Mất rừng là mất tất cả!

13:00 | 08/12/2020

550 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nói về tác hại của việc thủy điện nhỏ tràn lan tàn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, GS.TSKH Lê Huy Bá khẳng định: Mất rừng dẫn đến mất nước, mất nước dẫn đến mất đất, mất sinh kế, cuối cùng mất rừng là mất tất cả. Phóng viên Tạp chí Năng lượng Mới đã phỏng vấn GS.TSKH Lê Huy Bá để làm rõ hơn vấn đề này.

PV: Ông nhìn nhận sự liên quan giữa thủy điện nhỏ - rừng - lũ lụt như thế nào?

Mất rừng là mất tất cả!
GS.TSKH Lê Huy Bá

GS.TSKH Lê Huy Bá: Từ nhiều năm trước, trong những lần công tác tại miền Trung - Tây Nguyên, tôi đã liên tục cảnh báo về việc chính quyền địa phương cấp phép làm thủy điện nhỏ ồ ạt. Theo tính toán thực tế, mỗi thủy điện dù lớn hay nhỏ thì cũng “nuốt” khoảng 200-300 ha rừng tự nhiên. Mất rừng là mất nước, do nước không thấm được xuống đất mà tăng dòng chảy tràn bề mặt gây ra lũ quét, lũ ống. Kế đến, mất nước dẫn đến mất đất bởi đất sẽ bị xói mòn, rửa trôi và cuối cùng là sẽ làm mất tất cả tài nguyên.

Thêm nữa, nếu làm nhiều hồ chứa nước, hồ thủy điện trên một dòng sông thì dẫn đến hiện tượng thấm nước. Hồ đến đâu thì nước thấm ngang đến đó, thấm vào đồi, vào núi gây hiện tượng bở rời trong đất. Khi đó, chỉ cần một lượng mưa và áp lực nước đủ lớn thì sẽ khiến đồi núi trôi tuột tất cả. Có nghĩa, mất rừng là mất tất cả.

Việc quản lý liên hồ thủy điện của chúng ta cũng không thống nhất, chặt chẽ. Đối với hồ thủy điện, đến mùa mưa lũ thì phải xả nước liên tục, nếu xả nước không có điều tiết chung thì rất nguy hiểm, hồ nào cũng xả thì dưới hạ lưu sẽ bị ngập lụt...

Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phản đối thủy điện, bởi những lợi ích mà nó mang lại là rất rõ ràng, nhất là trong bối cảnh thủy điện vẫn đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, là nguồn năng lượng sạch. Nhưng, phát triển thủy điện theo kiểu không có quy hoạch, xây dựng tràn lan, nhất là thủy điện nhỏ, tác hại vô cùng lớn.

Thực tế, thủy điện nhỏ có thời gian phát triển ồ ạt là có lý do. Thứ nhất, làm thủy điện nhỏ có siêu lợi nhuận, đồng thời rất dễ làm. Theo quy định, thủy điện có công suất 10 MW trở xuống giao địa phương đánh giá tác động môi trường và ra quyết định, từ đó dễ sinh ra lợi ích nhóm, đánh giá qua loa, cấp phép tràn lan.

Những con sông nhỏ ở miền Trung như sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Con, sông Cả... có chung đặc điểm là những con sông ngắn, dốc nên làm thủy điện rất thuận lợi, nhưng cũng rất tai hại khi dễ sinh ra lũ ống, lũ quét. Chúng tôi đã cảnh báo nhiều rồi nhưng đôi khi cảnh báo của nhà khoa học ít được xem trọng.

Mất rừng là mất tất cả!
Lũ lụt, sạt lở đất ở miền Trung vừa qua (ảnh: TTXVN)

PV: Không nói đến nguyên nhân từ phá rừng để làm thủy điện tràn lan, những hiện tượng thời tiết cực đoan như bão nhiều, cường độ mạnh, lũ dữ, hạn hán kéo dài trong những năm gần đây có phải là do biến đổi khí hậu ngày càng mạnh lên, thưa ông?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Đánh giá toàn bộ về thời tiết cực đoan rất khó bởi có nhiều yếu tố. Có thể là do biến đổi khí hậu hoặc do diễn thế khí hậu có đột biến, quái dị... Nhưng suy cho cùng, tất cả là do con người. Con người đã tác động quá mạnh vào hệ sinh thái gây biến đổi khí hậu. Quốc gia nào cũng nhìn thấy điều đó nhưng vì quyền lợi quốc gia, hay do đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu nên họ cứ phát thải khí nhà kính, tác nhân lớn gây nên biến đổi khí hậu.

Nhưng rồi nhiều nơi cũng bắt đầu “thấm đòn” khi biến đổi khí hậu đã gây ra thiên tai ngày càng nặng nề tại một số quốc gia, Trung Quốc là một điển hình. Nói “mẹ thiên nhiên đã nổi giận, đã cho con người những bài học đúng đắn và đau đớn” là rất chính xác.

PV: Theo ông, những giải pháp nào có thể hạn chế mặt trái của thủy điện, cũng như phòng tránh tác hại của thiên tai bão, lũ, sạt lở đất?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Đối với thủy điện, làm từ đầu thì dễ, nhưng chỉnh đốn lại thì rất khó, nhất là với những sai lầm từ quy hoạch ban đầu. Quy hoạch là khoa học phải đi theo 4 từ: Politics - Technich - Environment - Social. Quy hoạch thủy điện cũng vậy. Làm thủy điện mà không biết được tác động môi trường như thế nào, ảnh hưởng lâu dài ra sao đối với hệ sinh thái và con người thì nguy hiểm vô cùng. Hậu quả là dân chịu, hệ sinh thái chịu, chứ chưa thấy cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về sai sót của mình.

Biến đổi khí hậu ngày càng mạnh sẽ gây nên những dị thường trong thời tiết như mưa lũ và những đập thủy điện không an toàn sẽ góp phần gây ra những trận ngập lụt, lũ ác, sạt lở cho vùng hạ lưu. Thật đau đớn khi phải nhìn nhận thực tế là những hiện tượng này sẽ tiếp diễn, thậm chí ngày càng nặng nề hơn.

Vấn đề đặt ra là chúng ta không chống lại được thiên nhiên mà phòng, tránh và chung sống với thiên nhiên như thế nào? Trước đây, tôi đã từng giới thiệu phương pháp lập bản đồ dự báo lũ ống, lũ quét tỷ lệ 1/25.000 để dự báo vùng dân cư bị lũ lụt.

Chúng ta nên bố trí lại dân cư, không tập trung sinh sống ở những vùng dễ bị ảnh hưởng của lũ, sạt lở; đồng thời bố trí sản xuất sao cho hợp lý.

Về các công nghệ để phòng tránh lũ quét, lũ ống, chúng ta đã nghe thấy nhiều, bản thân tôi cũng đã giới thiệu trong các cuốn sách về lũ ống, lũ quét. Nhưng nhìn chung, tất cả các giải pháp chỉ là đối phó thôi, làm sao chống lại nổi thiên nhiên?

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Làm thủy điện mà không biết được tác động môi trường như thế nào, ảnh hưởng lâu dài ra sao đối với hệ sinh thái và con người thì nguy hiểm vô cùng. Hậu quả là dân chịu, hệ sinh thái chịu, chứ chưa thấy cá nhân, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về sai sót của mình.

Lê Trúc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc