Mỹ thay thế nhiên liệu của kẻ thù này bằng kẻ thù khác

14:12 | 26/04/2022

3,044 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Kể từ ngày 22/04, lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Mỹ bắt đầu có hiệu lực. Điều này diễn ra trong bối cảnh giá xăng và giá dầu diesel tại Mỹ đã tăng kỷ lục. Câu hỏi mà giới thị trường đặt ra là phía Mỹ sẽ tìm kiếm nguồn cung thay thế từ những đâu và khả năng thành công đến mức nào.
Mỹ thay thế nhiên liệu của kẻ thù này bằng kẻ thù khác

Mỹ có thể gia hạn giấy phép của Chevron để hoạt động tại Venezuela. Ảnh: tư liệu.

Các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành công nghiệp dầu mỏ Iran và Venezuela còn bao gồm cả cấm đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng của hai quốc gia trên. Phía Mỹ cũng cấm cung cấp công nghệ và thiết bị khai khoáng cho Venezuela và Iran. Một số chuyên gia Nga lưu ý rằng, trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt, hai nhà sản xuất dầu Venezuela và Iran có năng lực tổng cộng tới 6 triệu bpd. Do công nghệ lạc hậu, tổng sản lượng khai thác của họ chỉ còn 3,5 triệu bpd.

Để dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, chính quyền Mỹ sẽ phải biện minh cho quyết định này. Và để làm điều đó, Nhà Trắng không chỉ nêu một cái cớ là an ninh hay lợi ích quốc gia đã xuất hiện kẻ thù nguy hiểm hơn, đó là Nga. Mà thêm vào đó, Mỹ cần một lý do xác đáng hơn để chứng tỏ sự cần thiết phải nhập dầu mỏ từ Venezuela, thay thế cho nguồn cung dầu từ Nga.

Nhiều chuyên gia trên thị trường năng lượng nhận định, Nhà Trắng đang cố gắng đàm phán với chính quyền Venezuela để họ thay đổi điều gì đó trong ban lãnh đạo đất nước, chẳng hạn như thông qua luật bầu cử mới. Sau đó, chính quyền Mỹ có thể đưa ra lý lẽ rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela đã có hiệu quả. Tình hình đã thay đổi ở Venezuela nên Chính phủ Mỹ đang dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, dường như Venezuela không vội thay đổi điều gì đó trong tình hình hiện tại. Nước này yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mà không kèm theo các điều kiện không cần thiết. Vì vậy mà cho đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào.

Đối với Iran, việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phức tạp hơn. Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước này dưới thời cựu Tổng thống D.Trump. Một lệnh cấm vận nghiêm ngặt đã được đặt ra đối với ngành dầu mỏ Iran. Kể từ thời điểm đó, tình hình chưa có gì thay đổi. Do đó, phía Mỹ khó có thể biện minh cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt bởi vì mục tiêu của họ đã không đạt được. Để đưa ra các yếu tố đầu vào bổ sung, Nhà Trắng cần thông qua luật mới cho phép dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Iran với sự đồng thuận ở Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Sau đó, chính quyền Mỹ sẽ có thể trở lại với chính thỏa thuận hạt nhân mà nước này đơn phương rút khỏi. Câu hỏi đặt ra lúc đó sẽ là: liệu Iran có sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận không và trong những điều kiện nào? Nếu xuất hiện những điều kiện mới thì cần có một thỏa thuận mới. Khi đó, Đảng Dân chủ sẽ gặp phải sự phản đối của Đảng Cộng hòa. Đây là lý do vì sao Tổng thống Mỹ J.Biden cần quay trở lại thỏa thuận cũ. Và để lợi dụng tình hình, phía Iran muốn đàm phán các điều kiện mới.

Nhiều chuyên gia Nga lưu ý rằng, Iran và Venezuela từ lâu đã phải chịu áp lực từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, song mục tiêu của các biện pháp trừng phạt không đạt được. Thực tế cho thấy chưa có sự thay đổi nào trong đường lối chính trị của hai quốc gia trên. Do đó, việc dỡ bỏ ngay một phần các lệnh trừng phạt là khó xảy ra. Các chuyên gia tại Quỹ An ninh năng lượng cho rằng, phía Mỹ rất muốn nguồn cung dầu Iran và Venezuela tái gia nhập thị trường dầu toàn cầu càng sớm càng tốt. Khi đó, thâm hụt nguồn cung toàn cầu sẽ giảm và giá dầu sẽ “hạ nhiệt”. Hơn nữa, Venezuela đã từng là nhà cung cấp dầu thô chính cho Mỹ.

Đối với Nga, nước này mới chỉ chiếm thị trường ngách tại Mỹ từ năm 2019. Lúc đó, phía Mỹ cần tìm loại dầu thô thay thế cho nguồn cung từ Venezuela (dầu nặng và hàm lượng lưu huỳnh cao). Và dầu mazut của Nga đã được giao dịch khá “sôi động” tại Mỹ. Vì vậy, một mặt, Mỹ có lợi hơn khi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Venezuela. Phía Nhà Trắng sẽ dễ dàng hơn trong việc thay thế nguồn cung dầu mazut từ Nga. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu mỏ ở Venezuela hiện đã lạc hậu rất nhiều, nên ngay cả khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt, điều này cũng không thúc đẩy đáng kể sản lượng tại quốc gia Mỹ Latinh này.

Phía Iran có tình hình tốt hơn về mặt sản lượng. Không chỉ có năng lực khai thác tốt, mà dầu thô Iran có thể ngay lập tức đáp ứng nhu cầu thị trường, giúp giảm căng thẳng nguồn cung và “hạ nhiệt” giá dầu.

Về mặt lý thuyết, nếu giả định rằng, Iran và Venezuela sẽ mở cửa thị trường xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ, đồng thời được phép nhập khẩu công nghệ, thì trong ngắn hạn, hai nước này có thể đạt sản lượng về mức trước khi bị trừng phạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Nga, nhìn vào động lực xuất khẩu của Nga hiện nay, sự xuất hiện của nguồn dầu thô từ Iran và Venezuela trên thị trường sẽ không thể bù đắp nguồn cung từ Nga.

Viễn Đông