"Làng nghề" giết mổ hàng trăm con chó mỗi ngày ở Hà Nội

13:30 | 14/09/2018

2,082 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lò mổ của một của hàng kinh doanh thịt chó ở Chương Mỹ (Hà Nội) rộng khoảng 60 m2, bên trong có rơm thui, máy vặt lông, phản lọc thịt...
lang nghe giet mo hang tram con cho moi ngay o ha noiTổ chức động vật châu Á ủng hộ lời kêu gọi không ăn thịt chó
lang nghe giet mo hang tram con cho moi ngay o ha noiHà Nội dự kiến cấm bán thịt chó ở các quận từ 2021
lang nghe giet mo hang tram con cho moi ngay o ha noiHà Nội cảnh báo nguy cơ từ thịt chó, mèo

Lâu nay, nhu cầu tiêu thụ thịt chó lớn ở Hà Nội đã dẫn đến hình thành một số điểm thu mua, giết mổ, tập trung ở ngoại thành như Chương Mỹ, Hoài Đức...

Đã 14 năm qua, ông Lê Văn Trung ở xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) rong ruổi mỗi ngày trên xe máy cùng chiếc rọ sắt ở đằng sau, đi khắp xóm làng để thu mua chó. Chiếc xe cũ kỹ gắn thêm loa phóng thanh: "Ai bán chó, bán mèo không?".

Trung bình mỗi ngày ông mua được 5 con, những ngày cuối tháng có thể lên tới 15 con. "Việc thu mua chó không đơn giản là trả tiền và đưa hàng về, đôi khi chủ chó cũng không bắt được nên mình phải có mẹo" - ông Trung chia sẻ.

lang nghe giet mo hang tram con cho moi ngay o ha noi
Chiếc xe chuyên đi bắt chó của ông Thanh với rọ sắt và thòng lọng ở phía sau.

Ông Trung bán lại số chó thu mua được cho các nhà hàng kinh doanh thịt chó trên địa bàn Chương Mỹ.

"Chó tôi mua thường nặng từ 10-15 kg, giá khoảng 70.000 đồng mỗi kg. Người dân họ nuôi chó để trông nhà, khi con chó già đi thì họ bán và lại nuôi một con mới, hoặc nhà nào nuôi nhiều quá cũng bán bớt. Lúc mua bán chúng tôi đều vui vẻ và coi đó là chuyện bình thường" - ông Trung nói.

Nhiều năm bắt chó giúp ông Trung có kinh nghiệm để phân biệt những con bị bệnh. Con nào biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi hay chảy nước dãi dòng thòng thì tôi không mua.

Theo ông, lượng chó nuôi để thịt đang ngày càng khan hiếm dần. Người dân ngày nay thường nuôi chó cảnh vì giống này sạch, đẹp hơn chó ta. "Nuôi chó cảnh thì họ không bán, cứ đà này, có lẽ đến lúc nào đó tôi cũng phải bỏ nghề" - ông Trung cười nói.

Các công đoạn làm thịt chó

Lò mổ của một nhà hàng kinh doanh thịt chó ở Chương Mỹ thường rộng khoảng 60 m2. Những vật dụng bên trong gồm bếp than để đun nước vặt lông, rơm thui, máy vặt lông, phản lọc thịt...

lang nghe giet mo hang tram con cho moi ngay o ha noi
Chó sau khi cắt tiết được cho vào máy cạo lông.

Tất cả chó thu mua về được nhốt chung một chuồng ở cạnh lò mổ, rộng khoảng 15 m2 để chờ ngày thịt. Do lạ đàn nên chuồng chó không lúc nào ngơi tiếng sủa. "Thời gian đầu những con chó lạ sẽ cắn nhau nhưng sau đỡ hơn. Trong lúc đợi thịt thì chúng tôi nấu cháo cho chó ăn để nó đỡ bị hao" - một chủ của hàng nói.

Anh Nguyễn Văn Thanh (28 tuổi, nhân viên cửa hàng thịt chó) cho biết, công việc hàng ngày là thịt và chế biến các món từ chó. "Tôi làm việc này từ năm 13 tuổi, có những ngày làm thịt tới 41 con chó và mỗi tháng thu nhập khoảng 8 triệu đồng" - anh nói.

Theo anh Thanh, công đoạn đầu tiên khi làm thịt chó là bắt và đập, sau đó cắt tiết, làm nội tạng và lọc xương.

"Chó rất hung dữ nên phải đập cho bất động rồi mới có thể cắt tiết, tôi đã nhiều lần bị chó cắn và phải tiêm phòng dại" - anh Thanh nói thêm.

Người này còn chia sẻ, ngoài nguồn chó thu mua trên địa bàn Hà Nội, các cửa hàng còn nhập chó bằng xe tải từ miền Trung, miền Nam. Chó ở miền Trung chở ra giá rẻ hơn nhưng chó gầy do bị bắt và nuôi nhốt trong thời gian dài.

lang nghe giet mo hang tram con cho moi ngay o ha noi
Xe tải chở chó đi tiêu thụ.

Thịt chó bán chạy vào những ngày cuối tháng, trời mưa và dịp nghỉ lễ. Trung bình một cửa hàng thịt chó ở Chương Mỹ, Hoài Đức... có thể bán tới 30 con mỗi ngày vào dịp cuối tháng, bình thường khoảng trên dưới 10 con.

Dọc đường vào làng Cao Hạ (huyện Hoài Đức), có khoảng 10 gia đình chuyên làm thịt chó cung cấp cho các nhà hàng, chợ ở trung tâm thành phố. Khách lạ vào đây sẽ thường xuyên nghe tiếng chó sủa.

Anh Trịnh Văn Yên nối nghề thịt chó từ cha, hiện là chủ của lò mổ với 5 công nhân. "Ở đây chúng tôi làm thịt chó bán buôn, không bán lẻ, nên cần số lượng chó lớn, nguồn cung chủ yếu từ Thanh Hóa. Xe tải đỗ đầu làng và chúng tôi ra thu mua, còn việc kiểm dịch, thuế môn bài thì do chủ xe thực hiện trên ôtô" - anh nói.

Ở lò của anh Yên, chó sau khi thịt sẽ được thui rơm và luộc rồi chuyển cho các đầu mối ở chợ, các nhà hàng thì nhập thịt chó tươi.

"Với chó già thì không thể thui vì sẽ dai, cách để tạo màu vàng sau khi luộc là bôi kẹo đắng, chúng tôi không dùng bất kỳ loại hóa chất độc hại nào" - anh Yên khẳng định.

Trước đó, ngày 10/9, UBND TP Hà Nội có văn bản khuyến cáo người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo.

Chính quyền Thủ đô cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội; làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm như: bệnh dại, tả, xoắn khuẩn...

Ủng hộ lời kêu gọi trên của Hà Nội, ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam (Animals Asia) nói: "Qua khảo sát nhiều năm, chúng tôi có những bằng chứng về sự tàn bạo trong các khâu của quy trình sử dụng thịt chó. Từ vận chuyển, nuôi nhốt cho đến giết mổ".

Theo ước tính của Cục Thú Y Việt Nam, số lượng chó của cả nước ổn định trong nhiều năm ở con số khoảng 9 triệu con. Mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 5 triệu con chó; có khoảng 100 người chết vì bệnh dại.

VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc