Chiến tranh biên giới phía Bắc – nỗi đau không thể nào quên:

Liên Xô sẽ can thiệp nếu Trung Quốc không dừng tay

10:57 | 20/02/2016

32,757 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi chiến sự nổ ra, tại nhiều nước trên thế giới người dân sôi sục biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Đại sứ quán Trung Quốc tại Moscow bị vây chặt gần như suốt ngày đêm. Không chỉ người dân Nga mà công dân nhiều nước khác đang sinh sống, học tập, làm việc tại Moscow cũng tham gia biểu tình rầm rộ.

Người biểu tình vây quanh đại sứ quán, hô to những khẩu hiệu phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc. Hàng ngàn sinh viên Việt Nam đang học ở Moscow và ở các thành phố khác cũng tổ chức biểu tình.

Trên các phương tiện truyền thông của Liên Xô trong những ngày ấy, tin tức về cuộc chiến tại biên giới phía Bắc Việt Nam được đăng phát liên tục. Ở đâu người dân Liên Xô cũng bày tỏ lòng cảm thông sâu sắc với đất nước Việt Nam nhỏ bé vốn đã chịu quá nhiều thương đau qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ nay lại bị quốc gia láng giềng phương Bắc xâm lăng.

lien xo se can thiep neu trung quoc khong dung tay
Lính Trung Quốc đang rút quân về nước

Đặc biệt, Chính phủ và Đảng Cộng sản Liên Xô đã ra tuyên bố yêu cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh phải dừng ngay hành động chiến tranh trong khi còn chưa muộn. Cần biết rằng lúc bấy giờ Việt Nam đang có quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, hai bên vừa ký với nhau Hiệp ước hữu nghị hợp tác toàn diện. Theo tinh thần Hiệp ước này, nếu Việt Nam bị xâm lược, Liên Xô có quyền can thiệp vũ trang để bảo vệ Việt Nam. Phía Liên Xô đã đặt vấn đề này lên bàn nghị sự trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Ngoài ra, Liên Xô còn có những động thái cứng rắn khác để răn đe Trung Quốc. Trong hai tuần, từ 12 – 26/3/1979, nhằm gây áp lực lên Trung Quốc lúc đó đang tiến hành chiến tranh biên giới chống Việt Nam, Liên Xô tổ chức tập trận quy mô lớn chưa từng có tại các quân khu phía đông và trên lãnh thổ Mông Cổ ở những khu vực giáp giới với Trung Quốc.

lien xo se can thiep neu trung quoc khong dung tay
Bếp ăn dã chiến của quân Trung Quốc

Tham gia tập trận có 20 sư đoàn hỗn hợp và 4 sư đoàn không quân, với hơn 200.000 binh sĩ, 2.600 xe tăng, gần 900 máy bay chiến đấu – những con số đáng kinh ngạc.

Tiếng là tập trận, nhưng về thực chất, Liên Xô đã tiến hành chuyển quân để tạo nên các cụm quân sự gần biên giới với Trung Quốc. Cuộc tập trận lớn nhất của quân đội Liên Xô diễn ra ở Mông Cổ, thực sự là một cuộc biểu dương lực lượng với 4 sư đoàn môtô-súng máy, 2 sư đoàn xe tăng, 3 sư đoàn không quân và nhiều binh chủng khác. Chỉ tính riêng không quân thì trong cuộc tập trận này đã có 2.987 lược chiếc máy bay xuất kích, với tổng cộng 2.834 giờ bay. Đây là cuộc tập trận sử dụng đạn thật, bom thật, tên lửa thật (chỉ các mục tiêu tấn công là giả), diễn ra trước sự chứng kiến của đông đảo phóng viên báo đài quốc tế. Những thông tin về cuộc tập trận hoành tráng này được đăng, phát trên các phương tiện truyền thông thế giới không thể không khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải chùn tay trước những ý tưởng điên rồ trong cuộc chiến ở biên giới Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam cũng gấp rút tiến hành chuyển quân từ Nam ra Bắc, thành lập một phòng tuyến bảo vệ thủ đô Hà Nội và chi viện cho mặt trận biên giới phía Bắc. Việc chuyển quân được thực hiện bằng ba loại phương tiện: đường sắt, đường hàng không và đường biển.

Đã có 8.000 binh sĩ cùng các loại vũ khí hạng nặng như xe tăng, thiết giáp, pháo lớn… được vận chuyển từ Nam ra Bắc bằng tàu lửa. Đường sắt Việt Nam bị hạn chế ở chỗ khung ray hẹp (chỉ 1m, trong khi tiêu chuẩn quốc tế đã là 1m41) và một đường sử dụng cho tàu chạy hai chiều ngược nhau nên phải mất rất nhiều thời gian dừng chờ tránh nhau, vì thế, tốc độ chuyển quân không nhanh.

Với 14 máy bay hành khách do Liên Xô hỗ trợ, có 6.750 quân với thiết bị kỹ thuật, khí tài, vũ khí hạng nhẹ được chuyển bằng đường hàng không từ sân bay Tân Sơn Nhất ra sân bay Nội Bài (Hà Tây lúc đó) và sân bay Kép (Bắc Giang).

Phần lớn vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, pháo lớn… được vận chuyển từ cảng Sihanuc và cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng trên các tàu Liên Xô và tàu chiến lợi phẩm thu được từ hải quân Mỹ.

Cần ghi nhận rằng các loại phương tiện vận chuyển của Việt Nam thời đó còn quá yếu kém và lạc hậu nên đã hạn chế tốc độ chuyển quân.

Tuy nhiên, dù sự ứng cứu của quân chủ lực không được kịp thời như mong muốn, các đơn vị thuộc lực lượng địa phương đã anh dũng cầm cự trước kẻ thù mạnh gấp bội phần và đã có những đòn phản công quyết liệt, khiến quân địch không thể tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam.

lien xo se can thiep neu trung quoc khong dung tay [VIDEO] Nhìn lại cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979
lien xo se can thiep neu trung quoc khong dung tay Giữ hòa khí, nhưng không được hèn!

Phạm Bá Thủy