Một số chính sách về lao động có hiệu lực từ tháng 5/2024

11:10 | 30/04/2024

89 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tháng 5/2024 là tháng có nhiều chính sách mới quan trọng liên quan đến công chức, viên chức. Những chính sách mới về thi đua, khen thưởng cũng có hiệu lực từ tháng 5/2024.

Các chính sách liên quan đến công chức, viên chức

Trong tháng 5 hoàn thành Nghị định về chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang: Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2024, Văn phòng Chính phủ thống nhất quyết định thời điểm hoàn thành Nghị định về chế độ tiền lương mới của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang là trong tháng 5.

Một số chính sách về lao động có hiệu lực từ tháng 5/2024

Đồng thời, Nghị quyết cũng nêu rõ, yêu cầu triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả và thực hiện cải cách chính sách tiền lương, hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trước 31/3/2024.

Tại Nghị định 29/2024/NĐ-CP, Chính phủ quy định tiêu chuẩn áp dụng cho chức danh công chức lãnh đạo, quản lý, sẽ có hiệu lực từ 01/5/2024. Cụ thể, tại Điều 4 Nghị định 29/2024/NĐ-CP, công chức lãnh đạo phải đáp ứng các điều kiện chung dưới đây:

- Về chính trị tư tưởng: Trung thành với lợi ích của Đảng, quốc gia và dân tộc; có lập trường, có tinh thần yêu nước, tuân thủ kỷ luật trong phát ngôn… Về đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật: Có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực, lối sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị, có trách nhiệm cao với công việc, đoàn kết, gương mẫu, tích cực ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống cơ hội…

Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp ngành công tác; có bằng cử nhân chính trị hoặc cao cấp chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ cao cấp lý luận chính trị…Về năng lực và uy tín: Người được bổ nhiệm công chức lãnh đạo phải có tư duy đổi mới, phương pháp làm việc khoa học, có khả năng dự báo, phân tích, quy tụ và phát huy sức mạnh của tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…

Về sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác: Đủ sức khỏe, đảm bảo tuổi bổ nhiệm, có thành tích, kết quả và sản phẩm cụ thể trong quá trình công tác; có kinh nghiệm thực tiễn, thời gian công tác phù hợp…

Chính sách về thi đua, khen thưởng có hiệu lực từ tháng 5/2024

Điều kiện kiện xét tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Thanh tra" từ ngày 15/5/2024:

Ngày 20/3/2024, Tổng Thanh tra Chính Phủ ban hành Thông tư 02/2024/TT-TTCP quy định xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Thanh tra”. Theo đó, tại Điều 6 Thông tư 02/2024/TT-TTCP quy định về điều kiện xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp thanh tra” như sau:

Cá nhân là lãnh đạo Thanh tra Chính phủ có thời gian giữ chức vụ từ đủ 04 năm trở lên tính đến ngày 01/9 của năm đề nghị xét tặng.

Cá nhân công tác trong các cơ quan thanh tra có thời gian công tác liên tục từ đủ 10 năm trở lên tính đến ngày 01/9 của năm đề nghị xét tặng. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành có thời gian làm công tác thanh tra liên tục từ đủ 20 năm trở lên tính đến ngày 01/9 của năm đề nghị xét tặng.

Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 02/2024/TT-TTCP: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đóng góp trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Thanh tra; Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại điểm b, điểm c, điểm d phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ đủ 05 năm trở lên và có ít nhất 04 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra; Cá nhân thuộc đối tượng quy định tại các điểm đ, điểm e, điểm g phải có thời gian giữ chức vụ ít nhất từ đủ 10 năm trở lên và có ít nhất 08 năm phụ trách hoặc theo dõi công tác thanh tra.

Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ”

Đây là nội dung tại Thông tư 03/2024/TT-TTCP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng 2022 đối với ngành Thanh tra.

Cụ thể, tại Điều 4 Thông tư 03/2024/TT-TTCP quy định về tiêu chuẩn, đối tượng xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” như sau:

Danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” được xét tặng cho tập thể các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra Cơ yếu đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 26 Luật Thi đua, khen thưởng 2022.

Một số chính sách về lao động có hiệu lực từ tháng 5/2024

Đối tượng được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” là các tập thể tiêu biểu, dẫn đầu phong trào thi đua của cụm, khối thi đua do Tổng Thanh tra Chính phủ tổ chức, bao gồm: Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; Thanh tra Bộ; Thanh tra tỉnh; Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra Cơ yếu.

Các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” mà được lựa chọn tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” thì Thanh tra Chính phủ sẽ không ra quyết định tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” mà làm thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ”.

Trường hợp vụ, cục, đơn vị không được xét tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Chính phủ” thì Thanh tra Chính phủ sẽ ra quyết định tặng danh hiệu “Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ” cho vụ, cục, đơn vị đó.

Điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật từ ngày 20/5/2024

Ngày 04/04/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định chi tiết xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật.

Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 36/2024/NĐ-CP quy định về điều kiện xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật như sau: Tác giả có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải trung thành với Tổ quốc, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật, nghiên cứu về Việt Nam đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, luật pháp và phong tục tập quán tốt đẹp của Việt Nam.

Tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát kể từ ngày 02/9/1945. Thời gian tác phẩm, công trình về văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng tối thiểu là 05 năm đối với “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 03 năm đối với “Giải thưởng Nhà nước” tính đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” hoặc “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao hoặc Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương;

Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố, sử dụng hoặc có tranh chấp nhưng đã được giải quyết bởi cơ quan có thẩm quyền tại thời điểm nộp hồ sơ xét tặng.

Nguyên tắc làm việc của hội đồng các cấp xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” từ ngày 25/5/2024:

Quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”

Cụ thể, khoản 3 Điều 9 Nghị định 35/2024/NĐ-CP thì nguyên tắc làm việc của hội đồng các cấp xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” như sau: Cá nhân đang là đối tượng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” không tham gia các cấp hội đồng; Số lượng thành viên Hội đồng các cấp tối thiểu là 11 người;

Các cuộc họp của hội đồng được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên của hội đồng tham dự. Trường hợp vắng mặt, thành viên hội đồng phải được Chủ tịch Hội đồng đồng ý và gửi lại phiếu bầu; Hội đồng làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu. Kết quả xét tặng của hội đồng được công khai trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định thành lập hội đồng;

Cá nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải đạt từ 90% số phiếu đồng ý trở lên trên tổng số thành viên hội đồng; Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” ở mỗi cấp có tổ thư ký do Chủ tịch Hội đồng quyết định thành lập. Tổ thư ký có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, tóm tắt thành tích, tổng hợp ý kiến thăm dò dư luận; gửi tài liệu, hồ sơ đề nghị xét tặng đến các thành viên hội đồng và tổ chức cuộc họp của hội đồng;

Hội đồng cấp cơ sở có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của hồ sơ cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý; Hội đồng cấp dưới có trách nhiệm báo cáo Hội đồng cấp trên kết quả giải quyết đơn thư (nếu có) đối với các cá nhân được đề nghị xét tặng; Hội đồng các cấp đánh giá uy tín về chuyên môn, tầm ảnh hưởng của nhà giáo theo quy định tại khoản 2 Điều 7 và khoản 2 Điều 8 Nghị định 35/2024/NĐ-CP để báo cáo Hội đồng cấp trên.

Minh Châu

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan