Lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19

15:24 | 01/06/2021

1,598 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việc rà soát khó khăn, cùng nhiều thủ tục còn rườm rà khiến nhóm đối tượng lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19 của Chính phủ.

Khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19 vì thủ tục

Qua tìm hiểu về nhóm lao động tự do trên địa bàn Thủ đô trong đợt bùng phát dịch gần đây thì phần lớn cho rằng mới chỉ… nghe nói, hoặc không biết cách làm thủ tục ra sao. Bán hàng rong ở khu vực chợ Long Biên hơn 8 năm nay, chị Trần Thị Hải (quê Nghệ An) cho biết gần 3 tháng nay hầu như ế ẩm, không buôn bán được gì vì dịch Covid-19, trong khi tiền trọ, chi phí sinh hoạt hàng tháng tiết kiệm hết mức cũng tới 3,5 triệu đồng/tháng. “Tôi có nghe nhiều về việc hỗ trợ cho lao động tự do nhưng phải làm các thủ tục ở quê, số tiền cũng không nhiều. Công đi lại tính ra còn tốn kém hơn nên lại thôi", chị Hải cho biết.

Lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19
Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định nằm trong nhóm đối tượng được hỗ trợ. Tuy nhiên, việc xét dựa trên mức thu nhập của chuẩn cận nghèo

Chị Đàm Xuân Trang (bán hàng tại khu vực chợ Vĩnh Phúc, Ba Đình) cho biết, năm ngoái khi có đợt giãn cách xã hội, chị về lại quê nhưng địa phương từ chối hỗ trợ với lý do gia đình chị buôn bán và có con đã đi làm, trong khi con trai chị cũng chỉ làm bảo vệ cho một nhà hàng, dịch bệnh cũng phải nghỉ nằm nhà chờ đợi.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Hợi (35 tuổi, quê Thanh Hóa) bán rau quả trên cầu Long Biên cũng không được xét nhận khoản tiền hỗ trợ dù phải nghỉ bán để về quê. "Khi gửi hồ sơ lên, địa phương nói thu nhập không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nên không xét hỗ trợ, trong khi vợ chồng tôi đang thuê nhà ở trọ, hằng tháng gửi tiền về nuôi đứa con, rất khó khăn. Thực sự tôi không biết chứng minh mình khó khăn và nghèo ra sao để được hỗ trợ", chị kể.

Ông N.Đ.T., một thành viên trong Ban quản lý một khu chợ cho biết, việc xét duyệt hỗ trợ Covid-19 theo quy định phải có đăng ký tạm trú KT3 và giấy xác nhận chưa nhận hỗ trợ ở nơi thường trú, nhưng đa số là dân lao động tứ xứ khắp nơi, xe ôm, cắt tóc, bốc vác... ở tận vùng sâu, vùng xa về Hà Nội mưu sinh nên họ không thể về quê xác nhận được vì tiền hỗ trợ không đủ tiền xe đi lại. "Nên khi nghe có đợt hỗ trợ lần 2, nhiều người cảm thấy không mặn mà, thiếu quan tâm vì mất công đi lại, thủ tục xét duyệt không đơn giản. Hay như có chuyện, 1 tổ trưởng dân phố gần khu vực chợ cũng từng đi khảo sát vài chục hộ gia đình bị mất thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch. Tuy nhiên, đủ điều kiện cũng chỉ vỏn vẹn 2, 3 hộ đủ điều kiện với mức hỗ trợ 1 triệu đồng”, ông N.Đ.T. nói.

Rà soát nhóm lao động tự do gặp nhiều khó khăn

Mặc dù Hà Nội đã chủ động rà soát và có được những kết quả bước đầu, song đến nay việc thực thi Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Nhất là trong quá trình rà soát cho thấy, việc xác định nhóm lao động tự do như thế nào cho đúng người, tránh chồng chéo, không bỏ sót gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Khắc Kháng, Tổ trưởng tổ dân phố 12, phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) phản ánh, chính quyền cấp cơ sở được định hướng tập trung rà soát, lập danh sách những người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố, người thu gom rác, phế liệu, người bốc vác, vận chuyển hàng hóa, người bán lẻ vé số lưu động… Tuy nhiên, tiêu chí, điều kiện cụ thể đi kèm vẫn còn nhiều điểm chưa rõ ràng để có thể xác định chính xác đối tượng trong diện hỗ trợ.

Lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ Covid-19
Dù khó khăn nhưng nhiều lao động tự do cảm thấy không mặn mà, mong chờ hỗ trợ

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng thôn Sen, xã Hữu Bằng (Thạch Thất) băn khoăn: “Ở khu vực nông thôn, những lao động làm nghề phi nông nghiệp, kể cả họ làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thường không có giao kết hợp đồng lao động. Vào thời điểm có dịch Covid-19, một số đối tượng này bị mất việc làm, vậy họ có thuộc nhóm lao động tự do hay không, chúng tôi cũng chưa rõ”.

Từ thực tế triển khai, ông Nguyễn Ngọc Nam, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Tín dẫn chứng, tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, số lao động không được đóng bảo hiểm xã hội mới là nhóm người đang gặp khó khăn, do không được trợ cấp thất nghiệp. Thế nhưng, vì nhiều lý do, cả người lao động và người sử dụng lao động đều không cung cấp thông tin về tình trạng mất việc làm của người lao động để đề xuất hỗ trợ. “Đối với nhóm lao động đặc thù này, xét cho đến cùng, họ cũng thuộc nhóm lao động tự do, có bị ảnh hưởng, nhưng lại không được rà soát, khoanh vùng”, ông Nguyễn Ngọc Nam trăn trở.

Theo Quyết định 15/2020/QĐ-TTg, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện sau:

- Mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định 59/2015/QĐ-TTg, trong thời gian từ ngày 1/4/2020 đến ngày 30/6/2020;

- Cư trú hợp pháp tại địa phương;

- Thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.

Minh Châu