Lưu manh và du thủ du thực

00:00 | 20/11/2012

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Thưa học giả An Chi, từ trước đến nay, nói đến “kẻ lưu manh” thì ai cũng nghĩ đó là kẻ đầu trộm đuôi cướp, phi nhân cách. Nhưng trong từ gốc, “lưu manh” là kẻ ngu ngơ, nay đây mai đó ăn xin (trong “Thiên Vệ Phong” của Kinh Thi). Xin ông giải thích cặn kẽ gốc từ “lưu manh” và từ “du thủ du thực? Xin cảm ơn ông. Việt Vương (Cát Linh, Hà Nội).

An Chi: Thực ra câu đầu của bài “Manh” trong “Thiên Vệ Phong” của Kinh Thi là “Manh chi si si” 氓之蚩蚩, không có chữ “lưu” 流. Manh 氓 là một từ mà nghĩa nguyên thủy đã được Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) giảng là:

“1. Dân; cổ đại xưng bách tính (Người dân; xưa chỉ trăm họ)”. Mao Trạch Đông họa thơ Quách Mạt Nhược (“Họa Quách Mạt Nhược đồng chí”) có câu:

Tăng thị ngu manh do khả huấn
Yêu vi quỷ hoặc (quắc) tất thành tai.

Dịch ý:

Sư cũng dân lành còn sửa được
Yêu tinh là quỷ dấy tai ương.

 “2. Dã dân. Chu triều chỉ cư trú tại bỉ dã địa khu tùng sự nông nghiệp sinh sản đích nô lệ”. (Dân quê. Thời Chu, chỉ những người nô lệ cư trú tại những vùng quê để sản xuất nông nghiệp).

Cũng xin nói thêm là về mặt tạo tự, có ý kiến phân tích rằng trong chữ 氓 (manh) thì chữ 亡 (vong) vừa hài thanh vừa hội ý. Đây là điểm phức tạp cần nói rõ. Về mặt ngữ âm thì chữ 亡 (vong) vốn có phụ âm đầu [m] nên việc nó hài thanh cho 氓 (manh) cũng giống như nó hài thanh cho các chữ 忙, 杗 , 杧, 芒, 邙  (đều cùng có phụ âm đầu [m] và đọc là “mang”). Về mặt hội ý thì 亡(vong)  là “mất đi”, rồi hiểu xa thêm là “không có”; chữ 民 (dân) chỉ người thuộc thị tộc sở tại. Chữ 亡 (vong) và chữ 民 (dân) kết hợp với nhau thành 氓 (manh) để hội cái ý “kẻ đã lìa xa quê gốc”, “kẻ kiều cư ký ngụ ở một địa phương nhất định”.

Xin chú ý rằng, hiện nay, với cả hai nghĩa, chữ đều được đọc là “manh” trong tiếng Việt nhưng trong tiếng Hán hiện đại, với nghĩa 1, nó được đọc (ghi theo lối pinyin) là “méng” nhưng với nghĩa 2 thì nó lại được đọc thành “máng” (nên “lưu manh đọc là “liúmáng”).

Còn lưu manh 流氓 thì nghĩa gốc cũng giống như cái ý được hội vừa phân tích ngay trên và hai chữ này tạo nên một danh ngữ mà chính Hán ngữ đại tự điển cũng giảng là “nguyên chỉ vô nghiệp du dân, hậu lai chỉ phẩm chất ác liệt, bất vụ chính nghiệp, vi phi tác đãi đích nhân”. (Vốn chỉ lưu dân không nghề nghiệp; về sau chỉ những kẻ phẩm chất dữ dằn, không làm việc chính đáng, làm bậy làm càn).

Thế là lưu manh vốn có nghĩa trung hòa, nhưng nay thì hai tiếng này có nghĩa là kẻ du thủ, du thực, rày đây mai đó, không có công việc làm ăn, rồi nghĩa bóng là đứa du côn, bất lương. Tùy theo ngữ cảnh mà nó có thể được dùng như danh từ hoặc tính từ. Nó có thể được dịch sang tiếng Anh thành hàng loạt từ tương ứng: a hoodlum; a hooligan; a rogue; a ruffian; a gangster; a rascal; a corner man; a riff-raff; a blackguard; a scoundrel; v.v...

Nhân tiện, cũng xin nói qua về khái niệm mà người ta thường dịch sang tiếng Việt thành “vô sản lưu manh” do Karl Marx và Friedrich Engels đặt ra đầu tiên là trong quyển “Ý thức hệ Đức” (1845), rồi trong những công trình về sau của Marx. Khái niệm này đã được daitudien.net định nghĩa là:

“Tầng lớp gồm những kẻ hành khất, du đãng, vô gia cư, trộm cắp, gái điếm, v.v... Vô sản lưu manh là những phần tử bị loại ra ngoài giai cấp, không có giai cấp tính, sống ở nấc thang dưới cùng của xã hội có giai cấp. Trong xã hội tư bản, nạn thất nghiệp kinh niên cùng với quá trình bần cùng hóa nhân dân lao động là những căn nguyên cơ bản hình thành tầng lớp vô sản lưu manh. Do không có tính giai cấp nên vô sản lưu manh không thể đấu tranh chính trị có tổ chức. Giai cấp tư sản thường lợi dụng tình cảnh khó khăn về vật chất cùng bản chất vô chính trị của vô sản lưu manh để thu hút họ vào hàng ngũ những kẻ phá hoại bãi công, tham gia các vụ khủng bố chính trị. Chỉ khi nào loại bỏ được những căn nguyên nêu trên thì mới có thể thanh toán được vô sản lưu manh trong xã hội”.

Thực ra, “vô sản lưu manh” trong nguyên văn của Marx và Engels là “Lumpenproletariat”, trong đó “Lumpen” là “giẻ lau; giẻ rách” còn “Proletariat” là “(giai cấp) vô sản”. Vì vậy mà chúng tôi cho rằng, nếu muốn sát nguyên văn thì ta cũng có thể dịch nó thành “vô sản khố rách áo ôm”, gọi tắt là “vô sản khố rách”. Tàu cũng dịch “Lumpenproletariat” thành 流氓无产阶级 (lưu manh vô sản giai cấp) nên có lẽ các văn kiện, tài liệu của ta đã theo cách dịch này.

Còn thành ngữ “du thủ du thực” thì chỉ đồng nghĩa bộ phận với hai tiếng “lưu manh” mà thôi. Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng - Vietlex, 2007) giảng “du thủ du thực” là “chơi bời lêu lổng, không có nghề nghiệp”. Thế thì rõ ràng là thành ngữ này “nhẹ” hơn, “hiền” hơn hai tiếng “lưu manh” vì “lưu manh” thì còn có thể “làm càn, làm bậy” theo kiểu “xã hội đen” nữa.

A.C