Một tháng Samsung Việt Nam sẽ mất 2 triệu USD nếu thực hiện theo Dự thảo Luật Lao động

15:38 | 18/09/2019

683 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm theo Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi), những doanh nghiệp như Tập đoàn Samsung tại Việt Nam với hàng trăm nghìn lao động, có thể một tháng mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD.    
mot thang samsung viet nam se mat 2 trieu usd neu thuc hien theo du thao luat lao dongVCCI đề nghị bỏ quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong ngày “đèn đỏ”
mot thang samsung viet nam se mat 2 trieu usd neu thuc hien theo du thao luat lao dongCần quy định trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ

Tại Hội thảo “Dự thảo Bộ Luật lao động: Những tác động tới nền kinh tế” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng nay ngày 18/9 tại Hà Nội, đã dẫn chứng ví dụ trên nếu áp dụng theo Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về giờ làm.

Dự thảo Luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, xung quanh nhiều điều Luật, có nhiều ý kiến trái chiều và gần như tạo thành hai luồng: một bên là người sử dụng lao động và một bên là cơ quan quản lý Nhà nước cùng người lao động.

Theo CIEM, Bộ Luật Lao động là Bộ Luật có phạm vi điều chỉnh lớn và ảnh hưởng sâu rộng tới môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tới tính cạnh cạnh tranh của nền kinh tế cũng như quá trình hội nhập kinh tế của Việt Nam đối với thế giới, tất nhiên trong đó có cả người lao động.

mot thang samsung viet nam se mat 2 trieu usd neu thuc hien theo du thao luat lao dong
Một tháng Sumsung Việt Nam sẽ mất 2 triệu USD nếu thực hiện theo Dự thảo Luật Lao động

Dù rất nỗ lực nhưng theo CIEM, Ban soạn thảo nên quan tâm tới một số yếu tố khách quan khác: xem xét thấu đáo vị trị kinh tế hay chính là năng lực cạnh tranh của Việt Nam đang ở đâu so với khu vực và thế giới, để từ đó có những điều thay đổi phù hợp để đảm bảo sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Bởi lẽ khi nền kinh tế bị tác động, thì Bộ luật Lao động trở thành “rào cản” hoặc “ngáng chân” sự tăng trưởng sản xuất, giảm kim ngạch xuất khẩu từ đó dẫn đến ảnh hưởng đầu tiên chính là đời sống của người lao động.

Bên cạnh đó, khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam suy giảm so với các doanh nghiệp cùng ngành nghề của các nước khác, thì khi đó “người yếu thế” lại chính là các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo phân tích của CIEM, Dự thảo Bộ Luật lao động có thể tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế ở các lĩnh vực như: Làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam; Làm sụt giảm nguồn thu của ngân sách Nhà nước; Làm cho lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu quốc tế trở nên “kém hoặc không giá trị” khi các doanh nghiệp Việt Nam bị các bên đối tác đánh giá chấm điểm trượt ngay trên “sân nhà”; Làm cho những nỗ lực của Nhà nước hướng tới đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài có thể trở nên kém cạnh tranh.

Cùng với đó, với những “điểm mờ”, Dự thảo Bộ Luật Lao động, có thể sẽ trở thành “rào cản”, gây ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp; Hay Dự thảo Luật Lao động có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam) chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo Luật lao động. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam;

Điểm cuối cùng mà CIEM phân tích Dự thảo Luật Lao động tác động có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp phải gia tăng những rủi ro về chi phí lao động bên cạnh những rủi ro mà doanh nghiệp đã và đang phải đối diện liên quan đến thị trường, hàng hóa (nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, gia công, làm dịch vụ các hàng hóa mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống…). Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Dẫn chứng cho điều này, CIEM nêu, trong số các quy định mới của Dự thảo, có thể kể đến một số quy định tiêu biểu mà nếu được áp dụng sẽ tác động không nhỏ tới nền kinh tế nói chung cũng như lợi ích của người lao động và doanh nghiệp nói riêng là: không thay đổi về trần làm thêm giờ, trả lương lũy tiến làm thêm giờ, cắt giảm thời giờ làm việc tiêu chuẩn.

Nếu “áp” theo điều khoản trên, một ví dụ cụ thể đối với Tập đoàn Samsung tại Việt Nam quản lý hàng trăm nghìn lao động, với xu hướng giảm giờ làm việc bình thường, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm... có thể một tháng mất thêm 2 triệu USD và một năm mất hơn 20 triệu USD, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất.

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phân tích: “Khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi doanh nghiệp cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động”.

Hiện nay, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới vẫn đang ở thứ hạng thấp theo số liệu tính theo PPP 2011, NSLĐ của Việt Nam năm 2017 đạt 10.232 USD, chỉ bằng 7,2% của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philippines. Thời giờ làm việc tiêu chuẩn của Việt Nam là tương đương với các quốc gia có cùng trình độ phát triển như Lào, Campuchia, thậm chí những quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần. Giờ làm việc ở trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần chỉ thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore.

Với tình hình trên, CIEM cho rằng, xuất phát từ “lợi ích quốc gia” với mục tiêu quan trọng hàng đầu là gia tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP và tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế, một số các quy định trong Dự thảo Bộ Luật lao động mới cần phải được xem xét và tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trước khi chính thức được trình tại Quốc hội và được các đại biểu bấm nút thông qua vào tháng 10 năm 2019.

Tú Anh