Lừa đảo mua hàng trả góp

14:59 | 27/08/2017

3,914 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xuất hiện các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn mua hàng trả góp bằng giấy tờ giả. Nạn nhân của loại tội phạm này là các siêu thị điện máy công ty tài chính. 

Thủ đoạn tinh vi

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Ba Duy (29 tuổi, ở thành phố Tam Điệp, Ninh Bình), Phùng Xuân Hùng (22 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội), Hoàng Thu Hà (22 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) và Phạm Thanh Niên (21 tuổi, ở huyện Yên Mô, Ninh Bình) về hành vi sử dụng giấy chứng minh nhân dân (CMND) và sổ hộ khẩu đi mượn để mua hàng trả góp và chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 600 triệu đồng.

Theo tài liệu điều tra, nhóm đối tượng này đội lốt các công ty cho vay tín chấp và đăng tải thông tin trên mạng xã hội rằng, vay tiền chỉ cần thế chấp CMND và sổ hộ khẩu. Sau đó, chúng chiếm đoạt các loại giấy tờ này. Khi có được các giấy tờ, chúng thay ảnh của đồng phạm vào CMND rồi đến các siêu thị điện máy để mua hàng trả góp. Các đối tượng chủ yếu đến các siêu thị điện máy có chương trình liên kết với các công ty tài chính như Home Credit, Fe Credit, HD Saison để lừa đảo.

lua dao mua hang tra gop
Nhóm đối tượng làm giả giấy tờ chiếm đoạt tài sản bị Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bắt giữ
Luật sư Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp: “Đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cần phải xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”.

Tại các siêu thị điện máy, chúng dùng giấy tờ “tự chế” làm thủ tục mua điện thoại trả góp. Nếu nhân viên của công ty tài chính gọi điện thoại xác minh, sẽ có đối tượng đồng phạm khác nghe điện thoại nhận là người nhà của người mua hàng. Bằng thủ đoạn đó, nhóm đối tượng này đã gây ra khoảng 90 vụ tại các siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố Hà Nội với số tiền hơn 600 triệu đồng.

Trước đó, cuối tháng 6-2017, TAND thành phố Hải Phòng đã mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo làm giả giấy tờ mua hàng trả góp. Từ tháng 6 đến tháng 10-2016, các bị cáo Ram Jack Sinh, Cao Thị Nhung, Phạm Mạnh Minh (cùng ở phố Lạch Tray, quận Lê Chân, TP Hải Phòng); Nguyễn Văn Chung (xã An Đồng, huyện An Dương); Nguyễn Thị Thu Hồng (phường Đằng Lâm, quận Hải An) lên mạng Internet quảng cáo dịch vụ cho vay trả góp, xin việc làm để lấy CMND và các giấy tờ tùy thân của một số người. Lợi dụng hoạt động cho vay trả góp của Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit và Công ty Tài chính TNHH HD SaiSon, các bị cáo sử dụng CMND, giấy phép lái xe, hộ khẩu (đã thay ảnh của chúng) để ký hợp đồng tín dụng mua điện thoại trả góp rồi rao bán lại qua mạng, chiếm đoạt hàng chục triệu đồng. Hội đồng xét xử tuyên phạt các bị cáo Sinh, Nhung, Minh, Chung mức án từ 15 tháng tù đến 24 tháng tù; bị cáo Hồng 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Cần cảnh giác

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình cho biết: “Việc các công ty tài chính tạo điều kiện cho vay vốn mua hàng trả góp với thủ tục đơn giản, nhanh gọn đã tạo điều kiện, tiết kiệm cả thời gian và công sức cho khách hàng. Tuy nhiên, chính từ những thao tác dễ dàng, đơn giản của các công ty tài chính đã mở đường cho nhiều kẻ lợi dụng sự sơ hở để phạm tội. Việc làm giấy tờ giả thể hiện sự không trung thực ngay từ đầu, có hành vi gian dối của khách hàng. Ngoài việc người vi phạm hạn chế sự hiểu biết pháp luật, lòng tham và có hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thì do các công ty tài chính quản lý còn kém, lỏng lẻo, quy trình kiểm tra, thẩm định hồ sơ còn hạn chế không như các ngân hàng nên tạo điều kiện cho nhiều đối tượng lợi dụng để qua mặt các thủ tục”.

Cũng theo Luật sư Trần Minh Hùng, hành vi làm giả giấy tờ mua hàng trả góp tùy tính chất hành vi, mức độ, hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà có các hình thức xử phạt khác nhau. Từ việc xử lý hành chính cho đến hình sự. Về mặt hình sự thì hành vi trên có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hình phạt thấp nhất là 6 tháng tù và cao nhất đến chung thân, tùy vào tính chất của vụ việc...

Đề xuất giải pháp, Luật sư Hùng cho rằng: “Cần sớm tuyên truyền ý thức pháp luật, nhận thức cho người dân, đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm. Bên cạnh đó, các công ty tài chính cần kiểm tra, rà soát chặt chẽ hồ sơ thẩm định cho vay với quy trình chặt chẽ, an toàn và bảo đảm về mặt pháp lý cũng như hồ sơ nhân thân của người vay. Khi phát hiện có người vi phạm cần phối hợp với cơ quan chức năng để được giải quyết”.

lua dao mua hang tra gop

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 nghìn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạt tù từ 2 năm đến 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; dùng thủ đoạn xảo quyệt; chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; gây hậu quả nghiêm trọng - Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999).

Xuân Hinh - Đinh Hương