Mỹ chật vật với ô nhiễm không khí

11:11 | 28/06/2023

1,713 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ô nhiễm không khí nghiêm trọng buộc các công ty phải tìm cách đảm bảo an toàn cho nhân viên và duy trì hoạt động.

Vào đầu tháng 6, khi chất lượng không khí ở New York giảm do các vụ cháy rừng ở Canada, Google là một trong những công ty đầu tiên yêu cầu nhân viên trên khắp Bờ Đông làm việc tại nhà. Cùng ngày, Thị trưởng New York Eric Adams đã kêu gọi người dân hạn chế hoạt động ngoài trời.

Doanh nghiệp Mỹ hiện phải đối mặt với thực tế chất lượng không khí suy giảm do cháy rừng ngày một tăng. So với trước đây, cả phạm vi lẫn mức nhiệt của các đám cháy rừng đã tăng đáng kể. Trong giai đoạn 1982-1992, trung bình diện tích rừng bị cháy là 2,5 triệu mẫu Anh/năm, trong 10 năm gần đây, con số thiệt hại đã lên đến hơn 7,7 triệu mẫu Anh/năm, gần bằng diện tích bang Maryland.

Mỹ chật vật với ô nhiễm không khí
Khói từ cháy rừng ở Canada bao phủ Manhattan vào ngày 7/6/2023. Nguồn: CNBC

Trước nguy cơ chất lượng không khí bị đe dọa nghiêm trọng, các công ty buộc phải đưa ra quyết định nhằm đảm bảo hài hòa về mặt pháp lý và an toàn cho nhân viên.

Sedina Banks, đối tác môi trường tại Greenberg Glusker Fields Claman & Machtinger có trụ sở tại Los Angeles cho biết: “Việc các công ty bắt đầu suy nghĩ về những vấn đề này và có chiến lược ứng phó là hoàn toàn hợp lý".

Dưới đây là một số điều mà công ty và nhân viên cần biết khi làm việc trong tình trạng ô nhiễm không khí:

Công ty có nghĩa vụ đảm bảo môi trường làm việc an toàn

Các công ty cần tuân thủ các quy tắc của Cơ quan Quản lý An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) về đảm bảo môi trường làm việc an toàn.

Charles Simikian, chuyên gia tư vấn và nhân sự tại Alliance HR Partners Consulting, cho biết: “Bắt nhân viên làm việc trong môi trường không lành mạnh là vi phạm điều khoản của OSHA và có thể bị phạt tiền”.

Sara H. Jodka, thành viên của công ty luật Dickinson Wright, cho biết những nhân viên cảm thấy chất lượng không khí không an toàn có thể gửi đơn khiếu nại lên OSHA để được điều tra.

Mối quan tâm hàng đầu của nhân viên

Các công ty bất động sản thương mại ngày càng quan tâm đến chất lượng không khí.

Thomas Brugato, cố vấn tại văn phòng Covington & Burling ở Washington, cho biết thay vì chỉ xem xét vấn đề ở một khía cạnh, các công ty cần phải nhìn rộng hơn. Tức là hướng đến xây dựng toàn diện hệ thống đảm bảo không khí an toàn.

Đối với lao động ngoài trời, công ty phải cung cấp thiết bị bảo hộ, phân công họ đến những khu vực có chất lượng không khí tốt hơn hoặc điều chỉnh giờ làm việc vào thời điểm thích hợp.

Đối với những người làm việc trong nhà, công ty cần nâng cấp hệ thống lọc và thông gió, đồng thời sử dụng thiết bị lọc di động trong trường hợp đặc biệt. Hiện OSHA đưa ra các khuyến nghị về hệ thống lọc và thông gió giúp các công ty cải thiện chất lượng không khí trong nhà.

Tham khảo mô hình của California, Oregon và Washington

Hiện California đã ban hành quy định yêu cầu các công ty cần chủ động bảo vệ nhân viên khi không khí ô nhiễm do cháy rừng. Theo đó, họ cần giảm thiểu việc nhân viên tiếp xúc với các chất có hại trong không khí. Trong một số trường hợp nhất định, công ty phải cung cấp mặt nạ phòng độc như khẩu trang N95 cho tất cả nhân viên.

Trong khi đó, Oregon đã thông qua biện pháp tương tự và Washington đề xuất cho các phiên điều trần công khai vào tháng Bảy.

Sedina Banks cho biết, các công ty nên xem cách giải quyết của các tiểu bang này.

Luôn dự trữ khẩu trang N95

Brendan Collins, luật sư môi trường, người đứng đầu nhóm sản xuất tại Ballard Spahr, cho biết các công ty có thể dự trữ khẩu trang N95 và phát cho nhân viên khi họ vào hoặc rời khỏi tòa nhà. Một lựa chọn khác là cho phép người lao động lựa chọn làm việc tại nhà vào những ngày chất lượng không khí xấu.

Ô nhiễm không khí là vấn đề trọng tâm

Trước tình trạng biến đổi khí hậu cũng như các vụ cháy rừng đang ngày càng trầm trọng, doanh nghiệp cần cân nhắc đưa ra nhiều quy định hơn nhằm giải quyết vấn đề này.

Ritse Erumi, một nhân viên tại Quỹ Ford cho biết: “Các công ty cần lắng nghe nhân viên để luôn có biện pháp hiệu quả”.

Theo Kinh tế & Đô thị

Hà Nội vẫn bị bủa vây bởi ô nhiễm không khíHà Nội vẫn bị bủa vây bởi ô nhiễm không khí
WHO: 99% dân số trên thế giới đang hít thở không khí ô nhiễmWHO: 99% dân số trên thế giới đang hít thở không khí ô nhiễm