Năng lượng sạch là xu thế toàn cầu

14:00 | 16/09/2020

478 lượt xem
|
(PetroTimes) - IEA nhấn mạnh, hydro đóng vai trò lớn và đa dạng trong việc đạt được mục tiêu trung hòa carbon
Triển vọng sản xuất hydro từ bức xạ mặt trờiTriển vọng sản xuất hydro từ bức xạ mặt trời
Đến 2030, sản xuất pin Lithium-Ion toàn cầu sẽ tăng 4 lầnĐến 2030, sản xuất pin Lithium-Ion toàn cầu sẽ tăng 4 lần
0526-clean-energy

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa công bố báo cáo “Triển vọng công nghệ năng lượng 2020”, nhấn mạnh hydro sẽ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi nhiên liệu đầu vào đối với các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon. Theo IEA, thế giới cần nỗ lực lớn để phát triển và triển khai các công nghệ sạch ở quy mô toàn cầu nhằm đáp ứng các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu, đặc biệt là trong các lĩnh vực ngoài ngành điện như giao thông, xây dựng và công nghiệp. Tiến sĩ Fatih Birol, giám đốc điều hành của IEA cho biết, bất chấp những khó khăn từ đại dịch Covid-19, một số phát triển gần đây cho thấy cơ sở lạc quan về tốc độ chuyển đổi sang năng lượng sạch và đạt được các mục tiêu khí hậu và năng lượng.

Theo kịch bản phát triển bền vững của IEA - lộ trình đạt được các mục tiêu quốc tế về năng lượng và khí hậu, công suất điện phân nước toàn cầu sẽ tăng từ 300 MW hiện nay lên 3.300 GW vào năm 2080. Vào năm 2070, tổng điện năng tiêu thụ cho quá trình điện phân nước sẽ gấp đôi lượng điện năng tiêu thụ của Trung Quốc hiện nay. Cũng theo báo cáo của IEA, các chính phủ cần đóng một vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, hướng tới đáp ứng các mục tiêu quốc tế.

Các tập đoàn dầu khí châu Âu cũng gia tăng tài sản trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Hãng tin Reuters đưa tin, lĩnh vực điện gió ngoài khơi đang có đồ thị phát triển đi lên ấn tượng, góp phần giúp các công ty dầu khí mở rộng quy mô hoạt động. Một số hãng dầu khí thời gian gần đây đã công bố mục tiêu tham vọng về sản xuất điện tái tạo khi nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Equinor và Công ty phát triển điện lực Jera của Nhật Bản (J-Power) đã thành lập liên doanh để tham gia đấu thầu các dự án điện gió ngoài khơi khu vực Akita, phía bắc Nhật Bản.

Shell và Công ty năng lượng Eneco (Hà Lan) đã trúng thầu phát triển dự án điện gió ngoài khơi Hà Lan với công suất 750 MW, dự kiến khởi công vào năm 2023.

Total hợp tác với tập đoàn đầu tư Macquarie’s Green (Anh) phát triển 5 dự án điện gió nổi ngoài khơi quy mô lớn tại Hàn Quốc. Tổng công suất thiết kế của các dự án đạt 2,3 GW. Total dự kiến khởi công xây dựng dự án đầu tiên với công suất 500 MW vào cuối năm 2023. Cũng trong năm nay, Total đã mua lại 51% cổ phần trong dự án điện gió ngoài khơi SSE’s Seagreen tại Anh.

Chính phủ Pháp đã công bố Chiến lược phát triển hydro không carbon quốc gia với tổng kinh phí triển khai đạt 7 tỷ euro đến năm 2030. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng và xây dựng một khu vực công nghiệp hydro. 3 mục tiêu cụ thể của chiến lược gồm: Lắp đặt đủ số lượng các máy điện phân nước nhằm đóng góp đáng kể vào nền kinh tế khử carbon; Phát triển vận tải sạch, nhất là đối với các phương tiện vận tải hạng nặng; Xây dựng khu vực công nghiệp hydro tại Pháp, đảm bảo các lợi thế công nghệ, góp phần tạo ra từ 50.000 - 150.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động Pháp.

Công suất điện phân nước tại Pháp dự kiến sẽ tăng lên 6,5 GW vào năm 2030, cao hơn so với mục tiêu 5 GW của Đức. Pháp có ngành công nghiệp điện hạt nhân lớn nhất thế giới và nhiều khả năng điện nguyên tử sẽ được dùng để sản xuất hydro không phát thải carbon. Pháp hiện tiêu thụ khoảng 900.000 tấn hydro mỗi năm, chủ yếu trong ngành công nghiệp lọc dầu và hóa chất của nước này, được sản xuất từ các nguồn năng lượng hóa thạch.

Viễn Đông

  • vietinbank