăn lương khô… Rồi chúng tôi cùng anh em thủy thủ, thuyền viên trên tàu 8001 lặng người đi khi nhìn thấy tàu 2016 bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm bẹp cả mũi tàu và thủng 4 lỗ.

Làm vệ sinh trên tàu 8001

Một ngày sau, chúng tôi được lệnh trở về và trên chính con tàu 2016.

Thuyền trưởng Quản Trọng Dương và Chính trị viên Nguyễn Quốc Huy đón chúng tôi từ dưới xuồng lên với thái độ rất ân cần, chu đáo. Sự đón tiếp của các anh làm chúng tôi cũng thấy ngại quá…

Đêm hôm ấy, chúng tôi trở về trên con tàu mang đầy thương tích.

Biển động. Con tàu nghiêng ngả trườn đi trên mặt biển sóng dồn lên như gò, đống.

Lại những cảnh anh em nhường chỗ ngủ cho phóng viên, còn mình thì nằm vạ vật dưới sàn tàu, trên hành lang. Và 5 giờ sáng, anh em đã dậy nấu cơm - bếp nấu được đặt ngay đầu giường nằm. Nói là “giường” cho oai, chứ thực ra là anh em xếp những hòm hàng đã hết lại, trải chiếu lên và thế là thành… giường.

Tôi đứng ở đuôi tàu 2016, nhìn những ánh đèn trên cái “gai 981” mờ dần, mờ dần… Và tự hỏi, tại sao một đất nước Trung Hoa vĩ đại lại nảy sinh ra những người lãnh đạo bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp đạo lý và không hề có tư cách, nhân cách của một cường quốc như vậy?

Tại sao? Vì cái gì mà họ lại làm như thế?

N.N.P