Luật sư phân tích vụ tài xế Vinasun bỏ mặc hai người bị TNGT

18:57 | 29/06/2019

362 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sau khi xảy ra va chạm, hai người đi xe máy văng lên vỉa hè, một người tử vong. Lái xe taxi Vinasun sau khi xuống xe đã bỏ mặc nạn nhân và rời đi...

Liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) phân tích: Đây là vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm làm một người phụ nữ tử vong.

Điều đáng lên án là tài xế Vinasun đã vô cảm bỏ đi sau khi xuống xe thấy 2 nạn nhân đi xe máy va chạm với mình đang nằm thoi thóp mà không cứu giúp đưa đi cấp cứu, dù có đủ điều kiện cần thiết.

luat su phan tich vu tai xe vinasun bo mac hai nguoi bi tngt
Tài xế Vinasun bỏ mặc hai người bị TNGT (ảnh cắt từ clip).

Theo luật sư Thơm, cần đánh giá chính xác lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ thuộc về ai để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc này cần đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng.

Nêu quan điểm của mình, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, qua hình ảnh camera cho thấy tài xế Vinasun và lái xe môtô đã có lỗi vi phạm luật giao thông đường bộ. Cụ thể như sau:

Tài xế Vinasun vi phạm Khoản 1 Điều 15 Luật Giao thông đường bộ “chuyển hướng không giảm tốc độ và có tín hiệu báo rẽ".

Lái xe môtô vi phạm Điều 12 Luật GTĐB Tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe “Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường” và vi phạm Khoản 3 Điều 5 Thông tư 91/2015: Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong trường hợp “Qua nơi đường bộ giao nhau cùng mức”.

luat su phan tich vu tai xe vinasun bo mac hai nguoi bi tngt
Luật sư Nguyễn Anh Thơm.

Xét về lỗi vi phạm của các bên trong vụ việc này là lỗi hỗn hợp. Hậu quả làm một người tử vong nên cả hai người điều khiển phương tiện ôtô và xe môtô đều phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 BLHS.

Đối với người điều khiển xe môtô, nếu có căn cứ xác định khi điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm a, Khoản 2 Điều 260 BLHS với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Đối với người điều khiển xe taxi Vinasun, do có hành vi chạy trốn và cố ý không cứu giúp người bị nạn sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điểm c, Khoản 2 Điều 260 với khung hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Trước đó, vào khoảng 3h sáng 25/6, xe máy do anh Nguyễn Hoàng Long cầm lái chở chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên va chạm với taxi Vinasun tại giao lộ Tân Hương - Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP HCM). Cú tông mạnh khiến hai người văng lên vỉa hè.

Chị Tiên tử vong tại chỗ, còn nam thanh niên bị thương nặng, co giật. Sau tai nạn, tài xế taxi Vinasun xuống xe quan sát rồi lặng lẽ bỏ đi.

Hành động của lái xe taxi khiến dư luận phẫn nộ bởi không đưa hai người bị TNGT đi cấp cứu.

Điều 260 BLHS: Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương có thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;

c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:

g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Xuân Hinh