Mỹ sẽ làm gì khi các đồng minh ở châu Á từ chối khí đốt từ dự án Alaska?

08:18 | 26/07/2023

7,688 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhật Bản và Hàn Quốc đã từ chối lời đề nghị của Mỹ về việc tham gia dự án khí đốt tự nhiên Alaska trị giá 44 tỷ USD, một trong những khoản đầu tư năng lượng lớn nhất trong lịch sử của Mỹ, theo The Wall Street Journal.
Mỹ phê duyệt dự án khai thác dầu gây tranh cãi tại AlaskaMỹ phê duyệt dự án khai thác dầu gây tranh cãi tại Alaska
Dự án Alaska LNG: Cuộc cạnh tranh Mỹ-Nga trên thị trường năng lượngDự án Alaska LNG: Cuộc cạnh tranh Mỹ-Nga trên thị trường năng lượng
Mỹ sẽ làm gì khi các đồng minh ở châu Á từ chối khí đốt từ dự án Alaska?
Sơ đồ dự án Alaska

Việc này đã tạo ra một rào cản cho dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sau khi dự án này đã có những bước tiến gần đây. Washington cho rằng xuất khẩu khí đốt từ Alaska sẽ củng cố an ninh toàn cầu bằng cách cung cấp cho các quốc gia châu Á một giải pháp thay thế khí đốt của Nga.

Kế hoạch này, được gọi là Alaska LNG, bao gồm một đường ống dài 807 dặm để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ các mỏ phía bắc Vòng Bắc Cực đến phần phía nam của bang, từ đó nó sẽ được vận chuyển chủ yếu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác ở châu Á.

Dự án đã được Bộ Năng lượng bật đèn xanh vào tháng 4 và đặt mục tiêu bắt đầu hoạt động vào khoảng năm 2030. Theo luật liên bang, dự án đủ điều kiện nhận hơn 30 tỷ USD bảo lãnh khoản vay.

Thượng nghị sĩ Dan Sullivan của Alaska cho biết sau hơn một thập niên lập kế hoạch, dự án đã tiến gần hơn bao giờ hết. Ông nói: "Bước tiếp theo là thu hút người mua ở châu Á".

Ông cho biết: “Sự tham gia của khu vực tư nhân thực sự quan trọng trong dự án và điều đó đang xảy ra”.

Nhưng những người trong cuộc thuộc một số bên mua tiềm năng hàng đầu ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết các công ty đã thể hiện thiếu quan tâm đến đầu tư vào dự án hoặc ký hợp đồng mua khí đốt của họ và các quan chức năng lượng cũng không mấy hứng thú với dự án Alaska.

Theo các quan chức tại các công ty và trong Chính phủ Nhật Bản, những người mua tiềm năng không tin tưởng vào tiến độ của dự án. Họ tin rằng các nước châu Á sẽ có các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ổn định khác vào năm 2030, mặc dù thị trường khí đốt không ổn định và các dự án cạnh tranh cũng tiềm ẩn rủi ro.

Những người mua châu Á cũng lo ngại về việc thiếu sự tham gia của các tập đoàn năng lượng lớn của Mỹ trong dự án Alaska, các quan chức này cho biết. Exxon Mobil đã giao lại dự án cho bang Alaska vào năm 2016. Exxon Mobil vẫn tham gia vào các hoạt động khác, chẳng hạn như tư vấn về cách làm cho dự án trở nên cạnh tranh hơn.

Trong năm qua, các quan chức của Alaska Gasline Development, công ty phụ trách Alaska LNG, và những người ủng hộ khác đã trình bày dự án này với các nhà lãnh đạo Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như những người mua tiềm năng tại các cuộc họp ở Tokyo, Seoul và Washington, D.C.

Cộng đồng Nikiski trên bán đảo Kenai của Alaska ở phía nam Anchorage sẽ là điểm cuối của đường ống dẫn khí đốt. Tại một cơ sở ở Nikiski, khí gas sẽ được làm lạnh thành dạng lỏng ở nhiệt độ âm 260 độ F và được chất lên các tàu chở dầu.

Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ, là hai trong số các nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới. Cả hai vẫn dựa vào LNG của Nga một phần để duy trì hoạt động kinh doanh.

Các thượng nghị sĩ Mỹ của Alaska, cả hai đảng Cộng hòa và đại sứ Mỹ tại Nhật Bản và Hàn Quốc đại diện cho chính quyền Biden nói rằng dự án sẽ liên kết Mỹ và các đồng minh chặt chẽ hơn trong khi loại bỏ Nga.

“Điều cấp thiết là các đồng minh của chúng ta ở châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản, hãy tránh xa nguồn dầu khí của Nga. Sự lựa chọn rõ ràng nhất để làm điều đó là một dự án được cấp phép hoàn toàn tại Bờ Tây nước Mỹ”, ông Sullivan cho biết.

Nhật Bản mua khoảng 10% nguồn cung LNG từ dự án Sakhalin-2 của Nga. Với các hợp đồng hiện tại sẽ hết hạn vào khoảng cuối thập niên này, quốc gia này đang tìm các nhà cung cấp mới.

Đối với Nhật Bản, mua hàng từ Alaska “khẳng định độ tin cậy năng lượng lâu dài từ đồng minh đáng tin cậy số một”, Đại sứ Mỹ tại Tokyo, Rahm Emanuel cho biết.

Vận chuyển LNG đến Nhật Bản từ Trung Đông hoặc từ Bờ Vịnh Mỹ qua Kênh đào Panama thường mất vài tuần. Ông Emanuel cho biết, từ Alaska, LNG có thể được vận chuyển đến Nhật Bản trong 7 ngày và đến Hàn Quốc trong 8 ngày mà không có “điểm nghẽn chiến lược nào”.

Tuy nhiên, những người tiêu dùng LNG ở châu Á cho biết họ đang tìm kiếm các hợp đồng cung cấp cho 3 đến 4 năm tới, khi nguồn cung được dự đoán là đặc biệt eo hẹp. Các dự án khác ở những nơi như Canada và bờ biển vùng Vịnh hứa hẹn sẽ thực hiện đúng tiến độ, họ nói.

Các quan chức Nhật Bản cho biết thời gian của dự án càng kéo dài thì mối lo ngại rằng nó sẽ đi ngược lại cam kết của quốc gia về việc phát thải ròng bằng không vào năm 2050 càng lớn.

“Mọi người không chắc chắn về tương lai của LNG. Hiện tại họ thấy nhu cầu rất lớn, nhưng điều gì sẽ xảy ra trong 10 năm hay 15 năm tới vẫn còn là một dấu hỏi”, ông Tatsuya Terazawa, người đứng đầu Viện Kinh tế Năng lượng Nhật Bản trực thuộc chính phủ cho biết.

“Điều quan trọng nhất đối với người mua là đánh giá mức độ khả thi của một dự án LNG và với Alaska LNG, chúng tôi đã thấy quá ít tiến triển trong thời gian quá dài”, một quan chức phụ trách các dự án LNG tại một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu của Nhật Bản nói.

Những người tại Alaska Gasline Development tiết lộ rằng một số bên tham gia tiềm năng ở Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét kỹ lưỡng dự án. Chủ tịch của Alaska Gasline Development Frank Richards nối rằng ông đã đưa những đối tác châu Á tham quan các mỏ khí đốt phía bắc của Alaska để chứng minh rằng dự án “thực sự đã sẵn sàng và khả thi”.

Ông Richards cho biết “có một lượng vốn khổng lồ sẵn sàng được triển khai” và Alaska Gasline Development đặt mục tiêu hoàn thành việc huy động vốn trong năm nay. Ông hy vọng sẽ đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong quý đầu tiên của năm 2025.

Đỗ Khánh

The Wall Street Journal