Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn 2024

13:58 | 16/02/2024

640 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 16/2 (tức mùng 7 Tết Giáp Thìn), dưới cánh đồng chân núi Đọi Sơn (Duy Tiên, Hà Nam) đã diễn ra lễ hội Tịch điền nhằm khuyến khích nông trang và cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Lễ hội Tịch điền là một trong những lễ hội lớn đầu xuân, có lịch sử hơn 1.000 năm kể từ ngày vua Lê Đại Hành khai sáng và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Lễ Tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân, mà còn góp phần tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn 2024
Vua đi cày 3 sá, cầu mong mùa màng bội thu.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024 vẫn được giữ nguyên các nghi lễ truyền thống và các trò chơi dân gian: phần lễ gồm những lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng ở Bảo Thái (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm), Lễ cáo yết mở cửa đình, Lễ rước nước lên Đàn tế Thần nông, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên chùa Đọi, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng làng và kiệu Tổ nghề trống, Lễ Khai hội tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và Linh vị vua Lê Đại Hành…

Bên cạnh đó, phần hội cũng diễn ra hàng loạt những hoạt động văn hóa, thể thao như: Hội thi vẽ và trang trí trâu, tổ chức thi đấu giải cờ tướng, biểu diễn nghệ thuật chèo, cùng nhiều trò chơi dân gian… Nhiều gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của cư dân địa phương cũng được trưng bày nhằm quảng bá nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Với lịch sử hàng ngàn năm, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa của dân tộc. Năm 2017, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được cấp Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo sử sách ghi lại, lễ Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân vua xuống đồng cày ruộng vào đầu xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Lần đầu vua cùng bá quan văn võ cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền, người dân Hà Nam thì gọi là ruộng vàng, ruộng bạc. Từ đó, hằng năm cứ vào đầu xuân các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn nối tiếp nhau long trọng cử hành nghi lễ tịch điền, đích thân vua xuống đồng cày ruộng với các hình thức khác nhau để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Một mùa xuân mới lại về, hòa cùng không khí xuân của đất trời, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn 2024 mang đến một tinh thần mới, một khí thế lao động hăng say mới để nhân dân Hà Nam cùng nhân dân cả nước chung tay phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn.

N.H

Lễ hội Tết - Điểm nhấn văn hóa và du lịch của Việt NamLễ hội Tết - Điểm nhấn văn hóa và du lịch của Việt Nam
6 lễ hội lớn tại Hà Nội trong tháng Giêng6 lễ hội lớn tại Hà Nội trong tháng Giêng
Top 10 lễ hội truyền thống đặc sắc nhất Thái BìnhTop 10 lễ hội truyền thống đặc sắc nhất Thái Bình
Bất ngờ chỗ trọ nghỉ chân chỉ 50.000 đồng khi về trẩy hội chùa HươngBất ngờ chỗ trọ nghỉ chân chỉ 50.000 đồng khi về trẩy hội chùa Hương