“Miếng ngon nhớ lâu” và đậm sâu nghĩa tình

19:37 | 28/02/2024

113 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối cùng, phong lương khô nhỏ ấy vẫn lặng yên trong túi áo vest, cùng tôi lên chiếc máy bay của hãng AirFrance rời sân bay Habana, trĩu nặng. Bữa ăn trên máy bay khá thịnh soạn, tinh tế, nhưng khi bất giác cho tay vào túi áo nắm chặt phong lương khô, một cảm nhận rất trầm cứ lấn sâu mãi trong suy tư, suốt cả chuyến bay.

“Miếng ngon nhớ lâu” và đậm sâu nghĩa tình
Từ Pháo đài cổ Castillo de la Real Fuerza rất rõ một Cuba anh hùng, đang vươn xa, mạnh mẽ_Ảnh: Q.A

Từ những kỷ niệm quý...

Lần đầu tiên tôi được ăn một phong lương khô như vậy, chính xác chỉ là một miếng nhỏ lương khô, khi tôi khoảng 8 tuổi - học lớp 3. Đức - đứa bạn cùng lớp với khuôn mặt rất “nghiêm trọng” - kéo tôi ra tận bờ mương gần lớp học mới lôi từ túi quần một miếng lương khô, bẻ làm đôi chìa cho tôi một nửa, thì thầm: “Ăn từ từ. Bố tao mang về. Cực ngon”. Hóa ra, chú Đông bố nó mấy năm sau giải phóng miền Nam mới về nhà; “chiến lợi phẩm” mang về có cả lương khô - khẩu phần của bộ đội thời ấy. Tôi là đứa bạn đặc biệt, rất thân, mới được Đức cho ăn lương khô cùng. Miếng lương khô ấy, tôi không thể nhớ nổi màu sắc, hương vị, nhưng nhớ mãi, là ngon.

Chuyến công tác nước ngoài lần này của tôi rất đặc biệt, xuất hành ngày mùng Một tết và là lần đầu tiên tôi được đến với nước bạn Cuba. Chị em văn phòng cơ quan rất chu đáo chuẩn bị quà tặng, đồ dùng, có cả giò Ước Lễ, chè Thái Nguyên, nước mắm Ba Làng, kẹo lạc Cổ Đường,... như muốn bù đắp cho tôi một cái tết xa quê, cũng làm quà ăn tết cùng cán bộ Đại sứ quán bên đó. Vợ và con gái chuẩn bị mì tôm, lương khô vì thói quen ăn đêm của tôi, nhất là khi đến những vùng lệch múi giờ. Tôi quyết định mang nhiều hơn thường lệ, “hết công suất” vì biết quà quê mang đi càng xa càng quý, lại có thể làm quà tặng cho các bạn Cuba nghe nói đang còn rất thiếu thốn. Chả thế mà khi thấy vợ cẩn thận cài từng phong lương khô lẫn vào đống đồ đạc trong vali, tôi lập tức “quyết”: “cho cả thùng vào, càng nhiều càng tốt”.

Hai chặng bay đường dài, mỏi mệt. Lệch múi giờ đúng 12 tiếng, nhận phòng khách sạn xong đã 11 giờ đêm, ấy vậy mà tôi không ngủ được. Ba giờ sáng, tôi quyết định đi dạo trong khuôn viên rộng quanh khách sạn Palco, không quên cầm theo bao thuốc lá và phong lương khô để ăn đêm như thường lệ. Dưới sảnh, lễ tân bận rộn ghi chép trong quầy làm thủ tục, nhân viên vệ sinh miệt mài lau tiền sảnh, 2 nhân viên bảo vệ cao lớn, 1 già, 1 trẻ vẫn đứng trực trong - ngoài cửa ra vào, cùng tươi cười chào buổi sáng bằng tiếng Anh. Hút điếu thuốc, từ ngoài sân nhìn vào, chợt nghĩ các bạn trực suốt đêm như vậy hẳn cũng đói như mình, tôi trở lại phòng, lấy một số lương khô và mì ăn liền xuống sảnh. Mọi người cùng vui vẻ hít hà điếu thuốc Thăng Long, kể cả 2 bạn nữ; dễ dàng nhận ra những gói mì tôm qua cử chỉ rót “hot water” và xòe bàn tay “five minutes”, nhưng với những phong lương khô, mọi người tỏ ra rất thích thú và lạ lẫm. Khả năng tiếng Anh bập bõm cùng cử chỉ bằng tay không cho phép tôi giới thiệu, hướng dẫn các bạn cách sử dụng lương khô, tôi bèn cầm lại một phong từ tay người bảo vệ già xé vỏ ra, vô tư bẻ một miếng cho vào miệng và lần lượt bẻ thanh lương khô đưa từng người ăn thử. Khi đưa trở lại cho người bảo vệ, còn khoảng nửa thanh, tôi chợt nhận ra, rất nhanh, có một thoáng suy tư trên khuôn mặt. Anh bẻ cẩn thận một mẩu nhỏ, ăn chậm rãi, gật gù thích thú, rồi nhanh chóng gói phần còn lại cho vào túi áo. Thấy tôi nhìn, anh xòe bàn tay ngang thắt lưng ra dấu và nói nhỏ “for my children”. Vậy là, nhận nửa phong lương khô còn lại từ phong tôi lấy để giới thiệu cho mọi người cách sử dụng anh đã không ăn hết, kể cả phần thừa đã bóc, để dành mang về cho con - món quà ngon mà mới lạ đến từ Việt Nam.

