NATO không “hiếu chiến” với Nga?

10:00 | 10/07/2016

1,000 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh NATO đã kết thúc vào tối 9/7 ở Warsaw với một số kết luận cụ thể đáng chú ý. Nhìn chung, không khí “hiếu chiến” không đạm nét như giới quan sát dự đoán trước đó.
nato khong hieu chien voi nga
Chủ tịch đoàn Hội nghị thượng đỉnh NATO

Lãnh đạo các quốc gia thanh viên đồng ý gia hạn sứ mệnh phi chiến đấu ở Afghanistan, sử dụng máy bay có hệ thống cảnh báo sớm AWACS trong các hoạt động chống khủng bố mà không cần xâm nhập lãnh thổ Syria và Iraq, và thông qua một gói các biện pháp hỗ trợ của Ukraine.

Họ cũng đồng ý giữ mối quan hệ với Nga theo lập trường “phòng ngự và đối thoại”.

Không chống lại Nga

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng mối quan hệ với Moscow sẽ được đặt trên cơ sở "phòng ngự và đối thoại". Bên cạnh đó, lãnh đạo của các nước thành viên NATO lưu ý rằng NATO cam kết bảo toàn mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào cách hành xử của Moscow.

Trong bài phát biểu của mình, các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh rằng các quyết định của hội nghị thượng đỉnh NATO không đe dọa và chống lại Nga; sự gắn kết giữa Moscow và Brussels vẫn cực kỳ quan trọng và cần thiết.

"Tôi, đại diện cho nước Pháp, xin nói rằng trong mối quan hệ với Nga, chúng ta phải thể hiện sự cứng rắn khi cần thiết, đồng thời cũng cần phải tiến hành đối thoại. Sự cứng rắn cho phép đối thoại và đối thoại giúp tìm ra giải pháp. Điều quan trọng là ngay từ đầu hội nghị chúng ta đã khẳng định rằng NATO không phải là một mối đe dọa, NATO không có kẻ thù, nhưng chúng ta cũng cần phải củng cố năng lực phòng thủ của mình" - Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu.

"Hội nghị thượng đỉnh này không nhằm chống lại bất cứ ai. Một số phóng viên cho rằng NATO tổ chức hội nghị thượng đỉnh này nhằm chống lại Nga. Thực chất, đây chỉ là một hội nghị thượng đỉnh bình thường của các thành viên NATO, để cho thấy rằng chúng ta hiệp nhất trong tình đoàn kết và hợp tác. Đây là mục đích chính của hội nghị" – trích lời Thủ tướng Luxembourg, Xavier Bettel.

"Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất là đôi bên cùng có lợi, chẳng hạn như trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, theo kết quả của thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Nga, hiện nay NATO và Nga đang phối hợp rất chặt chẽ những hành động quân sự của mình trên chiến trường này" - Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier nói với các phóng viên rằng ông hy vọng "một cuộc đối thoại lâu dài và nghiêm túc" với Moscow sẽ được nối lại, có thể trong tương lai rất gần, chẳng hạn trong cuộc họp của hội đồng NATO - Nga tại Brussels vào ngày 13/7. Ông nói thêm rằng các cuộc đối thoại có khả năng là "sẽ không dễ dàng", nhưng hy vọng rằng trong quá trình tiếp xúc, các vấn đề khúc mắc giữa hai bên sẽ được làm rõ và "có thể mang lại sự hạ nhiệt căng thẳng".

Obama đồng thuận quan điểm với Ba Lan về Nga

Tại hội nghị, giới lãnh đạo Ba Lan luôn nhấn mạnh thái độ thù nghịch đối với Nga như một biểu hiện vào hùa với Tổng thống Mỹ Obama. Ông Obama nói rằng những hành động của Nga tại Ukraine là một mối đe dọa mà NATO đang phải đối mặt, và rằng NATO sẽ không tái lập mối quan hệ toàn điện với Nga như trước đây, chừng nào thỏa thuận Minsk-2 chưa được thực hiện đầy đủ.

Nhóm Big Five (hay G5 – 5 nước lớn trong NATO gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý) cũng lấy việc thực hiện thỏa thuận Minsk làm điều kiện tiên quyết để dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga.

