Mỹ: Khuyến cáo người dân vẫn nên đeo khẩu trang dù đã tiêm chủng

13:30 | 10/08/2021

360 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đã đưa ra khuyến cáo rằng những người Mỹ đã được tiêm chủng đầy đủ vẫn nên đeo khẩu trang ở những khu vực có mức độ lây nhiễm Covid-19 cao.
7 điều cần biết về biến chủng Delta7 điều cần biết về biến chủng Delta

CDC cũng khuyến cáo tất cả những học sinh, giáo viên từ lớp 1-12, nhân viên và khách du lịch đeo các loại khẩu trang. Khuyến cáo được đưa ra đối với cả những người đã và chưa tiêm vắc xin.

Cơ quan y tế cho biết biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm cao đã dẫn đến sự gia tăng mạnh của các ca nhiễm Covid-19 ở nhiều vùng trên cả nước. Biến thể này hiện chiếm hơn 80% trong các trường hợp mắc mới, đặc biệt là ở những khu vực có ít người được tiêm chủng. Cuộc điều tra của CDC cũng chỉ ra rằng, trong một vài trường hợp hiếm hoi, một số người đã được tiêm chủng bị nhiễm biến thể Delta có thể lây cho người khác.

Mỹ: Khuyến cáo người dân vẫn nên đeo khẩu trang dù đã tiêm chủng
Những dân đeo khẩu trang trong một cửa hàng ngày 19/7/2021, tại Los Angeles, nơi mà việc đeo khẩu trang là bắt buộc do sự gia tăng lây nhiễm Covid-19.

Giám đốc CDC, Rochelle Walensky nói thêm: “Biến chủng mới này thật đáng lo ngại và thật không may, mọi người cần phải cập nhật khuyến nghị của chúng tôi”.

Khuyến nghị đã đánh dấu một sự thay đổi lớn về quan điểm của CDC so với hơn hai tháng trước. Vào ngày 13/ 5, cơ quan y tế cho biết những người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ không cần đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách xã hội ở hầu hết các nơi.

Vào thời điểm đó, CDC cho biết mọi người chỉ nên đeo khẩu trang ở một số nơi như xe buýt, máy bay và bệnh viện. Và họ còn nói rằng những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như những người đang điều trị ung thư, nên nói chuyện với bác sĩ của họ trước khi bỏ khẩu trang.

Biến chủng Delta

Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào tháng 3 vừa rồi. Đến tháng 7, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết nó đã lan ra 96 quốc gia.

Tại Hoa Kỳ, CDC báo cáo rằng hơn 63% các bang hiện được coi là các khu vực có mức độ lây truyền lây nhiễm Covid-19 cao. Hầu hết đều ở các vùng phía Nam.

Mỹ: Khuyến cáo người dân vẫn nên đeo khẩu trang dù đã tiêm chủng
Một nhân viên y tế đang chuẩn bị tiêm vắc xin Pfizer, tại New York ngày 22/7/2021.

Đầu tuần trước, Giám đốc CDC cho biết: "Các cá nhân đã được tiêm chủng chiếm phần nhỏ trong các ca nhiễm trên khắp đất nước". Giám đốc CDC khuyến khích những người chưa được tiêm chủng nên tiêm phòng và yêu cầu mọi người đeo khẩu trang để giúp ngăn chặn sự lây lan của biến thể Delta và bảo vệ những người khác - bao gồm cả trường học.

Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết: “Càng tìm hiểu sâu về loại virus và biến thể Delta, chúng ta càng phải lo lắng và cảnh giác hơn. Và chỉ có một điều chúng tôi biết chắc chắn - nếu 100 triệu người nữa được tiêm phòng, chúng ta sẽ ở trong một thế giới rất khác”.

Chính quyền Biden cũng thông báo rằng họ đang yêu cầu tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang tại Nhà Trắng. Đó là bởi vì thông tin CDC mới nhất cho thấy Washington DC phải đối mặt với mức độ lây truyền Covid-19 đáng kể.

Chủ tịch Liên đoàn nhà giáo Hoa Kỳ, Randi Weingarten đã ca ngợi hướng chỉ dẫn mới của cơ quan CDC về việc đeo khẩu trang trong trường học. Bà nói trong một tuyên bố, "Đó là một biện pháp phòng ngừa cần thiết cho đến khi trẻ em dưới 12 tuổi có thể được tiêm chủng phòng ngừa Covid-19 và nhiều người Mỹ từ 12 tuổi trở lên được tiêm phòng".

Tuy nhiên, chỉ dẫn của CDC chỉ là các khuyến cáo. Việc theo dõi, giám sát là tùy thuộc vào các bang và quan chức địa phương. Và nhiều người Mỹ, đặc biệt là ở các bang miền nam, có thể lựa chọn không nghe theo những khuyến cáo này.

Tiến sĩ Isaac Weisfuse, Giáo sư tại Đại học y cộng đồng Cornell, chia sẻ với hãng tin Reuters rằng một số người có thể sẽ phản kháng lại những chỉ dẫn mới. “Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nhận được những phản ứng bất ngờ vì người dân có thể coi đó là hành động quay lưng lại với họ”.

Lê Ngọc Đức (Theo VOA)