Tôi đã được ăn những thứ ngon, lần đầu tiên trong đời, do bố mang về - hẳn cũng như đứa con nhỏ của người bảo vệ. Như lần đầu tiên tôi được ăn miếng giò lụa, là khi bố cùng các cô chú đi trông thi ở một xã gần Ước Lễ và xã mời cơm. Thấy khách cố ý không đụng đũa đến đĩa giò, chủ hiểu ý gói từng miếng để khách mang về; riêng bố tôi, vì là chủ tịch hội đồng thi nên được hẳn một khoanh giò. Chẳng hiểu sao tôi vẫn nhớ được cả câu chuyện bố kể, từng chi tiết nhỏ; liên hệ để đoán rằng khi đó tôi mới lên 6 tuổi, để rồi mỗi khi đưa bạn về giới thiệu làng Ước Lễ gần quê hoặc mang những cân giò làm quà trong các chuyến công tác tới tận châu Phi, châu Mỹ, tôi đều nhớ lại câu chuyện ấy như một kỷ niệm quý của riêng mình.

Mấy đêm tiếp theo, cứ đến cữ thức giấc 2 giờ sáng, tôi lại xuống dưới sảnh khách sạn. Các kíp trực thay nhau lên luôn gặp những người bạn mới. Ngoài mì tôm, lương khô, tôi còn mang theo kẹo lạc và “gạ” được các bạn uống nước chè Việt Nam. Mỗi nhóm trực 4 người, số quà tôi mang xuống tặng, luôn để riêng một phong lương khô với chủ ý đền lại phong lương khô tôi đã lấy mời mọi người cùng ăn thử cho người bảo vệ hôm trước. Nhưng đến tận hôm rời nước bạn, tôi vẫn không gặp được người bảo vệ hôm trước. Rào cản ngôn ngữ cùng sự ngần ngại vô hình nào đó khiến tôi không gửi lại ai đó nhờ đưa phong lương khô tới anh.

“Miếng ngon nhớ lâu” và đậm sâu nghĩa tình
Tác giả và đồng nghiệp người Cuba_Ảnh: Q.A

... đến giá trị khắc ghi

Đất nước Cuba tươi đẹp, thanh bình. Người dân Cuba chân thành, nồng nhiệt. Thật cảm động là trong điều kiện vô vàn khó khăn, túng thiếu, các bạn Cuba vẫn dành những gì tốt nhất có thể để đón đại biểu từ gần 40 nước đến dự hội nghị. Những ngày ở Cuba, các bữa ăn theo chế độ hội nghị, chúng tôi đều cố gắng ăn đủ, ăn hết khẩu phần. Chẳng ai nói với ai nhưng đều hiểu rằng, những món bạn mang ra đãi khách như thịt bò, thịt lợn,... đang thực sự là đồ hiếm tại đây, không được phép để thừa, lãng phí. Đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Cộng sản Cuba trong bữa ăn trưa cùng chúng tôi đã chỉ vào đĩa cơm mà nói: “gạo từ Việt Nam mang đến. Biết người dân Cuba thích dùng gạo, các bạn Việt Nam luôn gửi gạo chia sẻ với Cuba”. Mọi người đều rưng rưng xúc động. Tôi cũng thấy tận mắt và ăn bằng thật một bát nhỏ gạo nấu lẫn đỗ đen. Gạo là lương thực và đậu đen là thực phẩm - đó chính là khẩu phần của nhiều người dân Cuba trong bối cảnh bị bao vây cấm vận siết chặt hiện nay.

Những bữa đi ăn bên ngoài, đoàn chúng tôi thoải mái thưởng thức món tôm hùm, cực ngon mà nghe nói là rẻ lắm. Có ai đó oang oang - ngon và rẻ thế này mà sao người Cuba ít ăn nhỉ?! Nữ cán bộ Đại sứ quán vừa nhặt những miếng tôm hùm còn thừa cho vào hộp giấy nhỏ mang về, vừa ý nhị nói với tôi: “rẻ với mình, nhưng không rẻ với các bạn đâu. Ngay tại Cuba, người dân không phải ai cũng dễ được ăn tôm hùm. Tôm hùm ăn vài lần là ngán nhưng không được để bạn đánh giá là mình ăn một cách hoang phí, thừa mứa”.

