Lễ truy điệu đặc biệt ở khám Chí Hoà
>> Khám Chí Hòa - Những chuyện đằng sau cửa ngục
>> Khám Chí Hòa - 'Nhất nhật tại tù…!'
>> Sự thật về một viên cai ngục ở khám Chí Hoà
>> Vụ xử bắn 'em trai tổng thống' ở khám Chí Hòa
>> Khám Chí Hòa: 'Cuộc mặc cả triệu đô' trước giờ hành quyết 'em trai tổng thống'
>> Xử bắn 'ông cố vấn' ở khám Chí Hòa
>> Khám Chí Hòa trong ký ức của nguyên Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa
>> Khám Chí Hòa - những cuộc 'cân não' đằng sau cửa ngục...
Nghe các chị kể lại, chúng tôi không thể nào hình dung ra nổi tại sao những người con gái đang tuổi thanh xuân mà lại có sức chịu đựng, hy sinh lớn đến như vậy.
Và tự nhiên trong lòng tôi thấy chạnh buồn khi nghĩ đến hiện nay đã có không ít nơi, không ít người có thái độ dửng dưng vô cảm khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho những người đã từng tham gia kháng chiến và bị địch bắt tù đày. Đó là chưa kể thời gian gần đây, một số người đã cố tình xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ quá khứ, thậm chí có những lời dè bỉu về những hy sinh của các thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
![]() |
Các cựu nữ tù chính trị tại khám Chí Hoà đang kể cho nhà báo Nguyễn Như Phong về lễ truy điệu Bác Hồ ngay tại phòng giam OB4. |
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng đã có nhiều chính sách, chế độ nhằm "đền ơn, đáp nghĩa" những người đã có công trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhưng do sự kém hiểu biết về lịch sử, sự mơ hồ về chính trị cho nên không phải lúc nào những người có trách nhiệm đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công.
Thậm chí, người ta còn coi việc xây một căn nhà, trợ cấp khó khăn hoặc giải quyết chế độ chính sách cho người có công như một sự ban ơn... điều này đã làm không ít người tủi thân, tủi phận.
Ngay chúng tôi những người làm công tác tuyên truyền bây giờ được nghe các chị kể lại, được tận mắt thấy được những dấu vết qua các trận tra tấn trên người các chị cũng thấy rằng, mình đã có lỗi vì chưa viết được hay, được trung thực về những con người bình dị mà vĩ đại.
Các đồng chí trong Ban Giám thị đưa các chị cựu tù chính trị về thăm lại buồng giam, nơi các chị đã từng có những ngày tháng đấu tranh kiên cường, bất khuất. Chúng tôi đi qua những hành lang dài hun hút và khi thấy gió lùa mát lạnh tôi mới thầm thán phục người kỹ sư nào đã thiết kế trại giam theo kiểu "bát quái" thế này. Hóa ra, do được xây theo kiểu "bát quái" nên dù gió trời thổi theo bất cứ hướng nào, thì gió cũng sẽ chạy... vòng quanh, tạo sự thông thoáng cho toàn bộ khu giam. Đi trong nhà giam Chí Hòa, không cảm thấy sự ngột ngạt, tù túng và sự ô nhiễm không khí do có đông người ở tập trung.
Tất nhiên, số phạm nhân đang bị giam tại Chí Hòa hôm nay, chưa đầy 1/5 so với "công suất nhốt tù theo thiết kế"... Hơn nữa, môi trường cũng đã được cải tạo rất nhiều so với hàng chục năm trước, hệ thống nước nóng cho phạm nhân sử dụng được bơm lên những thùng inox đặt trên tháp nước ở giữa trại, rồi tự chảy về từng buồng giam... Cây cối trong sân trại và bên ngoài xanh mướt...
Nhìn cảnh mới, chị Nhật bảo: "Ngày xưa, giữa sân này làm gì có cây xanh. Vì thế, chúng tôi ở khu giam bên này, mới có thể trông thấy các anh ở khu giam bên đối diện, và dùng quạt giấy "đánh morse", báo tin cho nhau. Thậm chí còn truyền đạt cả... nghị quyết của chi bộ nhà tù bằng "đánh morse".
Các cựu nữ tù chính trị thăm lại khám Chí Hoà
Chúng tôi cùng các chị vào phòng giam OB4, nơi các chị cùng hơn 60 chị em khác đã từng ở ngày xưa. Phòng này bây giờ được dành cho phạm nhân lao động tự giác. So với ngày trước thì phòng giam bây giờ được thay đổi rất nhiều và sạch sẽ, duy có diện tích là vẫn thế. Phòng giam chiều dài đo được 14... bước chân, chiều rộng là 7 bước... như vậy ước chừng khoảng hơn 50m2.
Vậy mà trong những ngày các chị bị giam ở đây, có lúc chúng đã nhốt gần 70 người! Các chị cho biết, tại bức tường ở phòng giam này, trước đây có một đôi câu đối rất hay không hiểu ai đã viết lên đó:
"Sơn cùng thủy tận năng vô tận.
Tinh nguyệt khả di chí bất di".
(Tạm dịch nghĩa: Núi sông còn có giới hạn nhưng khả năng của chúng ta là vô hạn. Trăng sao có thể di chuyển, nhưng ý chí của chúng ta thì không lay chuyển).
Nền nhà ngày xưa tráng xi măng, giờ đã được lát đá hoa... Các chị chỉ cho chúng tôi nơi đã đặt bàn thờ Bác Hồ và trong lễ truy điệu Bác ngày 7/9/1969 thì mọi người đứng ra sao? Ai đọc điếu văn, ai hô chào cờ, ai bắt nhịp hát Quốc ca và bài Hồn tử sĩ...
Có thể nói lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nữ tù chính trị tại Khám Chí Hòa tổ chức ngày đó là duy nhất trong các nhà tù của chế độ ngụy quyền Sài Gòn ngày ấy, và đó cũng là lần duy nhất mà Khám Chí Hòa có giam tù nữ, bởi suốt từ năm 1954 cho đến tháng 9/1969, Khám Chí Hòa chỉ giam tù nam giới, còn phụ nữ, hầu hết bị giam ở nhà giam Thủ Đức.
Vậy vì sao lại có sự kiện này?
(Còn tiếp)
Nguyễn Như Phong