Phó chủ nhiệm UB tư pháp Nguyễn Đình Quyền:

“Một là năng lực yếu kém, hai là bảo kê ăn tiền!”

18:53 | 29/10/2013

612 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bức xúc trước việc chưa có đơn vị nào nhận “quả bóng” trách nhiệm trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền chỉ rõ: trách nhiệm trước tiên thuộc về Sở Y tế Hà Nội.

Ông Quyền cho rằng, vấn đề tiêu cực, hoạt động “chui” của các cơ sở y tế tư nhân được dư luận, truyền thông kêu ca, phản ánh rất nhiều từ cả chục năm nay, không riêng thẩm mỹ viện. “Nếu Giám đốc Sở Yy tế Hà Nội nói rằng thường xuyên đôn đốc chỉ đạo bằng văn bản các lực lượng chức năng thanh tra, kiểm tra thì đồng chí đã thấy gì chưa?”.

“Tôi không hiểu sao khó xác định trách nhiệm cá nhân mỗi khi xảy ra vụ việc đến như vậy? Vi phạm thì nhiều, mà sao không phát hiện được khi những vi phạm đã rành rành như vậy?” ông Quyền thể hiện quan điểm trong phần phát biểu tại Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thảo luận tổ chiều nay 29/10. “Quản lý nhà nước phải chặt chẽ, phải có địa chỉ cụ thể khi xảy ra vụ việc. Trách nhiệm không phải là trách nhiệm... không khí”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền

“Trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, trách nhiệm quản lý nhà nước đã quá rõ ràng rồi. Sở Y tế Hà Nội phải là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng! Cơ quan Thanh tra Sở y tế có thực hiện thanh tra, kiểm tra không? Thanh kiểm tra thì như thế nào, kết quả ra sao? Nếu thanh kiểm tra mà không có kết quả thì một là năng lực yếu kém, hai là bảo kê ăn tiền. Không phải đợi đến lúc mọi việc xảy ra mới tổng rà soát? Không làm gì cả!”, ông Quyền phát biểu mạnh mẽ.

Xung quanh trách nhiệm của người đứng đầu, Phó chủ nhiệm Nguyễn Đình Quyền cũng cho biết Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nên thể hiện quan điểm của mình một cách công khai và minh bạch.

Về phần mình, Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phán đoán, khả năng nhiều nhất là đối tượng ném xác nạn nhân xuống sông. Vì ngoài lời khai của bác sỹ Tường thì còn nhiều tài liệu khác nữa, có cả những nhân chứng khác nữa.

Thiếu tướng Chung khẳng định, trước mắt vẫn phải chờ cơ quan điều tra kết luận, và vấn đề lớn nhất là phải tìm bằng được xác nạn nhân thì mới định được đúng tội danh. “Theo khoa học kỹ thuật hình sự thế giới, một người bị chết đuối dưới nước thường thì 5-7 ngày là nổi, tùy thuộc thời tiết nóng hay lạnh. Còn nếu chết từ trên bờ rồi vứt xuống nước thì 18 đến 25 ngày mới nổi, theo khoa học hình sự thế giới tổng kết. Thực tiễn tại Việt Nam, chưa có vụ nào mà cơ quan công an không tìm được xác. Chúng tôi quyết tâm phải tìm thấy xác nạn nhân để không lọt người lọt tội”, Thiếu tướng Chung trả lời báo giới.

Lê Tùng (ghi)

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc