Mỹ và Nga đàm phán ổn định chiến lược, thúc đẩy kiểm soát vũ khí thực chất

20:56 | 01/10/2021

219 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - AP, Reuters, Tass ngày 1/10/2021 đưa tin hôm thứ Năm, ngày 30/9/2021 tại Geneva, Mỹ và Nga đã tổ chức vòng hai Đối thoại về ổn định chiến lược.
Mỹ và Nga đàm phán ổn định chiến lược, thúc đẩy kiểm soát vũ khí thực chất
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov trước cuộc họp lần thứ nhất của Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga tại Geneva. Ảnh: Tư liệu.

Sau cuộc đàm phán, Bộ Ngoại giao hai nước Mỹ và Nga đã ra tuyên bố chung cho biết hai đoàn liên ngành của Mỹ và Nga đã tiến hành cuộc họp lần thứ hai của Đối thoại ổn định chiến lược song phương, cuộc thảo luận diễn ra chuyên sâu và thực chất. Phái đoàn Mỹ do Thứ trưởng Ngoại giao Wendy R. Sherman dẫn đầu, và phái đoàn Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Sergey Ryabkov dẫn đầu. Hai bên nhất trí thành lập hai nhóm công tác chuyên gia liên ngành là Nhóm Công tác về Nguyên tắc và Mục tiêu Kiểm soát Vũ khí trong tương lai và Nhóm Công tác về Năng lực và Hành động có ảnh hưởng Chiến lược. Hai bên nhất trí sẽ tổ chức cuộc họp lần thứ ba của Đối thoại ổn định chiến lược sau khi tiến hành cuộc họp của hai Nhóm công tác trên. Tuy nhiên, hai bên chưa cho biết thời điểm tổ chức cuộc họp lần ba.

Tiến trình đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga

Tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6/2021 ở Geneva, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhất trí tổ chức Đối thoại ổn định chiến lược song phương nhằm tạo cơ sở cho việc kiểm soát vũ khí và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Mỹ và Nga là hai cường quốc hạt nhân, nắm giữ 90% vũ khí hạt nhân trên thế giới. Được sự ủy quyền của lãnh đạo hai nước, hai bên đã tổ chức cuộc họp lần thứ nhất Đối thoại ổn định chiến lược song phương từ ngày 28-29/7/2021 tại Geneva, mở ra khuôn khổ đối thoại mang tính xây dựng giữa hai bên về các lĩnh vực đem lại lợi ích chung và xoa dịu căng thẳng giữa hai cường quốc vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới.

Mỹ và Nga đàm phán ổn định chiến lược, thúc đẩy kiểm soát vũ khí thực chất
Trụ sở Cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ ở Geneva, nơi diễn ra Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga. Ảnh: Sergei Bobylev/Tass.

Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên rằng Washington nghĩ cuộc họp lần thứ hai là “rất hiệu quả” nhưng không cho biết thêm chi tiết cụ thể. "Hôm nay cuộc thảo luận rất tương tác và trên diện rộng, chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau". "Tôi nghĩ rằng đây là một sự tiến triển tốt của cuộc họp mà chúng tôi đã có vào tháng Bảy, cả hai bên đang thực sự tham gia vào một cuộc trao đổi chi tiết và năng động".

Phát biểu với Tass, Thứ trưởng Ngoại giao Nga cho biết hai bên đã đồng ý thành lập hai nhóm làm việc để giải quyết các vấn đề ổn định chiến lược. Nhóm làm việc thứ nhất sẽ giải quyết các vấn đề kiểm soát vũ khí và Nhóm thứ hai sẽ giải quyết các khía cạnh kỹ thuật của kho vũ khí hạt nhân của các bên và "các hành động của nhau" có thể có ảnh hưởng chiến lược. Ông cũng cho biết cuộc họp của Ủy ban song phương Nga-Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) sẽ được tổ chức tại Geneva vào ngày 5/10/2021.

Dư luận về cuộc họp lần thứ hai Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga

Mỹ và Nga đã đồng ý thúc đẩy kiểm soát vũ khí và các cuộc đàm phán an ninh chiến lược liên quan mặc dù tồn tại những khác biệt đáng kể giữa hai bên. Dư luận cho rằng cuộc đàm phán hôm thứ Năm tập trung vào bức tranh lớn hơn, đặc biệt là kiểm soát vũ khí. Một trở ngại quan trọng trong các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí là việc Nga yêu cầu Mỹ ngừng phản đối đề nghị của Nga về việc giới hạn khả năng phòng thủ tên lửa. Phía Mỹ cho rằng khả năng phòng thủ tên lửa là biện pháp ngăn chặn chiến tranh còn phía Nga coi đó là mối đe dọa lâu dài. Nga cho rằng không thể có sự ổn định chiến lược mà không có giới hạn về vũ khí phòng thủ cũng như tấn công. Nga từ lâu đã luôn đề nghị phòng thủ tên lửa là một phần của thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai. Chính quyền Biden muốn Matxcơva đồng ý hạn chế vũ khí hạt nhân phi chiến lược không nằm trong Hiệp ước New START. Một số chuyên gia kiểm soát vũ khí cho rằng cuộc họp vừa qua có thể đem lại một khả năng thỏa hiệp là các cuộc đàm phán sẽ thảo luận cả vấn đề phòng thủ tên lửa cũng như vũ khí phi chiến lược./.

Thanh Bình