Suy ngẫm từ "tọa độ nóng" (Kỳ 2)

09:09 | 10/06/2014

4,984 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đêm hôm trước, chúng tôi đi từ Đà Nẵng tới khu vực “tọa độ nóng”, hay cánh báo chí gọi là nơi “nước nóng nhưng chưa sôi”, trên con tàu Cảnh sát biển 2013 vẫn còn mang đầy thương tích do những trận tao ngộ chiến với tàu Trung Quốc. Trên tàu chật ních những người, ngoài số thủy thủ, trên tàu có đến 30 nhà báo, trong đó có cả 4 nhà báo của các hãng thông tấn quốc tế lớn mà nhiều nhất là phóng viên của Nhật Bản.

>>Suy ngẫm từ tọa độ nóng (kỳ 1)

Năng lượng Mới số 329

Ngoài ra, còn có một anh phóng viên của kênh truyền hình CNN đi độc lập. Không hiểu anh chàng này đã ở châu Á bao lâu mà dùng đũa rất thành thạo. Nhìn anh ăn cơm với cá kho mà chúng tôi rất ngạc nhiên.

Cán bộ, chiến sĩ trên tàu đã phải nhường chỗ cho các phóng viên ngủ nhưng vẫn chưa đủ chỗ, mọi người phải ngủ lăn lóc trên sàn tàu. Theo thuyền trưởng Tuấn Anh, tàu mang nhiều thực phẩm không chỉ để nuôi anh em trên tàu, mà còn để cho các tàu bạn đang hoạt động ngoài đó.

Anh em trên tàu có cách giữ cải bắp rất lạ. Mỗi cây cải bắp được bọc kỹ bằng giấy báo bên ngoài, rồi treo lên. Lớp giấy báo sẽ làm héo lớp lá bên ngoài. Chính lớp lá héo này đã ngăn sự thoát nước của các lớp lá bên trong. Không cần hầm lạnh, tủ lạnh, cải bắp bảo quản theo cách này vẫn giữ được khoảng 20 ngày.

Tàu 2013 là tàu cao tốc của Cảnh sát biển Việt Nam. Trong những ngày vừa qua, tàu 2013 hoạt động như một người lính xung kích trên mặt biển. Chính vì vậy mà tàu 2013 là mục tiêu tấn công của các tàu Trung Quốc. Trong một trận bị ba tàu hải tuần của Trung Quốc vây ép, tàu 2013 đã cố luồn lách, tránh né để tránh đụng độ, nhưng vẫn bị một tàu hải cảnh húc bay 10m lan can, thân tàu sứt sẹo, nhiều chỗ móp, méo. Sau khi về bờ sửa chữa, bảo dưỡng vài ba ngày, tàu lại ra khơi.

Ảnh lớn: 3 tàu Trung Quốc đang vây ép 1 tàu kiểm ngư của Việt Nam. Ảnh nhỏ:Đại úy Nguyễn Văn Hưng Thuyền trưởng tàu 8003

Theo kế hoạch, đoàn phóng viên chúng tôi được chia ra nhiều tàu khác nhau. Khi ra đến hiện trường, chúng tôi lại được chuyển sang một con tàu khác lớn hơn. Đó là tàu Cảnh sát biển 8003. Con tàu này đã được Cảnh sát biển Hàn Quốc sử dụng ngót 30 năm và nhượng lại cho Việt Nam. Khi nhận tàu về, chúng ta đã sửa chữa, cải hoán cho phù hợp với điều kiện sử dụng ở vùng biển Việt Nam. Nhưng sự già nua của nó vẫn hiện rõ trên tàu. Mỗi lần tàu nổ máy, khói đen mù mịt. Một số trang thiết bị trên tàu vẫn vận hành tốt, nhưng hệ thống điều hòa nhiệt độ, các khu vệ sinh thì đã xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh của chúng ta, thế đã là tốt lắm rồi.

Có ra đến nơi này, tận mắt chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc giăng như một bức tường thành và thái độ hung hãn của tàu Trung Quốc mỗi khi thấy tàu Việt Nam tới gần, trong lòng tôi tự hỏi tại sao người Trung Quốc bây giờ lại thế này?

