Mỹ tăng sức ép với khí đốt Nga

15:15 | 18/01/2019

864 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc Đại sứ Mỹ tại Berlin (Đức) gửi thư trực tiếp đe dọa các doanh nghiệp Đức tham gia Dự án Dòng chảy phương Bắc - 2 của Nga là một động thái mới của Washington nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu khí đốt của Moskva sang châu Âu.  

Đại sứ quán Mỹ tại Đức ngày 13/1/2019 cảnh báo các công ty Đức tham gia Dự án Dòng chảy phương Bắc - 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu, không đi ngang Ukraine như lâu nay, có nguy cơ bị trừng phạt theo Luật chống các kẻ thù của nước Mỹ (CAATSA) được thông qua năm 2017, nhắm vào Iran, Triều Tiên và Nga.

my tang suc ep voi khi dot nga
Sơ đồ đường đi của Dòng chảy phương Bắc -2

Theo tờ Handelsblatt, các công ty Đức đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Đức giải thích cách đối phó với các mối đe dọa đó. Bộ Ngoại giao Đức khuyên họ không hồi đáp thư của Đại sứ Mỹ. Bộ Ngoại giao Đức xem những bức thư này là sự khiêu khích với chủ quyền quốc gia.

Berlin ngày càng khó chịu với sự can thiệp của Mỹ vào Nord Stream 2, trong bối cảnh quan hệ song phương tiếp tục xấu đi. “Các vấn đề về chính sách năng lượng của châu Âu phải được quyết định ở châu Âu, chứ không phải Mỹ” - người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức Heiko Maas nói.

Tổng thống Trump nhiều lần lên tiếng phản đối Nord Stream 2. Một số nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng phản đối. Họ cho rằng Nord Stream 2 sẽ càng làm tăng sự phụ thuộc của các nước châu Âu vào khí đốt của Nga và sau đó là về chính trị. Thực tế cho thấy, ông Trump muốn bán khí đốt của Mỹ cho các đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, giá khí đốt của Mỹ cao hơn nhiều so với khí đốt của Nga nên Mỹ khó thuyết phục được khách hàng châu Âu. Đức là đối tác chính của Nga trong Dự án Nord Stream 2 đã chịu rất nhiều áp lực từ phía đồng minh Mỹ.

my tang suc ep voi khi dot nga
Đại sứ Mỹ tại Đức, Richard Grenella

Cuối tháng 12/2018, trả lời câu hỏi về mối đe dọa có thể có đối với lợi ích an ninh của các quốc gia Trung Âu và Đông Âu liên quan đến việc xây dựng Nord Stream 2, thành viên của Đảng Xanh tại Quốc hội Đức và thành viên của Ủy ban Đối ngoại Jürgen Trittin nói trong cuộc phỏng vấn với Spiegel: “Lập luận của Mỹ và một số nước phản đối cho rằng các nước châu Âu sẽ phụ thuộc từ Nga là không đúng. Đường ống dẫn khí này sẽ dẫn đến sự phụ thuộc lẫn nhau, bởi vì mối liên kết giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng là rất lớn”.

Ông Jürgen Trittin cũng lưu ý rằng, nhà sản xuất thậm chí ở vị trí phụ thuộc nhiều hơn, nếu người tiêu dùng có các nguồn cung cấp khác. Trong khi châu Âu có thể dễ dàng chuyển sang khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ hoặc Qatar, thì Nga không dễ thay đổi người tiêu dùng. Để làm điều đó, Nga sẽ phải xây dựng một đường ống khí đốt mới tới Trung Quốc.

Liên quan tới Nord Stream 2, đầu tháng 12/2018, Tổng thư ký Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo Đức (CDU), Annegret Kramp-Karrenbauer, người kế nhiệm tiềm năng của bà Merkel, cho rằng, đề xuất hủy bỏ việc xây dựng Nord Stream 2 là quá cứng nhắc. Trước đó, lãnh đạo của lãnh đạo Đảng Nhân dân châu Âu trong Nghị viện, Manfred Weber, kêu gọi các nước EU xem xét lại các khoản đầu tư xây dựng Nord Stream 2 vì sự cố tại eo biển Kerch, khi các tàu hải quân Ukraine vi phạm biên giới của Nga và bị bắt giữ. Theo bà Karrenbauer, việc từ chối hỗ trợ chính trị cho Nord Stream 2 là biện pháp quá cứng rắn. Đồng thời, Đức có thể giảm khối lượng trung chuyển thông qua đường ống này. Tổng thư ký CDU lưu ý rằng, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt cho Đức ngay cả trong thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Về phía Nga, ngày 14/1/2019, phát biểu trên kênh truyền hình Rossya-1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng, những lời đe dọa từ Đại sứ Mỹ đối với các công ty Đức tham gia Dự án đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nhằm kiềm chế Nga. “Đây là một phần của một chương trình lớn. Có một chương trình dài hạn nhằm ngăn chặn đất nước chúng ta ở tầm toàn cầu và được thực hiện trong suốt chiều dài lịch sử. Và cũng có phần chương trình ở tầm ngắn hạn. Tất nhiên, nói một cách tế nhị thì đây không phải là trách nhiệm của đại sứ, thậm chí còn mâu thuẫn với nghĩa vụ của một đại sứ” - bà Zakharova lưu ý.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov cho rằng, việc Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Đức vì Berlin ủng hộ và tham gia Nord Stream 2 là hành động nỗ lực của Washington nhằm áp đặt khí đốt của Mỹ đối với châu Âu. “Xuất phát từ các tuyên bố kêu gọi Berlin từ bỏ Nord Stream 2, Mỹ chuyển sang đe dọa trực tiếp đối với các công ty Đức tham gia dự án. Nguyên tắc thương mại tự do, chủ quyền của Đức - tất cả điều này bị gạt sang một bên. Nhiệm vụ là áp đặt loại khí đốt đắt đỏ hơn của Mỹ vào châu Âu bằng bất cứ giá nào” - Thượng nghị sĩ Nga đã viết trên trang Twitter của mình.

Trong khi đó, Konstantin Blokhin, chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh của Viện Hàn lâm khoa học Nga, cho rằng lời đe dọa của Đại sứ Mỹ tại Đức không phải là điều bất ngờ, bởi vì người Mỹ đang cố gắng làm mọi thứ có thể để ngăn chặn Dự án Nord Stream 2. “Một điều rõ ràng là họ đang gây áp lực không chỉ đối với Đức mà còn đối với các quốc gia khác. Họ đang cố gắng đàm phán với các quốc gia quá cảnh, cùng với chính Đan Mạch. Đây chỉ là áp lực thông tin và tâm lý. Tôi nghĩ rằng Đức đã xác định lựa chọn của mình. Bản thân bà Merkel đã nhiều lần nói rằng bà hoàn toàn ủng hộ Washington trong vấn đề trừng phạt chống Nga, nhưng Nord Stream 2 là một chủ đề hoàn toàn đặc biệt” - ông Blokhin giải thích rõ.

Ông Blokhin cũng lưu ý: “Chính quyền Đức hiểu rằng mục đích chủ đạo của Mỹ chính là để nhận được khả năng bán LNG cho châu Âu với giá cao hơn. Bằng cách đó, Washington sẽ thiết lập quyền kiểm soát lớn, đó là vấn đề về chủ quyền của Đức. Tôi nghĩ rằng Nord Stream 2 là cần thiết, người Đức hoàn toàn hiểu được toàn bộ trò chơi này”.

Dự án Nord Stream 2 bao gồm việc lắp đặt hai đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỉ m3/năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic tới Đức và đi theo cùng một tuyến đường với Nord Stream 1, qua vùng lãnh hải của 5 quốc gia, Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Đây là dự án hợp tác giữa Tập đoàn Gazprom của Nga với một số công ty châu Âu (Tập đoàn năng lượng Đức Wintershall và Uniper, nhóm Shell Hà Lan - Anh, nhóm Engie của Pháp và OMV của Áo). Mốc kết thúc xây dựng dự kiến là cuối năm 2019.

Ngày 28/12/2018, Chủ tịch HĐQT Gazprom Alexey Miller cho biết, Gazprom đã xây dựng hơn 380km đường ống Nord Stream 2. Trong giai đoạn hiện tại, công việc đang được thực hiện tại các vùng đặc quyền kinh tế của Phần Lan, Thụy Điển và các khu vực ven biển ở Đức và Nga. “Việc đưa hai đường ống Nord Stream 2 và Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ vào hoạt động được lên kế hoạch vào năm 2019. Đây sẽ là những tuyến xuất khẩu mới, đáng tin cậy, hiệu quả cao để cung cấp khí đốt của Nga cho các quốc gia nước ngoài ở xa” - ông Miller cho biết.

Động thái gia tăng sức ép với các doanh nghiệp Đức tham gia xây dựng dự án xuất khẩu khí đốt của Nga và không có dấu hiệu Washington sẽ buông xuôi cho thấy, Dự án Nord Stream 2 vẫn còn phải vượt qua nhiều trở ngại trước khi về được đến đích cuối cùng.

Dự án Nord Stream 2 bao gồm việc lắp đặt hai đường ống dẫn khí với tổng công suất 55 tỉ m3/năm từ bờ biển Nga qua biển Baltic tới Đức và đi theo cùng một tuyến đường với Nord Stream 1, qua vùng lãnh hải của 5 quốc gia, Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Mốc kết thúc xây dựng dự kiến là cuối năm 2019.

S.Phương

my tang suc ep voi khi dot ngaNga khai thác được bao nhiêu khí đốt trong năm 2018?
my tang suc ep voi khi dot ngaMoldova tìm kiếm nguồn thay thế khí đốt Nga
my tang suc ep voi khi dot ngaÔng trùm khí đốt Nga đáp trả lời đe dọa của Mỹ về Dòng chảy phương Bắc-2

  • el-2024