Riêng các đại diện Ba Lan thì không tiếc lời thóa mạ Nga: Ngoại trưởng Witold Waszczykowski gọi hành động của Moscow là "đế quốc và thù địch"; Bộ trưởng Quốc phòng Anthony Macherevich so sánh tình hình hiện nay ở châu Âu với thập niên 20 của thế kỷ trước, khi "Ba Lan phải đứng mũi chịu sào ngăn chặn những nỗ lực của Bolshevik Nga trong mưu đồ thôn tính toàn bộ châu Âu".

nato khong hieu chien voi nga
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg

Sứ mệnh ở Afghanistan

Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, trong những tháng gần đây, NATO tiến hành xác định lực lượng quân sự mà mình sẽ lưu lại ở Afghanistan sau năm 2016. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng NATO cần duy trì sứ mệnh “phi chiến trận” của mình ở Afghanistan và cho biết bà “vô cùng hài lòng với kết quả của hội nghị về vấn đề này”.

Liên quân phương Tây do NATO cầm đầu đã hoàn thành sứ mệnh của mình tại Afghanistan từ ngày 31/12/2014. Từ 1/1/2015, tại quốc gia này, NATO bắt đầu tiến hành các hoạt động “phi chiến trận” với một lực lượng gồm 12.000 binh sĩ, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ đào tạo, huấn luyện “tay nghề” cho các lực lượng vũ trang sở tại.

Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố, NATO bảo đảm tài trợ cho quân đội và cảnh sát Afghanistan cho đến năm 2020 với mức tiền như hiện nay – 5 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, các thành viên NATO hứa sẽ tiến hành đàm phán với Taliban để “tiến tới một giải pháp chính trị”, vì theo bà Merkel, tình hình ở Afghanistan vẫn còn quá bất ổn, khiến dòng người tị nạn không ngừng ùn ùn kéo tới Đức.

Tập trận không có nghĩa là xâm lược

Nhắc lại rằng việc huấn luyện các lực lượng bản địa sẽ có hiệu quả đáng kể hơn trong thời gian dài so với việc triển khai quân đội NATO tại chỗ, Stoltenberg cho biết NATO quyết định sẽ đào tạo lực lượng quân sự Iraq ngay tại quê hương của họ.

Theo lời ông, sắp tới đây, đội ngũ giảng viên quân sự của NATO sẽ bắt đầu làm việc ở Baghdad để "tư vấn chiến lược và đảm bảo cải cách lĩnh vực an ninh và quốc phòng" cho Iraq, tươgn tự như NATO đã làm ở Albania. Được biết, trước đây, việc đào tạo nhân sự quân đội cho Iraq chỉ được NATO thực hiện ở Jordan.

Lãnh đạo NATO nói rằng việc tổ chức các cuộc tập trận là một phần của công tác đào tạo, huấn luyện, nhưng đáng tiếc, một số quốc gia (ám chỉ Nga) lại cho rằng đó là một biểu hiện của ý đồ tấn công xâm lược.

nato khong hieu chien voi nga
Tổng thống Ukraine làm quan sát viên tại hội nghị

Ukraine gia nhập NATO – giấc mơ còn quá xa vời

Sự kiện cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh là cuộc họp của Ủy ban NATO-Ukraine, chấp thuận gói cứu trợ cho Kiev. Stoltenberg phát biểu rằng ông sẽ cho phép "làm cho việc tổ chức quốc phòng và an ninh của Ukraine có hiệu quả hơn và có trách nhiệm hơn". Cụ thể là NATO sẽ giúp đỡ Ukraine trong lĩnh vực quốc phòng ảo, hậu cần và phục hồi chức năng y tế cho các binh sĩ bị thương.

Hiện tại, Ukraine và NATO đang hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống các mối đe dọa từ các thiết bị nổ tự chế. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói về các gói viện trợ "hỗ trợ tài chính và vật chất trong 40 lĩnh vực, chủ yếu liên quan tới khả năng phòng thủ, các lĩnh vực an ninh và quốc phòng của Ukraine". Ông cũng cho rằng "số lượng cố vấn NATO ở Ukraine cần phải được tăng thêm để phối hợp các hoạt động này, đặc biệt là cần có một điều phối viên tầm cỡ".

Kiev luôn xun xoe gọi các đối tác NATO là " những người bạn chân chính", nhưng Poroshenko cũng ngậm ngùi thừa nhận rằng hãy còn quá sớm để nói đến việc Ukraine có thể gia nhập NATO, bởi vì nước ông còn có quá nhiều việc phải làm trong quá trình cải cách.

Thiện Tâm

RIA Novosti