Rời Cuba, trong hành lý mang về của tôi có đủ cơ số được phép những điếu xì gà. Tôi cố tỏ ra sành điệu khi nói về các loại xì gà Cuba, rất đắt tiền và rất quý, sẽ rất sang khi hút tại sân golf, hoặc khi ngồi trước tivi xem đá bóng... Nhẩm tính số xì gà mang về, cho tay vào túi áo nắm chặt phong lương khô, bỗng thấy suy tư. Đứa bé con của người bảo vệ khách sạn, không hiểu sao tôi cứ tin là cậu bé và là con út như tôi, chắc rằng sẽ thích thú với món ăn lạ từ Việt Nam mà người bố đưa về - một miếng lương khô không còn nguyên vẹn. Cuộc đời cậu chắc sẽ chẳng phải ăn lương khô nhiều như tôi, nhưng hẳn, nếu gặp lại hoặc có thêm một lần ăn lương khô, cậu sẽ nhớ về một kỷ niệm đẹp thuở ấu thơ. Tôi không biết cậu bé có cho rằng miếng lương khô nhỏ ấy ngon hay không, nhưng tôi tin là cậu sẽ nhớ lâu. Món quà có được trong nghèo túng, thiếu thốn, là kết quả sự sẻ chia, đượm tình cảm thiêng liêng mà không phải ai cũng có được, luôn là những điều trân quý. Bất giác, tôi nghĩ về mối quan hệ sâu sắc giữa Cuba và Việt Nam. Các bạn Cuba đã sẻ chia với Việt Nam những món quà vô giá. Trong chiến tranh giải phóng của chúng ta, Cuba thực sự sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình vì Việt Nam, lãnh tụ Cuba là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên vào tận vùng mới giải phóng, vẫn trong tầm pháo địch. Trong hoàn cảnh chiến tranh và túng thiếu của Việt Nam, một con đường mang tên Cuba được bạn giúp xây dựng đến nay vẫn được mọi người trầm trồ về chất lượng; bệnh viện, trường học mang tên tình hữu nghị Việt Nam - Cuba vẫn còn đó khắc ghi. Và gần đây, trong đại dịch COVID-19, cũng chính Cuba sẵn sàng gửi vaccine giúp đỡ Việt Nam vô điều kiện. Đó thực sự là “miếng ngon nhớ lâu”, là giá trị mà không ai được phép quay lưng, ngoảnh mặt.

Có những điều vô tình với người mà chính là sự vô tình với mình.

Tôi day dứt vì hôm rời Cuba đã không cố nán lại thêm vài phút, nhờ ai đó phiên dịch rồi gửi phong lương khô tới người bảo vệ khách sạn hôm đó; để cậu con út của anh có thêm phong lương khô - được gửi đến từ một cậu bé thời bao cấp ở Việt Nam hơn 40 năm trước. Tôi thấy chẳng có gì đáng tự hào khi ăn tôm hùm thỏa thuê trên đất nước bạn; càng không nên tự hào tỏ ra sành điệu khi hút những điếu xì gà Cuba. Có chăng, hãy tự hào rằng chúng ta đã từng khó khăn, nghèo đói không kém gì bạn hiện nay, nhưng nhờ đổi mới mà chúng ta sớm thoát khỏi khó khăn; và tự hào là chúng ta không bao giờ quên sự giúp đỡ của bạn bè đồng chí, luôn sẵn sàng sẻ chia với bạn trong khó khăn, thiếu thốn với một niềm tin tốt đẹp ở phía trước.

Miếng lương khô đầu đời kỷ niệm ấu thơ và tôm hùm, xì gà của hiện tại, nói theo cách nói của dân quê tôi thì “chẳng tội vạ gì đến nhau”. Chắc chắn rằng, sẽ đến lúc tôm hùm, xì gà và nhiều đặc sản Cuba sẽ đến các thị trường lớn trên thế giới và đến với Việt Nam. Chúng ta đều biết và khâm phục, vững tin khí phách, năng lực của người dân Cuba. Với vị trí tiềm lực của Cuba, sẽ gần thôi, một ngày Cuba vượt khó, giàu có và ngày càng tươi đẹp, hạnh phúc.

Khi chưa làm được điều gì thật lớn lao để hãnh diện với quá khứ, điều tốt nhất và duy nhất mà ta có thể làm là không được quên quá khứ. Và đương nhiên, cuộc đời mỗi chúng ta sẽ thưởng thức ngày càng nhiều những món ngon của cuộc sống thì món ngon đầu đời sẽ là gia vị nhiệm mầu để những món ngon trong cuộc sống đượm hơn./.

Trên chuyến bay từ thành phố La Habana đến Paris Charles-de-Gaulle đêm mùng 9 Tết Giáp Thìn 2024.

Theo Chuyên trang Hồ sơ sự kiện - Tạp chí Cộng sản

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps