Mỹ cân nhắc việc tiêm tăng cường vắc xin Covid-19

06:47 | 21/08/2021

321 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các chuyên gia y tế Mỹ dự kiến ​​sẽ đề nghị tiêm mũi vắc xin Covid-19 bổ sung cho tất cả người dân. Việc tiêm bổ sung, hay tiêm nhắc lại, sẽ được tiêm tám tháng sau khi một người nhận được mũi vắc-xin thứ hai.

Mục tiêu của động thái này là làm tăng khả năng bảo vệ lâu dài hơn của vắc xin khi biến thể Delta đang lây lan khắp đất nước.

Các quan chức y tế liên bang đang nghiên cứu xem liệu có cần thiết phải tiêm các mũi tiêm nhắc lại sớm nhất là vào mùa thu năm nay hay không. Họ đã xem xét một số trường hợp ở Hoa Kỳ cũng như tình hình ở các quốc gia khác như Israel. Các nghiên cứu ban đầu ở Israel cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin trước các trường hợp nghiêm trọng đã giảm ở những người được tiêm chủng vào hồi tháng Giêng.

Mỹ cân nhắc việc tiêm tăng cường vắc xin Covid-19
Một người đang được tiêm vắc xin Covid-19.

Theo nguồn tin chia sẻ với Associated Press rằng họ mong chờ một thông báo về khuyến nghị tiêm tăng cường trong tuần này.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, hoặc FDA, sẽ phải chính thức phê duyệt vắc xin Covid-19 trước khi có thể tiêm bổ sung. Tại thời điểm này, FDA chỉ đưa ra sự chấp thuận khẩn cấp cho các vắc xin của Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson. Dự kiến ​​sẽ có sự chấp thuận hoàn toàn về vắc xin Pfizer trong những tuần tới.

Tuần trước, các quan chức tế Hoa Kỳ đã khuyến cáo tiêm nhắc lại cho một số người có hệ miễn dịch yếu. Nhóm này bao gồm những người có nguy cơ nhiễm virus cao hơn như bệnh nhân ung thư và người ghép tạng.

Giám đốc Viện Y học Quốc gia (NIH), Tiến sĩ Francis Collins, cho biết rằng Hoa Kỳ có thể đang xem xét về quyết định liệu có nên cung cấp các mũi tiêm nhắc lại cho người Mỹ vào mùa thu này hay không.

Trong số những người đầu tiên nhận được mũi tiêm bổ sung có thể là các nhân viên chăm sóc sức khỏe, người lớn tuổi và những người ở viện dưỡng lão. Do nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, họ là một số người Mỹ đầu tiên được tiêm chủng vào tháng 12 năm ngoái.

Kể từ đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết, hơn 198 triệu người Mỹ đã nhận được ít nhất một mũi vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang chứng kiến ​​sự lây lan nhanh trong các cộng đồng chưa được tiêm chủng của biến thể Delta. Biến thể này cũng là nguyên nhân gây ra sự suy yếu của vắc xin ở những người được tiêm chủng đầy đủ.

Israel là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với vắc xin Pfizer. Họ đang cố gắng kiểm soát sự gia tăng các ca bệnh từ biến thể Delta bằng cách cung cấp một mũi tiêm nhắc lại cho tất cả những người trên 60 tuổi.

Collins, người đứng đầu NIH cho biết: “Có một mối lo ngại rằng hiệu quả của vắc xin có thể bắt đầu suy yếu”. Ông cũng lưu ý rằng biến thể Delta rất khó đối phó. Collins cho biết thêm: "Sự kết hợp của hai yếu tố trên có nghĩa là chúng ta sẽ cần thêm rất nhiều mũi tiêm".

Tuy nhiên, lãnh đạo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã yêu cầu các quốc gia giàu có hơn và các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nên trì hoãn các mũi tiêm nhắc lại. Họ cảm thấy sẽ tốt hơn nếu tiêm cho những người chưa được tiêm chủng ở các nước đang phát triển.

Lê Ngọc Đức (Theo VOA)

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...