Lao động xuất khẩu: Trọng chất, nâng giá trị

11:00 | 20/11/2018

192 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nâng cao chất lượng lao động đi làm việc nước ngoài là vấn đề đang được quan tâm trong bối cảnh thị trường xuất khẩu lao động ngày càng “khó tính”, nhiều vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín chung của lao động Việt Nam ở nước ngoài.  

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã đạt được những kết quả nhất định, đóng vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, nâng cao tay nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

trong chat nang gia tri
Lao động chuẩn bị ra nước ngoài làm việc

Trong 5 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 48.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, Đài Loan và Nhật Bản là hai thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 90% tổng số lao động xuất khẩu.

Riêng thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm 2018 có khoảng 17.400 lao động Việt Nam làm việc, chiếm hơn 35% tổng số lao động xuất khẩu. Mức lương của người lao động Việt Nam tại Nhật Bản khá cao, sau khi trừ chi phí, thu nhập hằng tháng của người lao động còn khoảng 800-1.000 USD/người, nếu tính cả các khoản làm thêm, thu nhập có thể dao động từ 1.500-2.000 USD/người. Với mức thu nhập đó, nhiều lao động sau khi về nước đã có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó, người lao động còn có cơ hội làm việc với các công ty nước ngoài với ngành nghề phù hợp và thu nhập cao nhờ kinh nghiệm và chứng chỉ có được trong thời gian lao động ở nước ngoài.

Vì vậy, đối tượng xuất khẩu lao động ngày càng được mở rộng không chỉ với lao động phổ thông, những người dân vùng quê nghèo mà kể cả những người trí thức, có trình độ đại học, cao đẳng ở khu vực thành thị cũng tham gia “xuất ngoại”.

Tuy nhiên, đi làm việc ở nước ngoài cũng là một vấn đề nan giải với người lao động do liên quan đến kinh tế, vay vốn ngân hàng, vấp phải lừa đảo… Và thực tế, không ít trường hợp “dở khóc dở cười”, mang nợ vào thân do vấp phải những công ty lừa đảo.

Và, bên cạnh một bộ phận lao động có chất lượng ngày càng tốt hơn thì vẫn còn không ít lao động Việt Nam có trình độ tay nghề thấp và ý thức kỷ luật kém được đưa ra nước ngoài làm việc. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp tuyển lao động không đáp ứng điều kiện về trình độ tay nghề, ngoại ngữ; không trực tiếp tổ chức đào tạo, tuyển chọn lao động, không trực tiếp kiểm soát giáo viên giảng dạy mà phó mặc cho các cơ sở đào tạo nên thời lượng, nội dung, chất lượng giảng viên cũng như chất lượng đào tạo không bảo đảm yêu cầu. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng một số lao động Việt Nam bỏ hợp đồng ra ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp, làm ảnh hưởng đến uy tín chung của lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhìn chung nguồn lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường lao động khó tính, nhất là Nhật Bản và châu Âu. Việc cung cấp nguồn lao động chất lượng cao theo đơn đặt hàng của các nước vẫn còn nhiều hạn chế.

Ông Đào Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, Nhà nước đã ban hành hệ thống các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, nhằm tạo các cơ hội, điều kiện thuận lợi cho người lao động được tư vấn thông tin, được đào tạo nghề, ngoại ngữ, pháp luật, giáo dục định hướng nhằm chủ động chuẩn bị nguồn lao động được đào tạo, có chất lượng đi xuất khẩu lao động theo yêu cầu của từng ngành, nghề, từng thị trường. Doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần hợp tác với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề, ngoại ngữ nhằm chuẩn bị nguồn lao động xuất khẩu qua đào tạo, có chất lượng tốt. Bên cạnh đó, để khuyến khích lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài, việc mở rộng thị trường lao động, nâng cao cơ hội cho lao động trình độ cao đi làm việc ở nước ngoài là điều cần thiết.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, đã đến lúc phải siết chặt hơn chất lượng nguồn lao động xuất khẩu thông qua việc gắn kết giữa doanh nghiệp với trường nghề. Hai bên phải chủ động trao đổi thông tin, gắn kết đào tạo thì mới mong tuyển được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thay vì chú trọng số lượng, cần tập trung vào chất để nâng cao giá trị nguồn lao động cũng như thương hiệu lao động xuất khẩu Việt Nam.

Mỗi năm Việt Nam đưa khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện có khoảng 500 nghìn lao động Việt Nam đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi năm người lao động gửi về cho gia đình khoảng 2 tỉ USD.
trong chat nang gia triNâng cao chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài
trong chat nang gia triQuyền lợi của người lao động về bảo hiểm xã hội
trong chat nang gia triLao động doanh nghiệp Nhà nước: "Đông, yếu, bộ máy cồng kềnh"
trong chat nang gia triLao động Việt Nam chỉ "vàng" về số lượng chứ chưa "vàng" về chất lượng

Mai Phương