Mô hình nào cho quản lý di tích

10:53 | 19/06/2013

1,500 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Qua nhiều mùa lễ hội và những cơn “bão trùng tu”, vấn đề quản lý di tích và phát huy giá trị di tích của các ban quản lý, của cộng đồng cư dân sở tại đang nổi lên như một tâm điểm. Làm thế nào để xây dựng được những mô hình quản lý hoạt động hiệu quả và từng cá nhân, từng đại diện cho tổ chức, ban, ngành, cộng đồng trong các mô hình đó phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình? Bài toán về sự phân cấp, phân chức năng quản lý và trình độ, tri thức của bộ máy quản lý đang đặt ra những câu hỏi.

Lúng túng và lúng túng

Hệ thống văn bản liên quan đến quản lý và phát huy giá trị di tích từng bước hoàn thiện; công tác quản lý Nhà nước được tăng cường; các hoạt động phát triển sự nghiệp được đẩy mạnh như xếp hạng, kiểm kê và lập quy hoạch di tích, quy hoạch khảo cổ, cắm mốc giới bảo vệ di tích, bảo quản - tu bổ - phục hồi di tích. Những tiến triển tích cực này đã góp phần vào việc quản lý và phát huy giá trị di tích nước ta những năm qua. Theo đánh giá của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tại Hội thảo - hội nghị “Nâng cao chất lượng quản lý, phát huy giá trị di tích” vừa qua, những hiệu quả này đã nâng cao nhận thức xã hội với việc bảo vệ di sản, giáo dục truyền thống và bản sắc văn hóa, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thể hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước, giúp cho nhiều di tích trở thành những điểm du lịch hấp dẫn…

Nhưng những bất cập, hạn chế trong quản lý, phát huy cũng gây ra không ít hậu quả xấu, làm suy giảm giá trị di tích, xúc tác cho mê tín dị đoan phát triển, khiến cho nếp sống văn minh tại di tích bị ảnh hưởng, nhiều khi trở nên xô bồ, hỗn tạp. TS Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng, bộ máy quản lý di tích chưa được củng cố, kiện toàn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác lập quy hoạch tổng thể đầu tư tu bổ di tích, lập quy hoạch khảo cổ, cắm mốc giới di tích ở hầu hết các địa phương triển khai còn chậm. Việc quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa chưa được chú ý…

Cần tăng cường giám sát trong quản lý di tích vào các dịp lễ hội

Cùng với đó là ý thức của một bộ phận công chúng khi đến di tích còn thấp nên còn xảy ra sự vô tổ chức, làm trái quy định tại di tích, nhất là vào các dịp lễ hội. Trong khi vi phạm, tồn tại là khá phổ biến ở nhiều địa bàn, thì sự giám sát của các cơ quan chức năng trong nhiều trường hợp lại lỏng lẻo, chậm chạp. Cũng theo TS Thế Hùng, công tác thanh tra, kiểm tra di tích chưa được các cơ quan thực hiện thường xuyên. Việc xử lý vi phạm di tích trong thời gian qua cũng chưa kiên quyết, triệt để.

Mô hình nào khả thi?

Thực trạng trên khiến Bộ VH-TT&DL đưa ra câu hỏi và đề nghị các chuyên gia, nhà quản lý trong cả nước cố vấn. Theo Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên, ngành văn hóa cần tiếp thu những đề xuất về hoàn thiện hơn hệ thống văn bản pháp luật, xây dựng mô hình quản lý di tích phù hợp cũng như đưa ra những quy định về ứng xử với di tích. Đồng thời, cần xây dựng và duy trì nếp sống văn minh, an ninh trật tự, cảnh quan, môi trường, hạ tầng… tại các di tích ra sao.

Chúng ta đã có đủ quy chế về bảo tồn, tôn tạo di tích, làm đúng thì không còn gì phải bàn. Nhưng người không hiểu hết! - GS.TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhận xét. Theo GS Tiêu, chúng ta đang nhầm lẫn giữa quản lý trên địa bàn và quản lý chuyên ngành. Các tỉnh, huyện quản lý di tích về mặt hành chính, nhưng chúng ta phải nghiên cứu quản lý di tích về nghiệp vụ, chuyên môn. Từ thực tế này, GS Tiêu đề xuất xây dựng các hội đồng khoa học tư vấn để giúp đỡ cho công tác quản lý, tu bổ, phát huy giá trị di tích. Đồng thời, công tác bảo tồn, tu bổ phải được chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.

GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, mô hình quản lý đang là vấn đề bức xúc cần giải quyết. Tuy nhiên không thể có một mô hình duy nhất mà Bộ nên áp dụng cách quản lý lấy hiệu quả làm trọng. Theo đó các địa phương có thể xây dựng mô hình quản lý phù hợp trên tiêu chuẩn đảm bảo tính toàn vẹn của di tích và huy động được sự tham gia của người dân. Như vậy, đề cao tính chuyên nghiệp, cũng đồng thời phải thực hiện xã hội hóa trong quản lý di tích để chính quyền và quần chúng cùng “nhập cuộc”.

Đòi hỏi từ cuộc sống

Ý tưởng về mô hình quản lý di tích là một phần trong nhiều những nguyện vọng, đề xuất xung quanh cách thức mà các bộ máy quản lý đó vận hành, phối hợp, vận dụng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, huy động các nguồn lực vào việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Nhiều nhà quản lý từ kinh nghiệm ở địa phương mình, đã đưa ra những kiến nghị. Bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh tỉnh Khánh Hòa cho rằng, các tỉnh phải chú trọng tuyên truyền đến các ban quản lý ở cơ sở, đồng thời phải xây dựng được hương ước của thôn, xóm, trong đó có quy định về ứng xử văn minh trong lễ hội. Đặc biệt, Ban Quản lý di tích phải là những người có uy tín và hiểu biết về các nghi thức truyền thống. Bên cạnh đó phải chú trọng đến các chủ thể của di tích và lễ hội là người dân địa phương, kết hợp với việc cán bộ văn hóa cơ sở phải nắm và giúp chính quyền và người dân trong việc tổ chức lễ hội ở cơ sở.

Băn khoăn khi có những vi phạm tại di tích, lễ hội thiếu căn cứ pháp lý để xử phạt, ông Trương Bá Trạng - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa - Sở VH-TT&DL An Giang cho rằng, nên điều chỉnh, bổ sung vào một số nghị định, văn bản để dễ xử lý một số vi phạm cụ thể. Ngoài ra, cần thành lập đội liên ngành có đủ thẩm quyền để kiểm tra, xử lý những vi phạm văn minh lễ hội. Còn theo ông Phan Văn Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì cơ chế quản lý đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích phải được xây dựng đặc thù, linh hoạt, đơn giản theo hướng cải cách thủ tục hành chính. Ông Tuấn nhấn mạnh: Đội ngũ cán bộ quản lý phải có chuyên môn và đa ngành, đồng thời phải không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn, giám sát, thi công khi tu bổ, bảo tồn di tích. Hiện nay, trong xu thế cạnh tranh giữa các khu di sản trong và ngoài nước, ông Tuấn cũng cho rằng, cần có sự phối hợp các khu di sản để phát huy hiệu quả.

Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý di tích phù hợp để hạn chế dần những bất cập và tiêu cực hiện nay đang là công việc cần thiết. Bên cạnh những kế sách từ các nhà quản lý và chuyên gia, rất cần tham khảo những ý kiến, sáng kiến từ các cộng đồng dân cư. Người dân đã và đang giữ gìn di tích qua nhiều thế hệ. Mỗi di tích là nơi gửi gắm niềm tin tâm linh của cả một cộng đồng dân cư. Chính nhân dân đã bảo vệ các di tích theo thời gian và trong không ít trường hợp, người dân cũng góp phần làm mới hóa các di tích. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế quản lý và hoạt động đề cao tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho cả cơ quan chức năng, chính quyền và người dân giám sát, góp ý và đối thoại lẫn nhau.

PGS Trần Lâm Biền: Tôi đi nhiều nơi, có nơi thấy người dân bảo, chùa này giờ là của… sư rồi! Có nơi như ở miếu Bà Chúa Xứ - An Giang, người dân bảo vào lễ bà, nhưng tôi hỏi bà là ai thì họ nói không biết. Tôi vào Huế, có hỏi đùa, chính chiếc đỉnh quay về đâu thì có khi cán bộ văn hóa cũng không biết… Hoặc có người bảo vệ luận văn, vẫn phân ra lễ với hội và quan niệm thô thiển lễ là chuyện cúng bái, hội là chỉ các trò chơi. Nếu làm công tác di sản mà không hiểu về di sản thì khó có thể bảo vệ di sản một cách tử tế được. Còn tu bổ di tích thì lắm lúc người ta làm như tu bổ nhà cửa, không nắm một cách tối thiểu, không sai chỗ nọ thì sai chỗ kia.


Tú Nhi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.