Mobile Money nhập cuộc đua thanh toán

11:20 | 17/03/2021

115 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mobile Money - hình thức thanh toán sử dụng tài khoản viễn thông di động mới được Thủ tướng đồng ý cho phép triển khai thí điểm gần đây. Dù có lợi thế để phát triển, song Mobile Money cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình vận hành và triển khai đến người dùng cuối trong thời gian thí điểm.
Mobile Money nhập cuộc đua thanh toán
Sử dụng thử nghiệm thanh toán bằng tài khoản viễn thông.

Nhà mạng chạy đua

Về cơ bản, dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản Mobile Money gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hoá hợp pháp tại Việt Nam. Hạn mức giao dịch Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản cho tổng giao dịch. Việc thanh toán bằng Mobile Money được thực hiện bằng ứng dụng trên smartphone hoặc tin nhắn SMS trên tất cả các thiết bị di động.

Để được đăng ký sử dụng Mobile Money, người dùng phải cung cấp được số Chứng minh Nhân dân, Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động. Thuê bao này phải được định danh, xác thực theo quy định của Chính phủ. Đồng thời thuê bao di động của người dùng phải hoạt động ít nhất 3 tháng tính cho tới thời điểm đăng ký. Mỗi người chỉ được mở 1 tài khoản Mobile Money tại đơn vị cung cấp thí điểm dịch vụ.

Hiện có 3 nhà mạng đủ điều kiện xin phép tham gia thí điểm ngay dịch vụ Mobile Money là Viettel, VinaPhone và MobiFone. Trong đó Mobifone vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ngày 9/3. Viettel đã triển khai thử nghiệm thành công dịch vụ Mobile Money cho 40.000 khách hàng nội bộ, sẵn sàng cung cấp dịch vụ tới 100% khách hàng Viettel ngay khi được cấp phép. Trong khi đó, VinaPhone đã sẵn sàng về hạ tầng để triển khai dịch vụ Mobile Money.

Từ khi Mobile Money mới chỉ sơ khai ở dạng đề xuất, cả Viettel, VinaPhone và MobiFone đã nhanh chóng chuẩn bị cơ sở hạ tầng để triển khai sớm nhất dịch vụ này khi được cấp phép. Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Phạm Trung Kiên cho biết, hiện mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc nên Viettel khẳng định đủ năng lực đưa Mobile Money tiếp cận đến cấp xã, phường.

Phải tiện ích, chăm sóc khách hàng tốt

Mobile Money được khai sinh khi đã có 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Các phương thức thanh toán khác như thẻ ngân hàng, ví điện tử, QR Pay... cũng ngày một phát triển nhanh chóng. Một chuyên gia trong lĩnh vực trung gian thanh toán đánh giá, mạng lưới ngân hàng ngày càng rộng lớn, chưa kể sắp tới cũng sẽ có quy định về đại lý ngân hàng có thể giảm bớt lợi thế về mạng lưới rộng khắp mà Mobile Money đang có. Ngoài ra, tiện ích thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử đã phát triển đa dạng và đầy đủ. Trong khi đó, hạn mức giao dịch của Mobile Money chỉ bằng 10% ví điện tử sẽ là vấn đề với những người thường xuyên chi tiêu và mua sắm ở khu vực thành thị. “Không nạp tiền được bằng thẻ cào điện thoại và giao dịch dưới 10 triệu đồng là điểm trừ lớn nhất của Mobile Money. Việc phải đến tận điểm kinh doanh (nếu không có tài khoản ngân hàng) để nạp tiền vào Mobile Money cũng là một trở ngại với người dùng”- anh Nguyễn Mạnh Hùng, ở Hà Đông chia sẻ.

Hai lợi ích lớn nhất của Mobile Money là tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; nhất là trong giao dịch nhỏ, mua bán nhỏ lẻ...

Dù sinh sau đẻ muộn, Mobile Money vẫn sẽ tìm được thị trường "ngách" và chiếm một phần đáng kể trong lưu lượng thanh toán hàng ngày nếu có chiến lược tốt. Người dân không trung thành với duy nhất một dịch vụ nào cả. Miễn là dịch vụ nào thân thiện, thuận lợi và khuyến mãi nhiều thì họ sử dụng. Mobile Money có giá trị riêng của nó. Việc khuyến mãi bằng cách tặng data, phút gọi, tin nhắn... cũng đủ để hấp dẫn người dùng tìm đến tài khoản tiền di động.

Số tiền giao dịch với mỗi tài khoản Mobile Money không lớn nhưng nếu khoảng 30% số người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng sử dụng thì dòng tiền lưu thông qua dịch vụ Mobile Money có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng đến vài chục nghìn tỷ đồng/tháng. Đây là miếng bánh béo bở hứa hẹn đem lại nguồn doanh thu mới trong bối cảnh thị trường dịch vụ viễn thông truyền thống hiện đã bão hòa.

TS Nguyễn Trí Hiếu

Theo Kinh tế & Đô thị