Hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money

17:10 | 11/05/2022

100 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam” tổ chức vào sáng nay (11/5), Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, đến cuối tháng 3/2022, tổng số người đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money là hơn 1,1 triệu khách hàng.
Hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước)

Tại hội thảo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước đánh giá một số kết quả bước đầu đạt được sau gần 6 tháng thực hiện thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money tới khách hàng.

Cụ thể, sau khi được chấp thuận triển khai thực hiện thí điểm, 3 doanh nghiệp (Tổng công ty Truyền thông - VNPT-Media, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội - Viettel) đã nỗ lực triển khai cung ứng dịch vụ tới khách hàng ngay từ cuối tháng 1/2021, và đạt được những kết bước đầu quả khả quan, đảm bảo an ninh an toàn, góp phần phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Mobile Money hay Tiền di động là dịch vụ cho phép dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Về cơ bản, dịch vụ Mobile Money cung cấp cho khách hàng một tài khoản Mobile Money gắn liền với thuê bao di động. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa hợp pháp tại Việt Nam.

Hơn 1,1 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile Money
Hiện đã có hơn 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money được thiết lập tại Việt Nam.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, đến hết tháng 3 năm nay, số lượng người dùng đăng ký và sử dụng dịch vụ ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là gần 660.000 người. Lượng thuê bao khu vực miền núi và vùng sâu, vùng xa chiếm hơn 60% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ.

Về phát triển điểm kinh doanh, hiện đã có hơn 3.000 điểm kinh doanh Mobile Money được thiết lập tại Việt Nam. Trong đó, số điểm kinh doanh thuộc vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo là khoảng gần 900 điểm, chiếm khoảng 30%.

Hiện cả nước có hơn 12.800 điểm chấp nhận thanh toán Mobile Money, bao gồm cả các đơn vị cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục. Đến cuối tháng 3/2022, tổng số lượng giao dịch đã đạt hơn 8,5 triệu giao dịch với tổng giá trị hơn 370 tỷ đồng.

Đánh giá của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, dịch vụ Mobile Money đã giúp mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động, mang lại tiện ích cho người sử dụng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân và xã hội.

Chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm Mobile Money nhìn chung được đảm bảo, chưa phát sinh các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ.

Dịch vụ Mobile Money đã tạo được niềm tin cho khách hàng và mở rộng việc tiếp cận dịch vụ tài chính tới nhóm khách hàng mới chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khó tiếp cận hạ tầng thanh toán, mạng lưới ngân hàng.

Để đảm bảo việc triển khai dịch vụ Mobile Money được an toàn và hiệu quả, tăng được số người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ cũng như tăng trưởng về khối lượng/giá trị giao dịch, dịch vụ Mobile Money đem lại những giá trị, tiện ích thiết thực cho người dân, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền Thông, Bộ Công an theo dõi, bám sát, đánh giá tình hình triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money. Đồng thời hướng dẫn, giải đáp vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ Mobile-Money của doanh nghiệp thí điểm.

Phó Vụ trưởng yêu cầu, các các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cũng cần tiếp tục triển khai các hình thức, biện pháp tuyên truyền, thuyết phục các điểm kinh doanh kết hợp với khích lệ kinh tế giai đoạn đầu triển khai dịch vụ cho thấy những lợi ích phi tài chính như tăng lượng khách hàng đến điểm kinh doanh, có thêm nguồn thu từ phí hoa hồng khi có tập khách hàng quen thuộc. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các nội dung liên quan quy định về mục tiêu, phạm vi thực hiện thí điểm, nội dung thí điểm, tổ chức thực hiện, các hành vi bị cấm theo quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg.

Việc có hơn 1,1 triệu thuê bao Mobile Money trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp cho thấy chủ trương thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, nhất là nhóm dân cư chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ dịch vụ ngân hàng.

Theo báo cáo Mobile Money 2022 của Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), cả thế giới hiện có khoảng 1,35 tỷ người sử dụng dịch vụ Mobile Money. Trong đó, khoảng 518 triệu người sử dụng dịch vụ Mobile Money mỗi ngày.

Tổng giá trị giao dịch được thực hiện bằng Mobile Money hiện đạt trên 1.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng lên đến 31% mỗi năm. Hiện dịch vụ Mobile Money đang được cung cấp bởi 316 tổ chức, doanh nghiệp tại 98 quốc gia trên thế giới.

Minh Châu