Tiếng loa từ tàu Trung Quốc vọng lại rõ mồn một: “Yêu cầu các tàu Việt Nam tuân thủ theo Công ước quốc tế và rời khỏi vùng biển của chúng tôi”.

Thật quái gở! Không biết phía Trung Quốc đang thực thi công ước quốc tế nào ở vùng biển của chúng ta? Nếu thực thi theo Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 thì rõ ràng quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam. Hành động của phía Trung Quốc khi đến vùng biển này chỉ có thể dùng ngôn từ là “cướp đất”, “cướp biển”. Các cụ xưa có câu “vừa ăn cướp vừa la làng”. Ngẫm thái độ của Trung Quốc hiện nay sao mà đúng thế! Họ đã đi cướp đất, lại còn vu cáo cho Việt Nam cản trở. Họ đâm chìm tàu của ta, rồi lại dựng chuyện là tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc.

Có lẽ bà Hoa Xuân Doanh và ông Hồng Lỗi là những người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là người đứng đầu danh sách về việc dối trá, nói sai sự thật không thấy ngượng.

Thật kỳ lạ! Một đất nước luôn nói về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín lại có lối hành xử rất không quân tử như hiện nay. Rõ ràng tham vọng độc chiếm Biển Đông đã khiến Trung Quốc bất chấp đạo lý, bất chấp cả những luật pháp quốc tế.

Nhưng những người lãnh đạo Trung Quốc trong thời kỳ cận đại (thôi thì cứ tạm tính từ 1970 trở lại đây) thì hình như họ chẳng cần phải giữ gìn chữ “tín” với thiên hạ làm gì. Và có lẽ trên thế giới này, trong số các quốc gia mà lãnh đạo “nói một đằng, làm một nẻo”, “tiền hậu bất nhất” thì chắc hẳn Trung Quốc phải là nước đứng đầu.

Hơn hai mươi năm qua, chúng ta đã tin vào phương châm hành xử mà các thế hệ lãnh đạo trước đây đề ra nào là quan hệ 4 tốt: “Láng giềng tốt, Bạn bè tốt, Đồng chí tốt, Đối tác tốt”, rồi hành xử theo phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”.

Đại tá Trần Văn Hậu, Chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển Vùng 1 sinh hoạt chính trị với cán bộ, chiến sĩ tàu 8003

Nhưng việc Trung Quốc gây sự ở Biển Đông trong vài ba năm trở lại đây, như cắt cáp tàu Bình Minh 02, bắt ngư dân Việt Nam, ra lệnh cấm đánh bắt cá và đỉnh điểm là đưa giàn khoan 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với cả trăm tàu hộ vệ, thậm chí có cả tàu hộ vệ mang tên lửa, thì đã nói lên điều gì? Sự thực này nói lên rằng, Trung Quốc đang ăn cướp: Cướp đất, cướp tài nguyên và trắng trợn thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Trở lại lịch sử, Trung Quốc đã nhiều lần phản bội nhân dân Việt Nam.

Năm 1972, khi Ních-xơn sang Trung Quốc ký Hiệp định Thượng Hải, trong đó có điều khoản Trung Quốc sẽ làm ngơ cho Mỹ tấn công Việt Nam. Hậu quả là từ tháng 5-1972, Mỹ mở rộng tấn công ra miền Bắc với mức độ khốc liệt, tàn bạo và dữ dội hơn. Đến tháng 12-1972, Mỹ mở chiến dịch “Sấm rền” mang máy bay B52 ném bom rải thảm ở thủ đô Hà Nội.

Dĩ nhiên là “ông mất chân giò, bà thò nậm rượu”, Trung Quốc làm ngơ cho Mỹ tấn công Việt Nam thì 2 năm sau, Mỹ cũng làm ngơ để Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.

Có thể nói rằng trước năm 1974, Trung Quốc không có gì trong khu vực Biển Đông ngoài vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc trước đó. Trên các bản đồ, thư tịch để lại, từ xưa, lãnh thổ của Trung Quốc chỉ được tính đến hết đảo Hải Nam.

Không chỉ thỏa thuận với Mỹ, Trung Quốc còn xúi giục, viện trợ cho Pol Pot đánh Việt Nam ở phía tây nam. Rồi khi âm mưu này thất bại, chính quyền Pol Pot bị đập tan, Trung Quốc lại tấn công Việt Nam từ biên giới phía bắc.

Có thể nói, bao nhiêu năm qua, Trung Quốc chưa khi nào từ bỏ âm mưu khống chế Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau và độc chiếm Biển Đông.

Sở dĩ Trung Quốc quyết liệt trong vấn đề Biển Đông là vì Trung Quốc muốn cướp tài nguyên ở khu vực này. Đặc biệt là dầu khí. Chả thế mà Chính phủ Trung Quốc đã chi cho Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương (CNOOC) hơn 100 tỉ USD, để công ty này chế tạo giàn khoan khủng và ngang ngược thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế ở Việt Nam. Một yếu tố nữa là  2/3 lượng hàng hóa thế giới được vận chuyển qua Biển Đông, vì vậy, chiếm được Biển Đông về mặt chiến lược có ý nghĩa vô cùng to lớn, đặc biệt là với một quốc gia mà tham vọng lãnh thổ và chủ nghĩa bành trướng đã ngấm vào máu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Gần đây, trước hành động cướp đất một cách trắng trợn, bất chấp đạo lý, bất chấp luật pháp quốc tế, bất chấp những gì mà lãnh đạo 2 nước đã thỏa thuận trước đây của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, dư luận đặt ra vấn đề chúng ta cần phải xem xét lại phương châm 4 Tốt và cả 16 chữ!

Phóng viên Điện ảnh QĐND tác nghiệp tại Hoàng Sa

Quả thật, có thể khẳng định, từ năm 2000 đến nay, chúng ta đã quá tôn trọng vào phương châm này mà lãnh đạo hai bên đã ký kết. Và chúng ta cũng đã hy vọng rằng những người lãnh đạo của Trung Quốc là những người giữ chữ “tín” không thể nào nói lời mà lại nuốt lời được. Hơn nữa, chúng ta cũng tin vào cái gọi hai nước vẫn đang là “chủ nghĩa xã hội” - mặc dù Trung Quốc nói rằng, họ đang xây dựng một “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.

Vậy “màu sắc Trung Quốc” là màu gì? Nếu nhìn từ sự kiện giàn khoan  Hải Dương 981, thì đó là “màu sắc” của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa sô vanh nước lớn. Và Trung Quốc vẫn đang thực hiện một cách trung thành theo Đặng Tiểu Bình “mèo trắng hay mèo đen, mèo nào bắt được chuột là tốt”.

Chúng ta càng cố gắng thực hiện theo các phương châm ngoại giao đó, cố gắng gìn giữ và nín nhịn, nhưng càng nín nhịn bao nhiêu, Trung Quốc càng lấn tới bấy nhiêu.

Vậy với cách hành xử của Trung Quốc như thế, chúng ta có nên gọi họ là “đồng chí” nữa hay không? Có nên giữ 4 Tốt và 16 chữ nữa hay không? Nhưng phương châm này, nghe thật là hữu nghị, nhưng cuối cùng, với Trung Quốc, cũng chỉ là thứ bình phong che đậy bộ mặt thật của họ.

Mặc dù, hiện nay Trung Quốc đang đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tăng hàng chục lần so với khi mới bình thường hóa quan hệ (năm 1991), nhưng với Trung Quốc, mục tiêu kinh tế, bảo đảm cho các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn ở Việt Nam hoặc phát triển kinh tế ở Việt Nam chỉ là mục tiêu thứ yếu, không quan trọng. Mục tiêu bất di bất dịch của Trung Quốc là phải chiếm được Biển Đông và biến Việt Nam thành một nước chư hầu, còn vị trí địa lý của Việt Nam thì trở thành phên giậu cho Trung Quốc. Đây là một âm mưu thâm căn cố đế và không thể thay đổi của Trung Quốc qua tất cả các thời kỳ. Chỉ có khác là vào những thời kỳ lịch sử khác nhau, Trung Quốc có phương châm và cách hành xử khác nhau.

Phóng viên CNN tác nghiệp trên tàu 8003

Nói về việc Trung Quốc giở những ngón “võ bẩn” thì từ xưa đến nay, sử sách ta đã ghi lại không biết bao nhiêu chuyện về cái gọi là sự “thâm” của người Trung Quốc.

