Libya đạt thỏa thuận về quản lý doanh thu dầu mỏ

08:32 | 10/07/2023

104 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Vào hôm 8/7, Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh quyết định thành lập một cơ chế phân phối doanh thu dầu mỏ tại Libya, trong bối cảnh phe nắm quyền phía đông đe dọa cản trở xuất khẩu hydrocarbon. Từ lâu, tại quốc gia bị chia cắt này, doanh thu dầu khí đã trở thành chủ đề tranh cãi thường trực giữa hai phe đối địch đông - tây.
Libya đạt thỏa thuận về quản lý doanh thu dầu mỏ
Một khu khai thác dầu ở Lybia

Theo một tuyên bố hôm 8/7, Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Libya (UNSMIL) đã “hoan nghênh” quyết định thành lập một “ủy ban giám sát tài chính cấp cao nhằm đảm bảo tính minh bạch trong chi tiêu công quỹ và phân bổ nguồn lực một cách công bằng”.

Theo Hội đồng Tổng thống (CP) - cơ quan hành pháp cao nhất Libya, đây sẽ là một "ủy ban tài chính cấp cao", chịu trách nhiệm "xác định những khía cạnh chi tiêu".

Tuy được ưu đãi với trữ lượng dầu mỏ dồi dào nhất châu Phi, kể từ năm 2011, sự kiện lật đổ Tổng thống đương thời Muammar Gaddafi đã đánh dấu sự mở đầu của nội chiến Libya. Đất nước rung chuyển vì sự chia rẽ giữa phe nắm quyền phía đông và phía tây của đất nước.

Hai chính phủ đã tranh giành quyền lực hơn một năm: Một chính phủ nằm tại thủ đô Tripoli (phía tây), do ông Abdelhamid Dbeibah lãnh đạo và được Liên Hợp Quốc công nhận; chính phủ còn lại thì nằm ở phía đông, dưới sự hậu thuẫn của vị tướng Khalifa Haftar đầy quyền lực.

Mặt khác, doanh thu từ dầu mỏ - nguồn thu nhập chính của đất nước và tâm điểm tranh chấp thường xuyên giữa hai phe đối địch, nằm dưới sự quản lý của Công ty Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) và Ngân hàng Trung ương, cả hai đều có trụ sở tại Tripoli.

Ông Mohamed el-Manfi - Chủ tịch Hội đồng Tổng thống Libya, sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch của “Ủy ban tài chính cấp cao” này. Ủy ban sẽ có 18 thành viên đại diện cụ thể cho chính phủ của ông Dbeibah, NOC, Thượng viện và Hạ viện Libya, Tòa án Kiểm toán, Cơ quan Kiểm soát Hành chính, và cả đội quân của tướng Haftar.

UNSMIL ghi nhận đây là "sự đồng thuận chính trị" giữa hai thể chế và những chủ thể chính trị đối địch. Họ hy vọng "lối tiếp cận toàn diện" như vậy sẽ giúp củng cố "tính minh bạch trong quản lý quỹ công và phân phối công bằng những nguồn lực của quốc gia".

Vào hôm 3/7, trong bài phát biểu đến những sĩ quan quân đội tại Rajma (cách thành phố Benghazi 25 km về phía đông), tướng Khalifa Haftar đã kêu gọi chia sẻ công bằng doanh thu từ dầu mỏ, đồng thời ra "thời hạn đến cuối tháng 8" để thành lập một ủy ban đảm nhận chức năng này. Trong trường hợp không tuân theo, ông cảnh báo rằng "các lực lượng vũ trang sẽ sẵn sàng hành động theo chỉ thị khi đến thời điểm", mà không cho biết thêm chi tiết.

Vào ngày 24/6, ông Osama Hamad - người đứng đầu chính phủ phía đông, đe dọa sẽ ngăn chặn hoạt động xuất khẩu hydrocarbon. Ông yêu cầu tịch thu phần doanh thu dầu mỏ do chính phủ phía tây nắm giữ.

Vùng phía đông Libya là nơi đặt những cảng dầu lớn nhất nước.

Libya và Eni hợp tác thực hiện chuyển dịch năng lượngLibya và Eni hợp tác thực hiện chuyển dịch năng lượng
Libya: Chính quyền miền Đông dọa phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏLibya: Chính quyền miền Đông dọa phong tỏa hoạt động xuất khẩu dầu mỏ
Libya muốn dừng khai thác dầu thô, Châu Âu có nên lo lắng?Libya muốn dừng khai thác dầu thô, Châu Âu có nên lo lắng?

Ngọc Duyên

AFP