Đối thoại chiến lược Mỹ - Nga: Kết quả đầu tiên sau Thượng đỉnh Mỹ - Nga

20:43 | 29/07/2021

|
(PetroTimes) - Reuters, DW, TASS ngày 28 - 29/7 đưa tin, Mỹ và Nga đã tổ chức đối thoại ổn định chiến lược cấp cao mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết tại Thượng đỉnh Mỹ - Nga. Cuộc đối thoại được tổ chức tại trụ sở Cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Geneva, do Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov dẫn đầu. Tham gia đoàn đàm phán còn có quan chức quốc phòng, năng lượng của hai nước. Đây là cuộc họp kín. Sau cuộc đối thoại, hai bên cho biết sẽ gặp lại nhau vào cuối tháng 9/2021.
Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga: Kết quả cụ thể đầu tiên sau Thượng đỉnh Mỹ-Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov trước cuộc đối thoại ở Geneva. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, cuộc đối thoại tại Geneva là thực hiện cam kết của Tổng thống Biden về đối thoại ổn định chiến lược với Nga. Hai bên tiếp tục cam kết, kể cả trong các thời điểm căng thẳng, vẫn đảm bảo khả năng dự đoán được, giảm nguy cơ xung đột vũ trang và mối đe dọa chiến tranh hạt nhân. Đoàn Mỹ thảo luận về các ưu tiên chính sách của Mỹ, môi trường an ninh hiện nay, nhận thức về các mối đe dọa đối với sự ổn định chiến lược, triển vọng kiểm soát vũ khí hạt nhân mới và định dạng cho các phiên họp "Đối thoại ổn định chiến lược" trong tương lai. Các cuộc thảo luận tại Geneva đã diễn ra chuyên nghiệp và thực chất. Hai bên nhất trí sẽ gặp lại tại phiên họp toàn thể tiếp theo vào cuối tháng 9/2021, trước mắt sẽ tổ chức các cuộc tham vấn không chính thức để xác định chủ đề cho các nhóm làm việc chuyên gia tại phiên họp toàn thể lần thứ hai.

Ngay sau cuộc đối thoại, ngày 29/7, các quan chức cấp cao ngoại giao và quốc phòng Mỹ đã tới Brussels để thông báo cho các đồng minh tại trụ sở NATO.

Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga: Kết quả cụ thể đầu tiên sau Thượng đỉnh Mỹ-Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tại cuộc đối thoại ở Geneva. Ảnh: DW.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết hai bên đã có một cuộc thảo luận toàn diện về cách tiếp cận của mỗi bên trong việc duy trì ổn định chiến lược, triển vọng kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro. Hai bên cũng trao đổi về các khía cạnh khác nhau để thúc đẩy sự hợp tác hơn nữa về chủ đề này. Phát biểu với TASS, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Ryabkov bày tỏ hài lòng và cho rằng phía Mỹ đã thể hiện sự sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Kết quả đầu tiên sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Nga tại Geneva

Các nhà phân tích cho rằng tuy cuộc đối thoại chưa đạt đột phá, phạm vi trao đổi chiến lược chưa được công khai, nhưng cả hai bên Mỹ - Nga đều nhìn nhận cuộc đối thoại như là sự khởi đầu cho cả một quá trình. Trong bối cảnh có nhiều mâu thuẫn, trong đó có vấn đề kiểm soát vũ khí, khiến cho quan hệ hai nước đi xuống và bế tắc, việc tổ chức cuộc đối thoại giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga về ổn định chiến lược có thể coi là kết quả cụ thể đầu tiên của Thượng đỉnh Mỹ - Nga.

Đối thoại ổn định chiến lược Mỹ-Nga: Kết quả cụ thể đầu tiên sau Thượng đỉnh Mỹ-Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tại cuộc đối thoại ở Geneva. Ảnh: DW.

Hiện nay, Mỹ và Nga sở hữu khoảng 90% vũ khí hạt nhân của thế giới. Tại cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin đã thông qua Tuyên bố chung về ổn định chiến lược, nhất trí nối lại cơ chế đàm phán về ổn định chiến lược, tạo nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và giảm thiểu nguy cơ trong tương lai, giao cho các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự hai nước đàm phán tìm kiếm cơ chế kiểm soát các loại vũ khí mới, tránh nguy cơ “chiến tranh ngẫu nhiên”.

Các nhà phân tích cho rằng hai bên dự kiến ​​sẽ thảo luận về các hệ thống vũ khí mới và công nghệ gây lo ngại nhất. Nga cho rằng không thể có ổn định chiến lược nếu không giới hạn vũ khí phòng thủ cũng như tấn công; yêu cầu hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần trong thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong tương lai. Về phần mình, chính quyền Biden muốn Nga hạn chế các loại vũ khí hạt nhân không chiến lược, không nằm trong Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START). Nga vẫn lo ngại về việc Mỹ sửa đổi các máy bay ném bom hạng nặng và bệ phóng để phóng tên lửa đạn đạo. Còn phía Mỹ bày tỏ lo ngại về việc Nga đơn phương tham gia thử nghiệm hạt nhân công suất thấp, vi phạm lệnh cấm thử hạt nhân.

Đầu tháng 2/2021, Mỹ và Nga đã thông qua việc gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước New START, chỉ vài ngày trước khi Hiệp ước này hết hiệu lực. New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược, tên lửa đạn đạo và máy bay ném bom mà hai bên có thể triển khai, là ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ.