Năng lượng tái tạo cần cơ chế hiệu quả hơn

11:18 | 08/12/2021

732 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo (NLTT) không khó, nhưng để nâng cao hiệu quả từ nguồn vốn này để đất nước, người dân có thể hưởng thụ nguồn năng lượng xanh, ổn định và bền vững cần những cơ chế xuyên suốt, hài hòa và dài hạn.

Thực tế, thời gian qua, các cơ chế khuyến khích được Chính phủ ban hành đã tạo động lực thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong và nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Chính sách khuyến khích đầu tư phát triển NLTT ở Việt Nam, đặc biệt là các quyết định về giá mua điện mặt trời và điện, Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió được sửa đổi bổ sung mở ra xu hướng mới trong đầu tư phát triển nguồn điện ở Việt Nam.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, năng lượng tái tạo đạt 17,35 tỷ kWh
Khai thác hiệu quả tiềm năng về NLTT là nhiệm vụ cấp bách của các bộ ngành, địa phương.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc Điều hành Tổ chức Sáng kiến Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE), chính sách chưa có lộ trình xuyên suốt, liên tục, điều này làm giảm cam kết của các nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án theo quy hoạch. Do đó, Chính phủ cần có các chính sách duy trì thị trường phát triển trong dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu điện cũng như mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam.

Đặc biệt, bà Nhiên dẫn chứng, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, nhu cầu vốn đầu tư lưới điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 32,9 tỷ USD, giai đoạn 2031-2045 khoảng 52,1 tỷ USD. Như vậy, để đạt kế hoạch đề ra, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho loại năng lượng này tới đây là rất lớn. Và muốn vậy, chính sách, cơ chế cho loại năng lượng này cần liên thông, tránh đứt đoạn như vừa qua, có như vậy mới có thể huy động thêm vốn đầu tư tư nhân tham gia phát triển trong lĩnh vực điện.

Bên cạnh đó, bà Nhiên đã chỉ ra, thách thức phát triển cho ngành điện Việt Nam trong 10 năm tới song song với phát triển nguồn mới là về phát triển cơ sở hạ tầng lưới điện. Vì thế, cần có cơ chế bình đẳng hơn với các nguồn như tổ chức đấu thầu theo dạng hình năng lượng hoặc công suất hoặc đấu thầu dịch vụ bảo trì lưới điện và cơ sở hạ tầng ngành điện.

Còn theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, để tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế có điều kiện tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng, hiện Bộ Công Thương đang tiến hành nghiên cứu, sửa đổi Luật Ðiện lực để có cơ sở thực hiện xã hội hóa hoạt động truyền tải điện, nhằm tháo gỡ nút thắt quan trọng trong hạ tầng năng lượng;

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân phát triển nguồn điện NLTT giai đoạn tới như: Cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, việc thực hiện cơ chế này tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng sẽ công bằng, minh bạch hơn cho các nhà đầu tư, đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa phát triển các dự án điện NLTT và lưới truyền tải.

tet-cua-nhung-nguoi-linh-truyen-tai-dien
Quốc hội cần sớm điều chỉnh những bất cập trong Luật Điện lực về đầu tư, vận hành hệ thống truyền tải điện.

Được đánh giá là quốc gia giàu tiềm năng về NLTT (điện mặt trời, điện gió), nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng. Nguyên nhân chủ yếu là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện… đã hạn chế việc triển khai các dự án NLTT để đưa nguồn điện vào sử dụng trên thực tế. Do đó, theo các chuyên gia, đây là thời cơ để Việt Nam thực hiện quyết tâm chuyển đổi năng lượng theo hướng xanh, sạch, bền vững một cách mạnh mẽ.

Bởi vậy, bà Ngô Thị Tố Nhiên đã đưa ra kiến nghị, Việt Nam cần chính sách nhất quán và có lộ trình rõ ràng, đồng thời xây dựng cơ chế triển khai các vòng đấu thầu cạnh tranh, minh bạch sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy thị trường đầu tư. Đặc biệt, cần có một bản đồ Quy hoạch điện lực quốc gia phù hợp với tình hình thực tế, hài hòa giữa các nguồn điện khác nhau, hài hòa giữa nguồn - lưới và hài hòa giữa các vùng miền - toàn quốc gia. Bởi sự mất cân đối đã khiến những khu vực thừa điện phải cắt giảm công suất phát triển miền, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội và làm nản lòng các nhà đầu tư.

Theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, chú trọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, NLTT là rất quan trọng của. Trong đó, NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp sẽ phải tăng lên hơn 32% vào 2030 và sẽ đạt khoảng 44% vào 2050.

Do đó, Quy hoạch điện VIII đang được Bộ Công Thương nghiên cứu, điều chỉnh theo hướng tăng nguồn NLTT, đặc biệt là điện gió và giảm tỷ trọng điện than trong tổng cơ cấu nguồn được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn đúng hướng và đúng với cam kết quốc tế tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vừa qua.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tổng công suất nguồn NLTT lắp đặt tính đến ngày 31/10/2021 đạt 20.644MW. Trong đó, thủy điện chiếm 29,60%; năng lượng mặt trời là 22,57%; năng lượng gió là 5,16%.

Tùng Dương

Thế giới lập kỷ lục tổng công suất lắp đặt điện tái tạo trong năm 2021 Thế giới lập kỷ lục tổng công suất lắp đặt điện tái tạo trong năm 2021
Petrovietnam hướng tới là tập đoàn năng lượng hàng đầu, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế Petrovietnam hướng tới là tập đoàn năng lượng hàng đầu, giữ vai trò đầu tàu, trụ cột của nền kinh tế
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào? Khủng hoảng năng lượng toàn cầu ảnh hưởng tới Việt Nam như thế nào?
Năng lượng tái tạo là xu thế, nhưng... Năng lượng tái tạo là xu thế, nhưng...