Minh Béo đã bị 'gài bẫy' như thế nào?

07:15 | 31/03/2016

6,818 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau khi Minh Béo bị bắt giữ khẩn cấp tại Mỹ vì tội ấu dâm, nhiều ý kiến cho rằng cảnh sát Hoa Kỳ đã “gài bẫy” diễn viên hài. 

Tờ OC Register dẫn thông cáo của Văn phòng Biện lý Quận Cam, Mỹ cho biết Minh Béo bị truy tố với ba tội danh, gồm: quan hệ tình dục bằng miệng với trẻ vị thành niên, có hành động khiêu dâm với một em bé dưới 14 tuổi và gạ gẫm trẻ nhỏ để thực hiện hành vi dâm ô.

Công tố viên nói rằng ngày 20/3, Minh Béo tiếp cận với một nhóm vũ công tham gia cuộc thi tài năng trên đài phát thanh ở Huntington Beach. Anh bị cáo buộc lạm dụng tình dục một cậu bé vào ngày 23/3 tại một buổi làm việc. Cậu bé này đã báo lại sự việc cho cảnh sát và nhà chức trách nhanh chóng tiến hành điều tra.

minh be o da bi ga i ba y the na o
Diễn viên hài Minh Béo

Ngày hôm sau, một cảnh sát mật của khu Garden Grove đóng giả trẻ dưới 14 tuổi, tiếp cận Minh Béo. Diễn viên hài bị cáo buộc cố gắng sắp xếp cuộc gặp với trẻ vị thành niên (vị cảnh sát mật) với ý định lạm dụng tình dục và bị bắt giữ ngay sau đó. Theo biện lý Quận Cam, nếu vi phạm toàn bộ cáo buộc, Minh Béo có thể phải chịu mức án giam 5 năm 8 tháng tại nhà tù bang.

Ngay sau khi Minh Béo bị bắt, nhiều ý kiến cho rằng cảnh sát Hoa Kỳ đã “gài bẫy” diễn viên hài. Tuy nhiên, luật sư gốc Việt Nguyễn Hoàng Duyên ở San Jose (California) cho biết theo luật bang California, cơ quan thực thi pháp luật có quyền đóng vai để tiếp xúc đối tượng điều tra. Trên thực tế không chỉ bang California có luật này. Tòa án Hiến pháp Mỹ từng khẳng định “hành động lén lút và chiến thuật là những công cụ cần thiết trong kho vũ khí của các sĩ quan cảnh sát”. Tòa án này cũng nhấn mạnh: “Trong nhiều trường hợp, lừa dối nghi can là kỹ thuật duy nhất mà cơ quan thực thi pháp luật có thể áp dụng”.

Trường hợp cảnh sát chìm giả dạng để bắt chuyện với Minh Béo và rồi sau đó anh bị bắt không được xem là chuyện “gài bẫy.” Vì cảnh sát có lý do để tin là người này làm điều phạm pháp thì họ “sắp đặt” một cuộc nói chuyện để chứng minh người này có tội là điều được cho phép.

Việc mà cảnh sát nói chuyện, tạo dựng nên những cuộc nói chuyện để lấy thêm thông tin từ một vụ phạm tội thì điều đó hoàn toàn được phép. Thậm chí, trong một số trường hợp, thanh tra viên được phép khuyến khích, thậm chí hỗ trợ nghi can thực hiện hành vi phạm tội.

minh be o da bi ga i ba y the na o
Cảnh sát California rà soát kẻ tình nghi

Trong luật pháp Mỹ, các chiến dịch điều tra “giăng bẫy” được chia làm hai loại. Ở loại thứ nhất, thanh tra viên đóng giả làm kẻ tham gia vào hoạt động phi pháp như người mua hoặc người bán hàng hóa và dịch vụ phi pháp. Loại thứ hai, thanh tra viên giả dạng làm “con mồi” của các hành vi phạm tội có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nguyên tắc chung là “bẫy” mà cảnh sát sử dụng không trở thành hành vi cưỡng ép khiến người vô tội phải phạm tội hoặc phải thú nhận một tội lỗi mà họ không thực hiện.

Vì vậy, trong trường hợp vụ án của diễn viên hài Minh Béo, cảnh sát bang California đã thực hiện chiến dịch điều tra “giăng bẫy” loại thứ 2 và không hề vi phạm pháp luật của Mỹ hay của bang. Bởi cảnh sát có lý do để tin là người này làm điều phạm pháp thì họ “sắp đặt” một cuộc nói chuyện để chứng minh người này có tội là điều được cho phép. 

Anh Anh (th)