Lễ hội đền Đô 2012: Kỷ niệm 1002 năm vua Lý Công Uẩn lên ngôi

21:50 | 05/04/2012

1,204 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Diễn ra từ ngày 4 – 6/4 (tức ngày 1416/3 AL), Lễ hội đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống trong tâm thức người dân Việt Nam. Du khách về dự hội vừa dâng hương tưởng niệm 8 vị vua nhà Lý, vừa vãn cảnh vùng đất Kinh Bắc tươi đẹp.

Đền Đô (còn gọi là Cổ Pháp điện hay Đền Lý bát đế) được xây dựng vào thế kỷ XI (1030) trên nền khu đất phía Đông Nam Hương Cổ Pháp, Châu Cổ Pháp (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Khu đất này, theo Thiền sự Lý Vạn Hạnh: “Đây là nơi hội tụ của thiên khí, nơi có thế 8 đầu rồng chầu về”. Tương truyền, xưa kia phía trước của đền là một khu rừng Báng, có dòng Tiêu Tương uốn khúc chảy qua.

Đền được dựng trên nền đất mà xưa kia khi vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), tại đây nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu và đo vài mươi dặm đất làm “Sơn Lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua.

Khi vua Lý Công Uẩn băng hà (1028), Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha và cũng từ đó, đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Lễ rước diễn ra long trọng và có ý nghĩa sâu sắc

Lễ hội Đền Đô diễn ra từ ngày 14 tới ngày 16 tháng 3 âm lịch. Chính hội là ngày 16 tháng 3 âm lịch, ngày vua Lý Thái Tổ lên ngôi.

Lễ hội đền Đô gồm hai phần chính là phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ diễn ra long trọng với lễ trình thánh và lễ rước kiệu diễn tả lại ngày Vua Lý đăng quang. Trong đó, lễ rước kiệu được đông đảo du khách thập phương quan tâm, thu hút sự tham gia của hàng trăm người từ đền Ðô ra chùa Dận.

Năm nay, lễ rước từ đền Đô ra chùa Dận gồm 11 kiệu, trong đó có 9 kiệu vua (gồm cả vua bà Lý Chiêu Hoàng), 1 kiệu Mẫu và 1 kiệu Long. Ông Nguyễn Thế Phú, Trưởng Ban Quản lý (BQL) Di tích Đền Đô, cho biết: “Lễ rước kiệu 9 vua (8 vị vua từ Đền Đô và vua Lý Chiêu Hoàng từ Đền Rồng) ra chùa Cổ Pháp mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc và thể hiện rõ nét đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của con dân Việt Nam. 9 người con sẽ đón Mẹ về trong ngày hội chính. Tất cả các nghi thức trên đều được thực hiện theo nghi lễ cổ từ xưa truyền lại”. Đến ngày 15/3 AL, đoàn rước sẽ trở lại đền Đô để thực hiện các nghi thức khai hội.

Bên cạnh phần lễ, phần Hội năm nay cũng được tổ chức với các hoạt động mang đậm tính chất dân gian, với các trò chơi truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc như: vật, chọi gà, cờ tướng, tổ tôm điếm, đập niêu, thi nấu cơm niêu đất…

Đám rước hội đền Đô đã nói lên ý nghĩa thiêng liêng của ngày hội, vừa tưởng nhớ các nhân vật lịch sử, vừa khơi dậy lòng tự hào về cội nguồn phục hưng và thăng hoa của đất nước từ thuở Đại Việt.

Ông Phú cũng cho biết, tổng kinh phí tổ chức lễ hội lên tới 850 triệu và đều huy động từ các doanh nghiệp trên địa bàn đóng góp, không dùng kinh phí của tỉnh hay huyện.

Nhằm đảm bảo an ninh cho lễ hội đền Đô 2012, công tác giữ gìn an ninh – trật tự cũng được BQL đặc biệt chú trọng. Lực lượng an ninh gồm 102 công an và dân quân sẽ túc trực 24/24 trong cả 3 ngày lễ hội.

Ông Nguyễn Thế Phú, trưởng BQL Di tích đền Đô (Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh)

Di tích đền Đô được xây dựng vào năm 1030 và được mở rộng nhất vào thế kỷ XVII (1602) với quy mô của 21 hạng mục công trình, được chia thành hai khu vực nội thành và ngoại thành, sắp xếp theo kiểu "nội công ngoại quốc”, xung quanh có tường thành vây bọc.

Đền Đô với kiến trúc độ đáo mang tính nghệ thuật cao, cảnh trí hữu tình và có giá trị lịch sử văn hóa đậm nét của vương triều nhà Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Đền Đô xứng đáng với lời ngợi ca “Đền Đô kiến trúc tuyệt vời/ Thăng Long đẹp nhất, đẹp người hàng năm”.

Di tích lịch sử văn hóa đền Đô đã được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1991. Tới ngày 17/4/2011, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam đã cấp bằng cho BQL di tích đền Đô, xác nhận kỷ lục “Đền Đô – đền thờ 8 vị vua nhà Lý được nhiều người biết đến nhất”.

Ông Nguyễn Thế Phú cũng hồ hởi cho biết, BQL hiện đã hoàn tất hồ sơ công nhận Khu di tích đền Đô là di sản văn hóa phi vật thể và gửi cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong tháng 1/2012. Ông cũng chia sẻ, hiện BQL cũng đang chuẩn bị công tác phục dựng lại dòng sông Tiêu Tương nổi tiếng chảy qua đền Đô.

Vương Tâm

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

Trái đất kỳ diệu với góc nhìn từ trên cao

(PetroTimes) - Nếu thay đổi góc nhìn từ trên cao nhìn xuống, chúng ta sẽ vô cùng mãn nhãn và thích thú với một số khu vực trên Trái đất về vẻ đẹp độc lạ, hấp dẫn của chúng.