Khi lãnh đạo ký tuyên bố chung về phương châm 16 chữ và 4 Tốt, quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có sự phát triển. Việt Nam đã có một thời kỳ cố gắng tin tưởng Trung Quốc sẽ tôn trọng những tuyên bố chung đã ký kết. Nhưng bây giờ, đến thời của Tập Cận Bình đã xé vụn 16 chữ và cả phương châm 4 Tốt ném vào sọt rác.

Con dân nước Việt rất xúc động và đồng tình trước lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa qua tại các diễn đàn, hội nghị quốc tế. Và những lời của Thủ tướng đã thể hiện rằng: Chúng ta không còn tin vào cái gọi là “tình hữu nghị” của Trung Quốc và quan điểm của Thủ tướng là không đánh đổi chủ quyền quốc gia lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc.

Đây thực sự là tiếng nói đanh thép, là lời hịch kêu gọi toàn dân đoàn kết, bảo vệ Tổ quốc của người đứng đầu chính phủ và công bố cho  thế giới thái độ kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Khi nghe tin tôi đến vùng biển Hoàng Sa, nhiều cán bộ trong ngành khoan, thăm dò của Tập đoàn Dầu khí đã nói với tôi rằng, không có cách nào trong nửa tháng có thể khoan một lỗ khoan sâu 2.000-3.000m như Trung Quốc đã huyênh hoang tuyên bố. Họ chỉ có thể khoan thăm dò địa chất, chứ không thể khoan thăm dò dầu khí. Bởi lẽ, nếu khoan thăm dò địa chất thì khá đơn giản, còn khoan tìm dầu, lại là chuyện khác. Một giếng khoan sâu khoảng 3.000m, mất ít nhất 3 tháng và chi phí không dưới 400 triệu USD.

“Tri Tôn đệ nhất kéo” Vũ Văn Thành cắt tóc cho PV Báo Năng lượng Mới trên tàu CSB 8003

Và sự thật là Trung Quốc mới chỉ đặt giàn khoan khoảng 20 ngày đã lại kéo đi chỗ khác. Qua quan sát của các chiến sĩ Cảnh sát biển, trong những ngày vừa rồi, giàn khoan 981 có hoạt động. Nhưng họ kéo giàn khoan đến vùng biển này ngày 2-5, 7 ngày sau họ định vị xong, đến ngày 27-5, họ kéo giàn khoan ra phía đông nam thì đã có chuẩn bị thu xích neo trước đó 3 ngày. Trong vòng hơn chục ngày, mà nói đã khoan thăm dò được một giếng thì đúng là điều không tưởng. Nhìn trên hải đồ thì thấy rất rõ, đảo Tri Tôn là một hòn đảo ngập nước, trong bán kính 500m từ tâm đảo, độ sâu là từ 46-146m, nhưng chỉ cần ra xa thêm 1 hải lý thì độ sâu đã là 900-1.300m. Nói cách khác, đảo Tri Tôn như đỉnh núi, vị trí Trung Quốc đang đặt giàn khoan là sườn núi.

Tiến sĩ Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định rằng, Trung Quốc đã đặt một viên gạch vào đấy, rồi tuyên bố với thế giới rằng Trung Quốc đã có chủ quyền ở vùng biển này. Đó thực chất là một hành động ăn cướp.

Các cán bộ dầu khí có kinh nghiệm về địa chất vật lý, địa chất đáy biển giải thích cho tôi rằng, theo cấu tạo địa chất thì khu vực Hoàng Sa không có dầu, hoặc nếu có thì cũng chỉ có khí đốt dạng đá phiến, ở độ sâu trên 3.000m. Trình độ khai thác dầu khí của Trung Quốc hiện nay chưa đủ sức khai thác loại khí  dạng đá phiến này.

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ GỬI QUÀ CHO CẢNH SÁT BIỂN

1. TCT Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP): 30 triệu đồng.

2. TCT Cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO): 25 triệu đồng.

3. TCT Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam  (PVI): 50 triệu đồng.

4. TCT Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC): 50 triệu đồng.

5. Báo Năng lượng Mới: 40 triệu đồng.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong